Microsoft dọa cắt quyền truy cập dữ liệu tìm kiếm trên internet của mình nếu các đối thủ không ngừng sử dụng nó như cơ sở cho chatbot trí tuệ nhân tạo riêng.

Microsoft dọa cắt quyền truy cập chỉ mục tìm kiếm Bing nếu các đối thủ tận dụng để tạo chatbot AI

Sơn Vân | 25/03/2023, 11:35

Microsoft dọa cắt quyền truy cập dữ liệu tìm kiếm trên internet của mình nếu các đối thủ không ngừng sử dụng nó như cơ sở cho chatbot trí tuệ nhân tạo riêng.

Microsoft cấp phép dữ liệu trong chỉ mục tìm kiếm Bing của họ (bản đồ internet có thể được quét nhanh trong thời gian thực) cho các công ty khác cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên web, chẳng hạn như Yahoo và DuckDuckGo.

Vào tháng 2, Microsoft đã tích hợp một phiên bản ChatGPT, công nghệ trò chuyện được trang bị AI của OpenAI, vào Bing. Các đối thủ nhanh chóng triển khai các chatbot AI riêng khi sự cường điệu xung quanh công nghệ này nổi lên.

Google hôm 21.3 đã bắt đầu phát hành công khai chatbot Bard với mong muốn thu hút người dùng và nhận được phản hồi để đánh bại Microsoft trong cuộc đua về AI.

Bắt đầu từ Mỹ và Vương quốc Anh, người dùng có thể tham gia danh sách chờ để truy cập Bard tiếng Anh tại địa chỉ https://bard.google.com, chương trình trước đây chỉ dành cho những người thử nghiệm được phê duyệt. Google mô tả Bard là thử nghiệm cho phép hợp tác với generative AI.

Generative AI là loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

DuckDuckGo, công cụ tìm kiếm đề cao quyền riêng tư, giới thiệu tính năng DuckAssist, sử dụng AI để tóm tắt câu trả lời cho các truy vấn tìm kiếm. You.com và Neeva, hai công cụ tìm kiếm mới được giới thiệu vào năm 2021, cũng ra mắt các dịch vụ tìm kiếm sử dụng AI là YouChat và NeevaAI.

Chatbot tìm kiếm này kết hợp các kỹ năng đàm thoại của ChatGPT với thông tin được cung cấp bởi công cụ tìm kiếm thông thường. Tất cả công cụ tìm kiếm thông thường của DuckDuckGo, You.com và Neeva đều sử dụng chỉ mục tìm kiếm Bing để cung cấp một số thông tin, bởi việc lập chỉ mục toàn bộ trang web rất tốn kém, yêu cầu máy chủ để lưu trữ dữ liệu và quá trình quét liên tục trên internet để có các bản cập nhật. Tương tự, cũng phức tạp và tốn kém để tập hợp dữ liệu đó cho một chatbot tìm kiếm.

Microsoft đã nói với ít nhất hai khách hàng rằng việc sử dụng chỉ mục tìm kiếm Bing để cung cấp công cụ chatbot AI là vi phạm các điều khoản trong hợp đồng, theo nguồn tin Bloomberg. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) cho biết có thể chấm dứt giấy phép cung cấp quyền truy cập vào chỉ mục tìm kiếm Bing của mình.

Nếu bị cắt khỏi chỉ mục Bing, các công cụ tìm kiếm nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn để tìm giải pháp thay thế. Microsoft, Google là hai công ty lập chỉ mục tìm kiếm toàn bộ web. Những hạn chế từ Google trong việc sử dụng chỉ mục của họ khiến hầu hết công cụ tìm kiếm khác sử dụng Bing.

Hồi tháng 2, Microsoft cho biết đang cải tiến công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge Web bằng AI, báo hiệu tham vọng giành lại vị trí dẫn đầu trong thị trường công nghệ tiêu dùng mà họ từng tụt lại phía sau.

Việc Bing được Microsoft tích hợp công nghệ của OpenAI đã hướng người dùng đến với công cụ tìm kiếm từng ít được sử dụng và giúp nó cạnh tranh tốt hơn với công ty dẫn đầu thị trường Google về tốc độ tăng trưởng lượt truy cập trang, theo dữ liệu từ hãng phân tích Similarweb.

Lượt truy cập trang trên Bing đã tăng 15,8% kể từ khi Microsoft công bố phiên bản được trang bị AI vào ngày 7.2, so với mức giảm gần 1% của công cụ tìm kiếm Google, theo dữ liệu tính đến ngày 20.3. Những con số này là dấu hiệu ban đầu cho thấy Microsoft đã dẫn đầu trong cuộc đua với Google để giành vị trí thống lĩnh generative AI.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây là cơ hội hiếm có để Microsoft thâm nhập vào thị trường tìm kiếm trị giá hơn 120 tỉ USD, nơi Google đã thống trị trong nhiều thập kỷ với thị phần hơn 80%.

Gil Luria, nhà phân tích tại hãng D.A. Davidson & Co (Mỹ), cho rằng Bing sẽ giành được thị phần tìm kiếm trong những tháng tới, đặc biệt nếu Google tiếp tục trì hoãn việc tích hợp AI vào sản phẩm của mình.

Gil Luria cho biết: “Bing chiếm chưa đến 1/10 thị phần của Google, vì vậy ngay cả khi nó có thêm được 1% hay 2% người dùng thì cũng sẽ có lợi về mặt vật chất cho Bing và Microsoft”.

Theo công ty nghiên cứu ứng dụng Data.ai, lượt tải xuống ứng dụng Bing cũng tăng gấp 8 lần trên toàn cầu sau khi tích hợp AI. Số lượt tải xuống ứng dụng tìm kiếm của Google đã giảm 2% trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Google có thể vượt qua những thất bại ban đầu để duy trì vị trí dẫn đầu. Đầu những năm 2000, Google từng đánh bại Yahoo để trở thành công ty tìm kiếm thống trị thế giới.

"Thuật toán xếp hạng của Google có thể có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ", Yongjei Jeong, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities (công ty môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn nhất theo giá trị vốn hóa thị trường Hàn Quốc) cho biết, đề cập đến thuật toán đã giúp Google đánh bại Yahoo Search.

microsoft-doa-cat-quyen-truy-cap-chi-muc-tim-kiem-bing.jpg
Microsoft dọa cắt quyền truy cập chỉ mục tìm kiếm Bing nếu các đối thủ tiếp tục sử dụng nó như cơ sở cho chatbot AI - Ảnh: Internet

Hôm 16.3, nhà sản xuất hệ điều hành Windows công bố các kế hoạch đưa AI đến tay người dùng Word, Excel, PowerPoint và Outlook, đáp lại việc Google tiết lộ các bản nâng cấp cho phần mềm văn phòng Docs của họ.

Cụ thể hơn, hãng phần mềm Mỹ giới thiệu trợ lý AI (AI copilot) mới cho Microsoft 365, bộ sản phẩm gồm Word, Excel, PowerPoint và Outlook.

Lần đầu tiên Microsoft mở cửa cho các khách hàng doanh nghiệp được lựa chọn để thử nghiệm, AI sẽ cung cấp bản nháp trong các ứng dụng này giúp tăng tốc quá trình tạo nội dung và giải phóng thời gian cho nhân viên.

Microsoft vượt xa các đối thủ về AI thông qua các khoản đầu tư vào OpenAI. Công ty cũng giới thiệu trải nghiệm trò chuyện kinh doanh mới có thể lấy dữ liệu và thực hiện các tác vụ trên các ứng dụng theo lệnh bằng văn bản từ người dùng.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft, nói trong một bài thuyết trình được phát trực tiếp: “Chúng tôi tin rằng thế hệ AI tiếp theo này sẽ mở ra một làn sóng tăng trưởng năng suất mới”.

Cơn sốt đầu tư và xây dựng các sản phẩm mới bắt đầu với sự ra mắt vào tháng 11.2022 của ChatGPT, chatbot cho công chúng thấy tiềm năng của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

Công nghệ như vậy học hỏi từ dữ liệu trong quá khứ cách tạo nội dung mới, cung cấp sức mạnh cho trợ lý AI mới của Microsoft cùng dữ liệu kinh doanh và ứng dụng khác. Loại AI này cũng đang phát triển nhanh chóng.

Hôm 14.3, OpenAI đã bắt đầu phát hành phiên bản GPT-4 mạnh mẽ hơn, đã được Microsoft đưa vào công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới. GPT-4 được xác nhận có khả năng đa phương thức, đồng nghĩa hình ảnh cũng như lời nhắc văn bản có thể thúc đẩy nó tạo ra nội dung. Mạnh mẽ hơn GPT-3.5, GPT-4 có khả năng thay đổi cách chúng ta sử dụng internet để làm việc, giải trí và sáng tạo.

Với một trong những bản cập nhật lớn nhất, Microsoft cho biết AI có thể mở ra phép tính toán cho Excel cho bất kỳ ai có thể mô tả một phép tính mà họ muốn bằng văn bản đơn giản.

Microsoft cho biết AI có thể tóm tắt các chuỗi email và cuộc họp trực tuyến khi chúng diễn ra trong phần mềm cộng tác Teams, tương tự như các ghi chú trực tiếp của AI mà Google trình diễn cho các phóng viên trong tuần này.

Ngoài ra, Microsoft cũng cho biết trải nghiệm trò chuyện kinh doanh mới cũng có thể trả lời câu hỏi như “cho đội của tôi biết làm thế nào để cập nhật chiến lược sản phẩm bằng cách lấy cảm hứng từ hàng loạt email, cuộc họp và chuỗi trò chuyện trong buổi sáng”.

Bài liên quan
Bước chuyển mình của Microsoft với trợ lý AI mới
Đã đưa AI vào cuộc chiến về tìm kiếm với Google, Microsoft đang chuyển sang công nghệ AI mới nhất để bắt kịp các đối thủ trên thị trường ứng dụng doanh nghiệp như Oracle, Salesforce và SAP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Microsoft dọa cắt quyền truy cập chỉ mục tìm kiếm Bing nếu các đối thủ tận dụng để tạo chatbot AI