Chiến thắng của Taliban dường như đã tạo động lực cho các nhóm cực đoan và mạng lưới khủng bố, đồng thời mở rộng thêm khoảng trống tình báo mà Mỹ đang cố gắng lấp đầy.

Những thách thức an ninh Mỹ phải đối mặt khi Taliban chiến thắng tại Afghanistan

Cẩm Bình | 26/08/2021, 15:44

Chiến thắng của Taliban dường như đã tạo động lực cho các nhóm cực đoan và mạng lưới khủng bố, đồng thời mở rộng thêm khoảng trống tình báo mà Mỹ đang cố gắng lấp đầy.

Giới tình báo Mỹ đã chuẩn bị giảm bớt hoạt động thu thập tin tình báo tại Trung - Nam Á khi Mỹ cùng đồng minh rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, việc chính quyền Afghanistan thất thủ quá nhanh, buộc giới tình báo Mỹ phải chuyển một số nguồn lực từ nơi khác đến khu vực, đài CNN dẫn nguồn tin tiết lộ.

Một trong số nỗ lực cứu vãn tình hình là máy bay trinh sát không người lái Predator với khả năng hoạt động thời gian dài, giúp bù đắp cho việc mất đi căn cứ trên mặt đất.

Theo một số quan chức, tình hình còn phức tạp hơn khi các nhóm chống đối chính quyền hay nhóm cực hữu tại Mỹ được "truyền cảm hứng" từ chiến thắng của Taliban.

Trong ngắn hạn, tổ chức khủng bố như IS hay Al-Qaeda có thể chỉ tập trung hoạt động ở tầm địa phương hoặc khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định mối nguy IS tại Afghanistan rất “cấp tính” nên cần được xem xét nghiêm túc khi công tác sơ tán đang diễn ra, minh chứng rõ ràng nhất là nguy cơ sân bay Kabul có thể bị nhóm ISIS-K (một nhánh của IS tại Afghanistan) tấn công.

Tuy nhiên, theo cố vấn Sullivan, Tổng thống Joe Biden hiểu rõ năng lực chống khủng bố của Mỹ đã phát triển đến mức có thể ngăn chặn mối đe dọa khủng bố mà không cần đặt hàng trăm hay hàng nghìn quân ở một quốc gia khác.

Về dài hạn thì nỗi lo lớn nhất là Afghanistan trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho khủng bố, tạo điều kiện cho chúng xây dựng lực lượng và phát động tấn công, đồng thời ra sức tuyên truyền nhằm kích động tấn công ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Một cựu quan chức Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) nói với CNN rằng quan hệ giữa Taliban và một số nhân vật Al-Qaeda trong nhiều năm trở lại đây ngày một sâu sắc hơn. Người này cảnh báo tình cảnh rút quân và sơ tán hỗn loạn hiện nay chắc chắn khiến các phần tử cực đoan trên toàn thế giới thêm bạo dạn.

al-shabab.jpg
Afghanistan có thể trở thành nơi ẩn náu an toàn cho khủng bố như al-Qaeda một lần nữa - Ảnh: Getty Images

Theo dõi sát hoạt động chiêu mộ

Giới tình báo Mỹ sắp tới sẽ theo dõi sát hoạt động chiêu mộ của Al-Qaeda và các nhóm từng sử dụng Afghanistan cùng vài khu vực lân cận trên lãnh thổ Paksitan làm căn cứ phục vụ cho việc tổ chức tấn công ở bên ngoài (trong đó có Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ).

Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCC) lưu ý rằng nhiều nhóm khủng bố từ Syria đến Pakistan vài ngày qua công khai ăn mừng thất bại của Mỹ tại Afghanistan.

Một mối đe dọa đặc biệt lớn là hàng trăm tù nhân Taliban vừa được thả tự do trên khắp Afghanistan. Cựu công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ Michael Sherwin xem đây như động thái củng cố lực lượng cho al-Qaeda và các nhóm cực đoan.

Từng làm việc với đội ngũ tư pháp Afghanistan, ông Sherwin cho biết không ít đối tượng công khai thể hiện ý định giết công dân Mỹ và nước khác lúc bị đưa ra tòa.

Theo một nguồn tin khác, ngay từ khi Mỹ tuyên bố tiến hành rút quân vào đầu năm nay thì giới tình báo đã nghĩ đến khả năng những thủ lĩnh Al-Qaeda trốn chạy sang các nước sẽ quay về Afghanistan.

Nguy cơ bên trong nước Mỹ

Vài năm gần đây, chủ nghĩa thượng tôn da trắng cùng nhiều nhóm cực hữu trỗi dậy buộc Mỹ phải chuyển hướng nguồn lực khỏi nỗ lực đề phòng khủng bố quốc tế. Thế nhưng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhận định mối đe dọa từ bên ngoài vẫn còn đó.

Một bản tin của DHS phát hành 1 ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban khuyến cáo kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11.9 là “chất xúc tác” cho bạo lực ở Mỹ.

“Các tổ chức khủng bố nước ngoài tiếp tục kích động nhiều cá nhân sống tại Mỹ dễ bị chủ nghĩa cực đoan bạo lực ảnh hưởng”, bản tin viết và trích dẫn thông tin tạp chí Inspire của Al-Qaeda ra bản tiếng Anh.

Chiến thắng của Taliban tác động đến cả phần tử cực đoan không theo đạo Hồi. Giới chức Mỹ ghi nhận phản ứng “đáng kinh ngạc” từ không ít đối tượng chống chính quyền, theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng trên một số diễn đàn trực tuyến. Có xuất hiện thảo luận trong đó nhiều người tỏ ý ủng hộ những gì Taliban đang làm, xem đó là kinh nghiệm có thể học hỏi để thực hiện điều tương tự trên lãnh thổ Mỹ.

american-political-division.jpg
Nhóm cực đoan, chống chính quyền ở Mỹ có thể học theo Taliban - Ảnh: TIME

Giữa lúc tâm lý chống người nhập cư gia tăng, DHS phải xem xét vấn đề liệu người Afghanistan được sơ tán đến Mỹ có trở thành mục tiêu bị tấn công hay không.

Chủ đề thảo luận trên mạng đáng chú ý thời gian qua còn có tình cảnh rút quân hiện tại, cách đảng Dân chủ xóa bỏ những gì Mỹ từng làm tại Afghanistan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những thách thức an ninh Mỹ phải đối mặt khi Taliban chiến thắng tại Afghanistan