Chén chè Miên béo bùi, ngọt thanh tan trên đầu lưỡi, tô hủ tiếu Nam Vang nước thịt trong veo, hay món mắm Bò hóc với mùi hương đặc trưng, khác biệt … Những đặc sản này của xứ Chùa Tháp đều có ở một góc nhỏ Sài Gòn nơi mà người dân vẫn quen gọi là chợ Campuchia.
Người Việt hồi hương
Khu chợ Campuchia nằm lọt thỏm trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ, người dân Sài Gòn vẫn quen gọi đây là chợ Miên, chợ Nam Vang – những cái tên đặc trưng dành cho đất Chùa Tháp. Ít ai còn nhớ được khu chợ này hình thành từ bao giờ, chỉ biết được rằng vào năm 1970, một số lượng lớn Việt kiều Cam đã hồi hương và cư trú tại đây.
|
Một góc chợ Campuchia |
Chợ bắt đầu bằng những quán hàng nhỏ lẻ, bán các món ăn nấu sẵn có hương vị lạ lẫm của nước láng giềng. Vị ngon đặc trưng của chè Miên, hủ tiếu Nam Vang, … dần chinh phục người Sài Gòn. Rồi người Campuchia xa xứ nghe danh, liền tìm đến chợ, nhắn nhủ thèm bún mắm Bò hóc, thèm khô cá Biển Hồ,… cứ như thế chợ đông đúc hơn theo từng ngày và tồn tại cho đến hôm nay.
Tiểu thương trong chợ có người Việt, có người chính gốc Campuchia, lại có người là con lai, chỉ biết về một nửa dòng máu của mình qua những món ăn bản xứ. Như cô Huỳnh Thị Huôi, cha Việt, mẹ Campuchia, bán chè Miên đã lâu năm trong khu chợ.
|
Quán chè Miên của cô Huỳnh Thị Huôi |
Khi được hỏi, cô Huôi hiền từ cười nói: “Cha của cô mang cô về Việt Nam từ khoảng năm 1977, để tránh biến cố “cáp duồn”. Lúc đó họ ngoại cô còn ở tuốt bên đó, nhưng rồi bên Việt Nam làm ăn khấm khá hơn, nên từ từ cũng về đây hết”.
Đã thèm đặc sản Campuchia
Khu chợ nhỏ bé này là nơi những người con xa xứ, cộng đồng người Khơ me ở Trà Vinh, Sóc Trăng, … lui tới để thưởng thức những đặc sản Campuchia, tìm lại chút hương vị quê nhà. Một trong những món ăn nổi tiếng của chợ Campuchia phải kể đến là món chè bí chưng – tiếng Cam gọi là “num à pơi”.
Cô Huỳnh Thị Huôi, cắt trái bí chưng để lộ phần ruột nhồi trắng mịn, vừa lạ lẫm vừa rất kích thích vị giác. Để nấu được món chè bí chưng vừa miệng, phải chọn loại bí nhỏ, thịt bí ngọt và dẻo. Khéo léo nạo rỗng ruột bí, rồi cho hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa hòa, lòng đỏ trứng vào đem đi hấp cách thủy.
|
Món num à pơi với bí chưng, bánh nếp trứng gà, nước dừa, ... |
Một chén chè “num à pơi” gồm bí chưng, sầu riêng, bánh bột nếp, đường thốt nốt và nước dừa. Vị béo ngậy, hòa với thốt nốt ngọt thanh, quyện cùng miếng bí dẻo thơm, … khiến ai thử qua một lần cũng nhớ cũng ghiền.
Nhắc đến đặc sản Campuchia lại không thể thiếu món bún mắm Bò hóc. Tại khu chợ Campuchia, món bún mắm Bò hóc đã gia giảm bớt đi lượng mắm để hợp hơn với khẩu vị người Việt. Mùi đặc trưng của mắm Bò hóc, củ ngải bún ăn kèm đậu que, bông điên điển, thân bông súng, … vừa lạ lẫm lại rất thân quen. Mùi mắm Bò hóc với người mới ăn có vẻ “kinh khủng” nhưng một khi đã quen, đã ghiền thì không tài nào bỏ được.
|
Bún mắm Bò hóc ăn kèm đậu que bông điên điển |
Và thứ khiến người phương xa luôn nhắc nhớ khu chợ Campuchia chính là đặc sản khô cá Biển Hồ. Cá ở hồ nước mênh mông được gọi “chết tên” là “biển” này nổi tiếng thịt rất dày nhưng lại ít xương hơn cá ở sông hồ khác. Đủ các chủng loại như khô cá lóc, cá sặc, cá nhái, … Từng miếng khô cá dày thịt, được tẩm ướp theo bí quyết riêng của người Campuchia hớp hồn những người mê đắm món cơm trắng cá khô, ăn giữa những ngày mưa lạnh.
|
Khô cá dày thịt từ Biển Hồ |
Với những món đặc sản đặc trưng cho xứ Chùa Tháp, chợ Campuchia, lặng lẽ tồn tại giữa Sài Gòn qua bao nhiêu thập kỷ. Được Nơi đây, đặc trưng cho làn sóng nhập cư về các thành phố lớn, làm dày thêm nét văn hóa bao dung và đa dạng của Sài Gòn.
Bá Nguyễn - Ngọc Sang