“Các bộ trưởng đã dám nhận trách nhiệm và đưa ra lời hứa là một điều đáng quý. Tuy nhiên, có những lời hứa qua nhiều đời bộ trưởng cũng chưa thành hiện thực bởi còn phụ thuộc vào năng lực, tư duy, vào sự phối hợp của nhiều cơ quan khác”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói.

Những điều hài lòng và băn khoăn sau phiên chất vấn Bộ trưởng y tế

Trí Lâm | 15/06/2017, 05:31

“Các bộ trưởng đã dám nhận trách nhiệm và đưa ra lời hứa là một điều đáng quý. Tuy nhiên, có những lời hứa qua nhiều đời bộ trưởng cũng chưa thành hiện thực bởi còn phụ thuộc vào năng lực, tư duy, vào sự phối hợp của nhiều cơ quan khác”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói.

Chiều 14.6, tại hành lang Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ với báo chí những đánh giá về phiên trả lời chất vấn của các bộ trưởng.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn cơ bản đúng với trọng tâm và chú ý đến các vấn đề mà cử tri hiện nay quan tâm. Ví dụ như vấn đề di sản xuống cấp; văn hóa xói mòn; vấn đề cấp phép các bài hát; hướng dẫn viên du lịch; những hạn chế trong đầu tư phát triển du lịch…

Du lịch hiện nay được coi là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Bộ trưởng đã nắm được tính quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế của Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển du lịch.

Tổng thể, tôi cho rằng Bộ trưởng trả lời khá đầy đủ vấn đề cử tri quan tâm và đại biểu nêu. Tất nhiên trong phần trả lời cũng có nhiều vấn đề chưa được rõ, nhưng nhìn chung phần trả lời chất vấn là tốt.

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị KIm Tiến cũng khá tốt, phản ánh đúng thực trạng hiện nay của ngành y tế, nêu ra được những thiếu sót, yếu kém về cơ sở vật chất, về điều kiện khám chữa bệnh trong y tế cơ sở; y đức, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên về tuyến dưới; sự phối hợp giữa bảo hiểm và các bệnh viên chưa chặt chẽ, làm cho người dân thiệt thòi…

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Trí Lâm

Tuy nhiên, nhìn chung qua các phiên chất vấn, trước quốc dân đồng bào, các bộ trưởng đã dám nhận trách nhiệm và đưa ra lời hứa là một điều đáng quý. Nhưng thực tế, có những lời hứa qua nhiều đời bộ trưởng cũng chưa thành hiện thực bởi còn phụ thuộc vào năng lực, tư duy, vào sự phối hợp của các cơ quan khác.

Có những bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng giải pháp chưa có gì đột phá. Cái đó đáng trách về năng lực chứ không phải ý thức trách nhiệm. Nhiều khi, để thực hiện được ý tưởng của mình còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác, do đó cũng không nên quy hết trách nhiệm cho bộ trưởng.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Bộ trưởng Bộ Y tế nắm được vấn đề trả lời và tôi hài lòng với điều này. Tuy nhiên, những giải pháp Bộ trưởng đưa ra tôi còn băn khoăn. Cái ghế Bộ trưởng là ghế “nóng”. Bộtrưởng được tái bổ nhiệm nên có lợi thế hơn rất nhiều so với các bộ trưởng khác trong vấn đề thời gian. Do đó, bộ máy đã quen thuộc, tình hình đã nắm rõ thì người dân có quyền yêu cầu cao hơn đối với Bộ trưởng.

Về việc tuyến y tế cơ sở, giống như tình trạng con nhà nghèo thì chúng ta phải nhập lại để có thể gánh công việc của nhau. Tuy nhiên, chính chúng ta đã tách các trung tâm y tế tuyến huyện ra, giờ thấy không hiệu quả thì lại nhập lại hay sao? Tách ra thêm chức thì dễ nhưng nhập vào thì anh em rất tâm tư.

Y tế dự phòng phải đáp ứng thực chất, không chạy theo phong trào, hình thức. Nguồn lực nhà nước chi cho y tế thì nhiều nhưng mới đầu tư cho hạ tầng kỹthuật, còn nhân lực thì thế nào? Tôi chưa thấy câu hỏi nào chất vấn về vấn đề nhân lực.

Nếu nhân lực chỉ đơn giản là tăng số bác sĩ, dược sĩ thì không giải quyết được vấn đề gì. Chúng ta vẫn sẽ có tình trạng nhân lực kém chất lượng nếu còn chế độ cử tuyển, ưu tiên điểm theo một số vùng miền; hạ tầng kỹthuật các trường đại học thì không tăng nhưng sinh viên thì tăng, có nơi tăng 10 lần; có nhiều cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện hoặc cơ sở ngoài ngành vẫn đào tạo bác sĩ. Nếu phát triển về số lượng mà không chú trọng chất lượng thì không được.

Vấn đề thứ 2 tôi thấy chưa thỏa đáng là việc quản lý giá thuốc. Chính Bộ trưởng khẳng định trước Quốc hội là giá thuốc Việt Nam thấp trong khu vực, kể cả nhóm thuốc biệt dược gốc, tức là nhóm thuốc giá cao, độc quyền. So sánh về mặt bằng cũng như giá trúng thấu đều giảm hơn. Thế thì tại sao lại phải đưa ra chính sách kéo giá giảm hơn nữa. Giảm bao nhiêu thì vừa lòng?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) băn khoăn về một số giải pháp của Bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: Lao động

Như vậy là hướng đến nền y tế giá rẻ, mà giá rẻ thì không bao giờ có chất lượng, tôi xin khẳng định như thế. Có tham gia vào quá trình đấu thầu ở bệnh viện mới thấy hết cái khổ của những người làm chuyên môn. Chúng tôi là dược sĩ, được đào tạo để sử dụng thuốc, thông tin về thuốc nhưng anh em ở bệnh viện suốt ngày lo đấu thầu thuốc, rồi đấu thầu xong thì nơm nớp lo bảo hiểm y tế có thanh toán hay không. Chúng ta phải tính đến một chi phí hợp lý chứ đừng nghĩ nó rẻ.

Trên thị trường với hàng chục ngàn mặt hàng thuốc, có quá nhiều thì không thể quản được. Vẫn có tình trạng tiêu cực như bắt tay giữa bác sĩ với công ty dược, ăn hoa hồng, đẩy giá thuốc lên cao. Dù vậy, chúng ta vẫn phải tách bạch 2 vấn đề.

Bộ trưởng đưa ra ngoài danh mục đấu thầu hơn 100 biệt dược gốc vì rất đắt tiền. Điều này dẫn đến các bệnh nhân nặng diện bảo hiểm y tế không được sử dụng loại thuốc này nữa. Nếu muốn dùng thì bệnh nhân phải ra ngoài mua, tốn thêm tiền và chất lượng không được kiểm soát. Còn đối với những bệnh nhân nặng, không có thuốc và không có tiền mua thì chỉ có thể chờ chết. Vấn đề là phải kiểm soát, sử dụng cho hợp lý.

Bộ Y tế cần mạnh mẽ hơn, loại bỏ bớt những thuốc không cần thiết vì quá nhiều đi vào thị trường. Đối với đấu thầu thì phải làm rõ mục tiêu chất lượng với giá hợp lý chứ không có giá rẻ được. Đừng để tình trạng thuốc nào cũng lọt qua được vòng kỹthuật, vào phòng đấu giá…

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Đây là phiên trả lời thành công của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, đi vào những nhóm vấn đề lớn. Tôi kỳvọng Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội cùng ngồi lại để tìm ra hướng giải quyết cho bất cập chi trả bảo hiểm y tế cũng như vấn đề trục lợi bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, đã có bệnh viện chưa thống nhất được việc chi trả với bên bảo hiểm nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng cán bộ, nhân viên, đặc biệt là lãnh đạo bệnh viện. Thậm chí có giám đốc bệnh viện huyện xin từ chức vì không lo đủ cho nhân viên, các bác sĩ giỏi đi, mất chất xám. Tôi muốn trong thời gian ngắn, bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế ngồi lại để tìm ra phương án tránh bức xúc bị đẩy cao lên.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều hài lòng và băn khoăn sau phiên chất vấn Bộ trưởng y tế