Một bức tường với chiều dài 10,85m, rộng 0,14m, diện tích 1,7m2 tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Quan Hoa- Cầu Giấy) đang được rao bán với giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều "bí ẩn" đằng sau bức tường giá 1 tỷ đồng được rao bán này.

Những điều chưa biết về bức tường giá 1 tỷ đồng giữa Hà Nội

Một Thế Giới | 24/07/2015, 05:40

Một bức tường với chiều dài 10,85m, rộng 0,14m, diện tích 1,7m2 tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Quan Hoa- Cầu Giấy) đang được rao bán với giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều "bí ẩn" đằng sau bức tường giá 1 tỷ đồng được rao bán này.

Bức tường giá 1 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Phương Châm, bức tường đó là phần sót lại trong quá trình thu hồi đất làm đường của chính quyền. Trước khi mở đường, diện tích đất nhà ông Châm là 60,2m2. Khi chính quyền thu hồi 58,5m2 thì diện tích đất của gia đình ông chỉ còn vẻn vẹn một bức tường.

Vì chuyển đi trong khi bức tường vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình nên ông Châm muốn bán lại cho gia đình hàng xóm. Nghĩ thế, ông Châm viết lên bức tường dòng chữ sơn đỏ là "Sau khi giải phóng mặt bằng, gia đình tôi còn lại 1,7m2 đất, chiều dài 10,85m, chiều rộng 0,14m” .

buc tuong gia 1 ty dong
 Dòng chữ "nổi tiếng" trên bức tường giá 1 tỷ trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài- ảnh Trí Lâm
buc tuong gia 1 ty dong
 Toàn bộ phần diện tích bức tường nhìn từ bên ngoài - ảnh - Trí Lâm
 Bên cạnh dòng chữ còn có nhiều giấy tờ liên quan đến mẩu đất đó và số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, đến hôm nay thì một phần dòng chữ bị xóa đi và giấy tờ cũng đã giật xuống.

Ông Châm cho hay, ông không có ý định chống đối chính quyền hay gây khó dễ cho ai, ông cũng không có ý định xây nhà siêu mỏng, siêu méo để làm rối quy hoạch.  Ông Châm muốn bán bức tường đó cho hộ dân liền kề, vốn là hàng xóm với gia đình ông Châm.

Mức giá ban đầu được đưa ra là 400 triệu đồng, sau đó, thỏa thuận không thành và xét theo bài toán kinh tế thị trường, ông cho rằng mức giá hơn 1 tỷ đồng mới hợp lý, thậm chí so với giá thị trường, giá ông đưa ra chưa đến một nửa.

Ông Châm nói, nếu gia đình hàng xóm mua, nghiễm nhiên đất của họ thành mặt đường và có giá bán cao hơn gấp nhiều lần hiện nay. "Tôi tính sơ bộ cũng vào khoảng 23 tỷ đồng. Vậy bỏ ra 1 tỷ mua đất thì cũng đâu có gì thiệt thòi", ông Châm nói.

Ông Châm cũng cho hay, nếu gia đình bên kia không mua thì ông cứ để đó, cho thuê làm biển quảng cáo hay tuyên truyền chính sách.

Sẽ mua nếu giá từ 100 triệu trở xuống

Trao đổi với báo Một Thế Giới, gia đình bà Hợi, liền kề với ông Nguyễn Phương Châm cho hay, thông tin về bức tường có phần chưa chính xác.

buc tuong gia 1 ty dong
 Bà Nguyễn Thị Hơi - hàng xóm, người được ông Châm ra giá 1 tỷ cho bức tường - ảnh Trí Lâm
Bà kể lại, trước khi giải tỏa làm đường, nơi đây là ngôi nhà tập thể 12 gian chung móng, chung mái của 12 gia đình. Gia đình bà và gia đình ông Châm vốn cạnh nhau, mỗi bên sở hữu nửa bức tường. Diện tích đất còn lại của ông Châm thực chất có hình tam giác chứ không phải 2 đầu đều nhau.

buc tuong gia 1 ty dong
 Sơ đồ phần đất đai của hai gia đình. Phần của ông Châm dài 10,8m và có hình tam giác - ảnh Trí Lâm
buc tuong gia 1 ty dong
 Phần bức tường chéo nhau, nhìn từ ngoài - ảnh Trí Lâm
Bà Hợi cho rằng gia đình ông Châm chuyển đi nhưng gia đình bà thì không thể chuyển đi được, vì nơi đây là chỗ “chui ra chui vào”, là nơi thờ tự. Bà Hợi cho biết: “Ông Châm nói chúng tôi nếu mua mảnh đất của gia đình ông thì giá trị nhà sẽ tăng lên nhiều lần, giá 23 tỷ. Tuy nhiên, chỉ có giá trị nếu chúng tôi bán đi, còn gia đinh tôi không bán thì ngôi nhà giá trị cao bao nhiêu cũng chỉ là nơi ở, có mài ra từng phần lấy tiền mà ăn tiêu được đâu”.

buc tuong gia 1 ty dong
 Mốc giới giữa hai nhà - ảnh Trí Lâm
buc tuong gia 1 ty dong
Phần rộng nhất của phần đất ông Châm có chiều dài 14cm, được cấp quyền sở hữu đầy đủ, hợp pháp - ảnh Trí Lâm 
Bà nói thêm, hiện nay gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của quận. Thu nhập chính dựa vào lương hưu hơn 3 triệu mỗi tháng của bà và chút phụ cấp của họ hàng để nuôi chị chồng. Trong khi đó, chồng bà đã mất 20 năm nay, 2 con mang bệnh, một người đã qua đời. Giờ còn lại một người con thì không nghề nghiệp, việc làm bấp bênh, bà lại nuôi thêm chị gái của chồng đã mấy chục năm nay vì người chị không có chồng con.

“Do đó, với mức giá gia đình ông Châm đưa ra, gia đình chúng tôi không thể nào có tiền mà mua được” – bà cho hay.

Có thông tin cho rằng gia đình bà ngoài căn nhà hiện tại, bà còn sở hữu một căn hộ cho thuê với diện tích 48m2, bà Hợi giải thích: “Đúng là tôi có căn hộ cho thuê, tuy nhiên, sổ đỏ đã bị chủ nợ giữ vì nhiều năm nay con cái vướng bệnh, vay mượn nhiều, số tiền đã vượt quá giá trị ngôi nhà và chủ nợ đang thúc bán nhà để trả nợ. Hiện nay tôi chỉ còn đứng tên sổ đỏ và cũng đang kêu gọi người bán để trả nợ”.

Tuy nhiên, bà Hợi cũng bày tỏ, nếu gia đình ông Châm bán với giá từ 100 triệu trở xuống thì gia đình bà có thể mua, còn cao hơn thì điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Nếu không thỏa thuận được với nhau thì buộc phải nhờ đến sự hòa giải, dàn xếp của chính quyền.

Trong khi phóng viên trò chuyện với gia đình bà, có vài người đến ngỏ lời mua đám đất. Bà cho biết, mấy ngày nay có khá nhiều người đến hỏi mua đất của gia đình tôi, đó là sự bất thường.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, ông Châm quả quyết sẽ không có giá 100 triệu. "Nếu 100 triệu thì tôi để đó cho thuê dán biển quảng cáo. Đất đai dù nhỏ cũng là tài sản, nếu gia đình họ mua, lợi ích mà họ thu về sẽ cực kì nhiều", ông Châm nói.

Dân không tự thỏa thuận, chính quyền sẽ can thiệp

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp hộ dân còn diện tích sau thu hồi, không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng thì các hộ dân có quyền hợp thửa, hợp khối, tự thỏa thuận với nhau để mua bán.

Trước đó, dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được cho là dự án trọng điểm, con đường này cũng có chi phí ngất ngưởng, được đánh giá là con đường đắt nhất hành tinh. Thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo chặt chẽ để đây là tuyến đường kiểu mẫu, không để “sạn”, không để nhà siêu phẳng, siêu méo tái diễn như nhiều dự án đường trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, nếu các hộ dân không thỏa thuận được với nhau thì chính quyền sẽ có trách nhiệm đứng ra hòa giải, giải quyết vấn đề. Theo gia đình ông Châm và bà Hợi, hiện chính quyền cũng chưa có buổi làm việc riêng chính thức nào với hai gia đình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuyên – Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho hay, nếu người dân không tự thỏa thuận chuyển nhượng cho nhau để hợp thửa, hợp khối... sẽ bị tuyệt đối thu hồi để làm công trình công cộng như bảng tin, trạm xe buýt, điểm đặt máy ATM...

Trí Lâm


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều chưa biết về bức tường giá 1 tỷ đồng giữa Hà Nội