Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố được người đời đương thời xếp vào “Tứ kiệt Hà thành” về những đóng góp văn hóa của họ. Cái thứ tự “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”, bạn đọc đừng vội nghĩ là theo thứ bậc ảnh hưởng mà nhầm to. Ấy chẳng qua là cho thuận miệng mà thôi. Còn việc so sánh sự hơn kém, quả thật khó nói lắm.

Những chuyện ít biết về học giả Phạm Quỳnh

28/08/2016, 07:53

Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố được người đời đương thời xếp vào “Tứ kiệt Hà thành” về những đóng góp văn hóa của họ. Cái thứ tự “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”, bạn đọc đừng vội nghĩ là theo thứ bậc ảnh hưởng mà nhầm to. Ấy chẳng qua là cho thuận miệng mà thôi. Còn việc so sánh sự hơn kém, quả thật khó nói lắm.

Với học giả Phạm Quỳnh, hồi những năm đầu thế kỷ XX, dân Việt ba kỳ ai cũng nghe tên, biết tiếng. Ấy nhưng hỏi giới trẻ có học bây giờ biết gì về họ Phạm, hẳn ta thất vọng lắm lắm. Nói về học giả Phạm Quỳnh, hẳn ta biết nhiều về ông cùng Nam Phong tạp chí, về ông là cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Ở đây, xin giở vài trang nhỏ về đời ông, sự nghiệp văn hóa, chính trị của ông. Còn phẩm bình, xin để độc giả hậu xét vậy.
Tuổi thơ của học giả Phạm Quỳnh, ít người được tường tận, tài liệu xưa nay, chủ yếu khai thác cái nghiệp văn hóa, chính trị của học giả họ Phạm mà thôi. Nay, xin được từ nhật ký Chúng tôi đã sống như thế của con dâu ông, PGS, TS Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên), mà lược thuật cho độc giả hay về quãng thơ ấu của ông. Bạn đọc muốn kỹ càng, xin cứ tìm sách ấy xem qua.
Phạm Quỳnh (1893 - 1945) vốn quê gốc ở làng Lương Đường, đời Lê có tên Hoa Đường, thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thế nên sau này Hoa Đường tùy bút ông viết mang tên quê là bởi thế. Phạm Quỳnh lọt lòng mẹ tại nhà số 1 phố Hàng Trống đầu năm Nhâm Thìn (1893). Cha Phạm Quỳnh là cụ Phạm Điển, vốn lập nghiệp bằng nghề dạy học.
Bấy giờ, vận nước đã bĩ, dân ta đang sống dưới chế độ thực dân Pháp. Nho học đang dần đi vào con đường mạt vẫn, và sẽ dứt bóng chính thức sự hiện diện của nó khi khoa cử Nho học cuối thập niên đầu của thế kỷ 20 bị bãi. Đất Hà Nội nơi gia đình Phạm Quỳnh lập nghiệp, tiếng là nơi phồn hoa đô hội, nhưng dân quê nghèo khổ phần nhiều, rên xiết trong những thuế khóa, áp chế chính trị của thực dân, phong kiến. Lo cái ăn đã vất vả, huống hồ lo cái chữ, nhất là khi thực dân thi hành chính sách văn hóa ngu dân nữa. Nhà Phạm Quỳnh có nếp nho gia, nhưng nếp nhà thanh đạm, chứ chẳng dư dả như người ta.
Tuổi thơ Phạm Quỳnh, không còn nhiều dấu ấn của người mẹ khi thân mẫu của ông mất lúc Phạm Quỳnh mới 9 tháng tuổi (Bố đi bước nữa và mẹ kế của Quỳnh sinh cho Quỳnh đứa em trai Phạm Bái, nhưng Bái mất khi còn bé). Đến năm Quỳnh lên 9, thì cha lại mẹ rời bỏ chú bé sau cơn cảm lạnh. Mà sự ra đi của thân phụ chú bé Quỳnh, cũng xót xa lắm, bởi ông bố trẻ Phạm Điển mất khi vừa mới làm xong bài thi, cho bài vào ống quyển chưa kịp nộp. Trong hồi ký trên cho hay, bài thi sau được chấm đỗ tú tài, nhưng danh ông tú ấy ông Điển đâu có kịp được kịp nghe, kịp hưởng một ngày! Còn về Phạm Quỳnh thì từ đây, thân trẻ côi cút. Quỳnh chỉ còn bà nội là nơi bấu víu duy nhất cho cuộc đời sớm thiếu tình thương của hai đấng sinh thành. Mẹ kế thì sau đó tục huyền với người khác.
Thương đứa cháu bất hạnh, bà nội Quỳnh dành hết mọi tình thương và sức lực chăm bẵm cho cậu. Quỳnh được học tại trường Pháp Việt ở gần nhà. Quỳnh ham học, lại sáng dạ nên khi theo học tại trường Thông ngôn, sau là trường Thành chung Bảo hộ, hay trường Bưởi, Quỳnh không những không mất tiền học, lại còn được hưởng học bổng. Giữa lúc xã hội Việt Nam đến tận năm 1945 còn hơn 90% dân mù chữ, thì việc Quỳnh với xuất thân bần hàn mà học được, mà lại học cao nhờ công nhiều của bà nội Phạm Quỳnh với cái nhìn thức thời.
Trong Trường hợp Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung, ông Bùi Văn Cần, từng học chung với Quỳnh, kể rằng “Tôi rất phục ông Phạm Quỳnh về con người học nhiều biết rộng của ông ta. Tôi được biết gia đình Phạm Quỳnh hồi đó rất nghèo chứ không được khá giả lắm, nhưng được cái ông học giỏi”.
Năm 1908, Quỳnh đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của trường (với bài thi tiếng Pháp đạt điểm tối đa, còn Hán văn thì điểm kém, nhưng giám khảo tiếc quá, chấm cho ¼ điểm Hán văn để đậu), người đỗ hạng nhì, chính là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả của Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển sau này, quả là rạng danh cho họ Phạm buổi ấy. Ở tuổi 16, nếu là chúng ta bây giờ, còn đang ngồi vật lộn với mớ kiến thức ở lớp 11 trường THPT nếu học đúng tuổi, còn Phạm Quỳnh ở tuổi 16, đã trở thành chàng thông ngôn ăn cơm Tây tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), một môi trường học thuật hàn lâm bấy giờ. Từ thời điểm này bắt đầu đời công chức, gia cảnh Phạm Quỳnh đã bớt khó khăn. Nhìn một cách công tâm (chưa xét tới những vấn đề về văn hóa, chính trị ông tham dự sau này), thì rõ là một sự lột xác ngoạn mục cho sự cố gắng không ngừng của chú bé mồ côi họ Phạm mà lớp trẻ chúng ta ngày nay nhìn về tiền nhân, không khỏi đỏ mặt mà thẹn thùng nếu có lòng tự trọng.
Tuổi thơ bất hạnh là thế, nhưng cũng là động lực để Phạm Quỳnh có chí vươn lên, để sau này, đường đường bước chân vào lòng người trong mến mộ về sự uyên bác trên bình diện văn hóa. Đó là một góc riêng của quãng đầu đời học giả họ Phạm, nhưng hẳn ít ai hay.

(còn tiếp)
Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chuyện ít biết về học giả Phạm Quỳnh