Thế hệ hippie Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Cảnh sát vẫn hỏi giấy tờ quân dịch để tống chàng hippie tóc dài nào đó vào quân trường. Cha mẹ vẫn nhịp chiếc roi mây răn đe và sẵn sàng dập tắt mọi dấu hiệu “nổi loạn“ của con cái.

Kỳ 4: Thế hệ hippie Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận

23/08/2016, 05:09

Thế hệ hippie Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Cảnh sát vẫn hỏi giấy tờ quân dịch để tống chàng hippie tóc dài nào đó vào quân trường. Cha mẹ vẫn nhịp chiếc roi mây răn đe và sẵn sàng dập tắt mọi dấu hiệu “nổi loạn“ của con cái.

8. Cô hippie lạc loài

Hình ảnh anh chàng cao kều Scott McKenzie, tóc dài, ria mép ngồi xếp bằng tròn nghêu ngao “If you re going to San Francisco. Be sure to wear some flowers in your hair…”, ca khúc nổi tiếng và mặc nhiên trở thành nhạc hiệu cho phong trào hippie đang thời thịnh trị xâm chiếm gần hết thế giới khi ấy. Sài Gòn không ngoài vùng ảnh hưởng. Năm 1970 - 1972 những bông hoa hippie màu vàng cam tràn ngập trên mắt kính, dán trên xe, in trên áo và tuổi trẻ Sài Gòn tóc dài, quần ống loe, giày mọi cũng là dấu hiệu dễ dàng để nhận ra nhau - những chàng, những nàng hippie mà từ đó phát sinh câu thành ngữ mang hàm nghĩa trêu ghẹo (?): “Hippie choi choi lỗ đít có vòi!”.

Chiếc áo hippie đầu tiên của tôi do Đỗ Lễ mang đến, bảo “Thích không? Của cháu đấy!“, tôi biết rõ để lấy lòng tôi mỗi khi tôi để nhạc cho quán cà phê, chiếc áo sẽ nhắc “nhớ để nhạc của Đỗ Lễ!“, những bông hoa hippie màu vàng cam rực rỡ cả giấc ngủ những ngày sau đó, nhưng tôi không dám mặc công khai. Ông chú, chồng của dì tôi quá nghiêm khắc. Tóc dài kéo sẽ sởn, áo hippie sẽ tịch thu. Ông nhà trên thì tôi nhà dưới, và ngược lại, lẩn nhau như chạch dù ở chung nhà. Tôi giấu kỹ chiếc áo, đôi giày mọi trong cặp, khi nào phóng ra đường sẽ tìm chỗ mặc vào để thành chàng hippe trẻ tuổi cùng vào đám đông.

Phạm Duy quả là một nhạc sĩ bén nhạy thời cuộc. Những đứa con ông lập thành ban nhạc danh tiếng vang lừng thập niên 70 “The Dreamers“ với Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh, Duy Hùng, Thái Hiền đều tóc dài, quần pát và những ca khúc thơm ngát mùi tuổi hồng tuổi ngọc… Những bài bình ca bỏ mùi súng đạn sau lưng thế hệ đang đối diện với chiến tranh hằng ngày. ”Sống sót trở về tên cường đạo lau kiếm…xé áo giang hồ xin chèo đò trên bến…” hay "Và khi đưa nhau về... gặp anh hippie trẻ... mặc áo rách đứng bên nhà thờ... trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ...".

Thế hệ hippie Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Cảnh sát vẫn hỏi giấy tờ quân dịch để tống chàng hippie tóc dài nào đó vào quân trường. Cha mẹ vẫn nhịp chiếc roi mây răn đe và sẵn sàng dập tắt mọi dấu hiệu “nổi loạn“ của con cái. Nhưng hippie là hòa bình, hình ảnh con bồ câu trắng đậu trên cần đàn cũng là một biểu tượng của hippie. Nhưng thế hệ trẻ nơi nào cũng cô đơn. Lạc lõng, dễ dàng bị đẩy ra bên lề đời sống. Ma túy, tình dục, sa đọa, thác loạn, yêu cuồng sống vội, v.v.. luôn được chụp xuống vai những người trẻ tuổi có chiếc áo hoa sặc sỡ.

Mẹ lo buôn bán, chỉ ông chú khắc nghiệt và lần đầu tiên trong đời chàng thanh niên 18 tuổi nhận ra một trong những hạnh phúc của mình là: không có bố!

Tự do và đào thoát muôn năm!

Nữ sĩ Nhã Ca cũng lại đứng cạnh giới trẻ, đi cùng nỗi cô đơn, khắc khoải của họ. Cô hippie lạc loài ra đời, sách gối đầu giường những người trẻ tuổi cô đơn. Phong trào hippie Sài Gòn 1970 lóe lên như nỗi buồn rực rỡ
và cũng lụi tàn rực rỡ bởi thời cuộc và chiến tranh.

Những bông hoa vàng cam rụng lả tả rồi nhòa đi trong giấc mơ một người tuổi trẻ...


9. Phượng là con chim bay vào trí nhớ…

Hồi ức này tôi sẽ không để hết tên nhân vật trừ khi cần thiết phải để tên, nếu ai còn sống thấy không đúng thì lên tiếng, tôi sẽ viết nhiều về vùng Ông Tạ nơi tuổi hoa niên của tôi còn đậm dấu ấn, mà lạ thay thời gian không đủ sức làm phai nhạt nó. Mỗi lần trở về, tôi như Từ Thức về trần. Đường xưa lối cũ còn đó dù đã đổi thay. Tôi nhớ hết tên người, đường ngang ngõ tắt nhưng khổ thay, người cũ không còn, cảnh cũ không còn. Hỏi ai cũng lắc đầu, “thương hải biến vi tang điền”, kẻ trở lại nay đã là ông lão sao hỏi tìm ký ức tuổi thơ? Ai mà biết, ai mà nhớ…

Này ông Sơn Đảo danh trấn giang hồ một thời, tôi vai cháu gọi ông bằng chú bởi lẽ ông gọi mẹ tôi bằng chị. Danh ông, tên ông tôi thừa biết, ai sợ ông chứ tôi chả sợ. “Chú! Cháu mất cái xe đạp chỗ ấy!“, chỉ vài ngày sau “Mày ra lấy lại xe đi!“ nhưng không còn là chiếc xe cà tàng của mình, nó đã được thay hết phụ tùng oách hơn, bảnh hơn. “Không phải xe của cháu ạ!“. “Xe mày đấy, thằng đàn em chú nó lỡ… chú cho nó tiền bù vào những gì nó thay đổi của mày, chú dặn đấy là thằng cháu, bọn mày tránh xa nó ra…”. Tôi cảm ơn ông Sơn Đảo, tôi không chơi với ông, tất nhiên, nhưng tôi chơi với Hoàn bệu, Tiềm khàn, Hào rụt em ông. Tiềm khàn nổi tiếng về nhảy đầm, nhảy đẹp có cúp có giải đàng hoàng. Tôi nhỏ hơn vài tuổi chưa biết nhảy đầm, chỉ “anh Tiềm, đưa em vài chục, em cần! “ là có vài chục tha hồ mua gì mình muốn. Họ xem tôi như thằng em, chiều nó chút đỉnh chả sao vì nó hay đưa dùm thư tỏ tình của các ông anh cho chị Thục người đẹp nhất xóm đạo An Lạc thời ấy. Chị Thục chả thua gì ca sĩ Thanh Lan sau này. Đẹp dã man mà cuộc đời cũng thảm dã man, toàn quen, toàn dính vào những tay nghiện ngập. Tôi thích chị nhưng là vai em chả dám ho he dù những lần nhìn chị khóc, tôi cũng muốn khóc.

Ngôi trường Thánh Tâm tôi học vài năm cũng là nơi tôi biết nhớ nhung cô bạn gái đầu tiên, mà khốn nạn thay cho thân tôi, hóa ra chỉ vì cô giống một hình bìa tình cờ của họa sĩ Đinh Tiến Luyện trên tuần san Tuổi Ngọc. Mắt nai to ngơ ngác. Môi nũng nịu… Mối tình thầm lặng kéo dài cho tới lúc chẳng ai còn gặp ai nữa, vĩnh viễn mất dấu. Nếu được gặp lại một lần trong đời tôi sẽ nín thở, can đảm đến nói “ P! Tao yêu mày!“ nhưng đấy chỉ là tưởng tượng, mãi mãi là tưởng tượng.

P. giờ chắc cũng đã thành bà cụ. Nàng không phải là phương, phường, phưởng… tên nàng là Phượng, “em gái giáo sư Cg có bộ râu dê". ”Phượng là con chim bay vào trí nhớ…”, thơ ai, không phải thơ tôi. Giá mà tôi làm được câu thơ như thế.

Ngã ba Ông Tạ. Những mùa Giáng sinh se lạnh, dây kim tuyến, trái châu lấp lánh, thiệp Noel thơm mùi mực in và bài hát của ông Nguyễn Vũ sống bên kia khu Nghĩa Hòa “bài thánh ca đó còn nhớ không em… Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Tôi từng viết Ông Tạ có hai điều đặc sắc: Một là thành nhà văn, hai thành du đãng. Tôi quên mất, còn thành nhạc sĩ nữa. Như Nguyễn Vũ.

Phượng là con chim bay vào trí nhớ…

Em còn sống đấy chứ, P?

(còn tiếp)

Đỗ Trung Quân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 4: Thế hệ hippie Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận