Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến khốc liệt nhất trong 3 kỳ chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần

Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2

25/08/2016, 11:23

Sau cuộc chiến chống Mông Cổ năm 1258, Đại Việt bước vào một giai đoạn tương đối yên bình kéo dài khoảng hai thập niên. Sự yên bình này có được một phần nhờ vào các hoạt động ngoại giao khéo léo của triều đình nhà Trần, nhưng yếu tố quan trọng hơn là do Mông Cổ bận tập trung vào cuộc chiến dứt điểm triều Nam Tống để độc chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

Tranh thủ nền hòa bình quý giá này, Đại Việt dưới thời trị vì của Thượng hoàng Trần Thái Tông và Quan gia Trần Thánh Tông đã phát triền mạnh mẽ về nhiều mặt. Nhờ thành quả của việc đắp đê quai vạc từ đầu nguồn đến cuối nguồn bắt đầu từ thời Trần Thái Tông mà nhiều vùng đất mới được khai thác. Khi thái bình, triều đình tích cực tổ chức cho nhân dân đào nhiều kênh dẫn nước và tiêu úng. Công cuộc trị thủy thể hiện sức mạnh cộng đồng, mức độ tập trung quyền lực nhà nước và trình độ cao về canh tác lúa nước. Nhà Trần lập các cơ quan chuyên trách về đê điều và thủy lợi gọi là Hà Đê, có các Hà đê sứ, Hà đê phó sứ để quản lý. Các vùng ruộng trũng phía đông đồng bằng sông Hồng đỡ được nạn lụt và triều cường, năng suất nông nghiệp được tăng lên, sự trù phú và ổn định đời sống hơn hẳn các đời trước. Đi cùng với việc trị thủy là đẩy mạnh khai khẩn đất đai. Dưới thời vua Trần Thánh Tông, các giai tầng xã hội từ quý tộc, địa chủ đến bình dân làng xã đều được huy động vào việc khai thác triệt để tiềm năng của đồng bằng sông Hồng.

Các hình thức sở hữu nông nghiệp trong thời kỳ này khá đa dạng. Các loại ruộng sơn lăng, tịch điền, ruộng quốc khố là đất thuộc sở hữu trực tiếp của triều đình, lấy nhân lực phần đông là những nông nô để cày cấy. Làng xã có ruộng công để khoán cho dân làng cày, thu tô nộp cho triều đình và quỹ công của làng. Mỗi làng có quyền tự trị nhất định về ruộng đất và nhiều lĩnh vực khác. Các quý tộc sở hữu ruộng đất trong các Thái ấp cũng là một bộ phận ruộng đất đáng kể với nhiều nông nô. Quý tộc Trần còn mộ dân khai thác đất đai để thành lập các điền trang, cho nông dân cày và nộp tô. Bình dân cũng sở hữu nhiều ruộng tư của riêng họ, những nông dân này chỉ nộp thuế cho triều đình. Các nhà giàu có nhiều ruộng tư thì trở thành địa chủ, họ thuê người nghèo không có ruộng làm nông dân lĩnh canh.

Nông nghiệp đem lại cuộc sống ấm no cho người dân là nền tảng cho nhiều lĩnh vực khác phát triển mạnh mẽ. Các thương cảng sầm uất trong thời kỳ này có thể kể đến là Vân Đồn (thuộc Quảng Ninh), Hội Thống (thuộc Hà Tĩnh), Hội Triều (thuộc Thanh Hóa)… Thương nhân các nước đến buôn bán với Đại Việt có lệ mở chợ ngay trên thuyền hoặc lập các thương điếm trong thương cảng. Nếu như sự phát triển về thương mại ở các thương cảng được gọi là thịnh vượng, thì thương mại ở kinh thành Thăng Long còn hơn thế nữa. Thăng Long vừa đóng vai tròlà một trung tâm hành chính, quân sự vừa là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất cả nước. Các phường hội thủ công nghiệp ở kinh thành của tư nhân và nhà nước đều phát triển mạnh.

Nhân dân Đại Việt thời Trần tiếp nối nếp sống, nếp nghĩ từ thời nhà Lý. Xã hội chuộng giáo lý nhà Phật, chuộng lối cư xử hòa nhã, tình cảm phóng túng, yêu thể thao và nghệ thuật. Điểm khác biệt ở hệ tư tưởng nhà Trần so với nhà Lý là tiếp thu thêm nhiều tư tưởng Nho giáo. Quan niệm về trung quân, tư tưởng quốc gia dân tộc được củng cố mạnh mẽ hơn. Ngay từ năm 1251 vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu lệnh cho cả nước gọi vua là Quan gia, với ý nghĩa"Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (Quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (Gia”(1). Ấy là giải thích dựa theo truyền thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế thời cổ, ngụ ý đồng nhất vua với đất nước, và từ Quan Gia cũng tương đương với danh xưng Hoàng Đế mà các vua Đại Việt đã xưng trước đó. Nhờ việc tiếp thu Nho giáo, quyền lực triều đình trung ương được tập trung cao hơn các triều đại trước. Các vua Trần chẳng những thu phục được giới trí thức nho học, mà tư tưởng trung quân ái quốc còn thấm nhuần tới tầng lớp bình dân nhờ vào sự phát triển của giáo dục, và nhờ vào sự cai trị khoan thư sức dân của triều đình.

Triều Trần xây dựng bộ máy chính quyền trung ương dựa vào hoàng tộc, với ý tưởng là người cùng họ thì lòng trung thành sẽ được đảm bảo hơn và ngoài nghĩa vua tôi còn có sự ràng buộc về tình cảm họ hàng. Những con cháu trong họ Trần trở thành một tầng lớp quý tộc khép kín, nguồn nhân lực cai trị chính yếu của triều đình từ đó mà ra. Các vương hầu nhà Trần được giáo dục kỹ lưỡng cả về văn lẫn võ để trở thành những người đủ năng lực giúp việc cho vua. Trong các thời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông giới quý tộc Trần đã trở nên đông đảo. Vua Trần đối đãi với tôn thất trong triều đình thì nghiêm cẩn trong công việc, trong lễ nghi chính thức nhưng những lúc sinh hoạt thường nhật lại rất thân mật, cùng nhau ăn chung mâm, kê giường lớn mà ngủ chung không phân biệt ngôi thứ.

Vua Trần Thánh Tông từng nói riêng với các quan lại quý tộc: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc " (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). May mắn thay trong giới quý tộc Trần thời kỳ này xuất hiện nhiều nhân tài xuất chúng, đủ tài đức để đảm đương trọng trách đất nước. Ngoài giới quan lại quý tộc, vua Trần cũng chú trọng khoa cử để tuyển chọn những trí thức nho học vào bộ máy nhà nước để giúp việc cho vua. Cùng với đó là chế độ tiến cử cá nhân khá thông thoáng dành cho những người có thực tài. Những nhà quý tộc thường đãi ngộ, nuôi nấng các môn hạ để phục vụ cá nhân và cho triều đình.

Dân số Đại Việt tiếp tục tăng nhanh, triều Trần cho cập nhật sổ hộ tịch hằng năm để thu thuế và tuyển quân. Nhờ đó mà Đại Việt có được nguồn nhân lực dồi dào và một lực lượng dự bị động viên cực lớn, đến hàng chục vạn trai tráng có thể huy động trong thời gian ngắn để phục vụ cho chiến tranh vệ quốc. Nhưng đó là việc của thời chiến. Còn thời bình, triều đình tiếp tục chủ trương duy trì một đội quân thường trực tinh gọn. Quân số thời bình của Đại Việt dưới thời kỳ vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tôngvẫn chỉ dao động ở con số khoản 10 vạn quân. Quân các lộ vẫn theo phép Ngụ Binh Ư Nông, vừa có thể điều động nhanh chóng phục vụ chiến đấu vừa đỡ tốn phí tổn nuôi quân. Cấm quân được mở rộng thêm về quy mô.

Năm 1267, vua Trần Thánh Tông thành lập thêm các hiệu Cấm quân là Toàn Kim Cương đô, Chân Thượng đô, Cấm Vệ Thủy Dạ Xoa đô, Chân Kim đô. Tổng quân số các hiệu Cấm quân thời này ước chừng trên dưới 3 vạn quân, là lực lượng tinh nhuệ bậc nhất, đóng vai trò bảo vệ đầu não triều đình và cũng là lực lượng xung kích mạnh trong chiến tranh. Quân hộ vệ thân tín nhất của nhà vua đa phần được tuyển chọn ở hương Tức Mặc, là quê quán của họ Trần. Năm 1262, hương Tức Mặc đổi thành phủ Thiên Trường, đóng vai trò là trung tâm hành chính thứ hai của cả nước, nơi ở của Thượng hoàng và cũng là căn cứ dự phòng trong chiến tranh.

Các tướng sĩ thời bấy giờ ngoài việc rèn luyện kỹ năng chiến đấu còn phải học binh thư để có tư duy chiến thuật, chiến lược tốt. Tướng lĩnh tùy theo cấp bậc mà được học những loại binh thư khác nhau. Thời này nổi tiếng nhất là Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong đó Binh Thư Yếu Lược là cuốn sách gối đầu của nhiều tướng lĩnh trong quân, còn Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư là binh thư dành cho số ít tướng lĩnh cao cấp, không tùy tiện truyền dạy đại trà. Trong biên chế quân đội có các quân xưởng để tự sản xuất vũ khí, đóng chiến thuyền, làm gạch xây thành… Quân đội Đại Việt có tính tự túc rất cao, do đó mà vừa duy trì được trang bị tốt, vừa đỡ phải hao tốn các nguồn lực khác trong xã hội. Nhân dân đỡ lao dịch, được chuyên tâm vào xây dựng kinh tế.

Quả thực, dưới sự trị vì của các vị minh quân trong giai đoạn hòa bình quý giá sau cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất, Đại Việt đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ cả về kinh tế, tư tưởng, quân sự … Một đất nước thanh bình, thịnh trị và đoàn kết là nền tảng cho sức mạnh to lớn, đủ sức đánh bại mọi kẻ xâm lược.

Kỳ sau: Chiến trường Tống - Nguyên

Quốc Huy

(1): Uy Văn Vương giải nghĩa từ Quan Gia với vua Trần Thánh Tông (theo ĐVSKTT ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2