Các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford và AstraZeneca đã thất bại trong nỗ lực tạo ra phiên bản xịt mũi của vắc xin COVID-19 do họ đồng phát triển. Thử nghiệm ban đầu trên người không mang lại hiệu quả bảo vệ như mong muốn.
Đáp ứng kháng thể trong màng nhầy đường hô hấp chỉ được nhìn thấy ở một số ít người tham gia thử nghiệm. Đây là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn của thử nghiệm lâm sàng, Đại học Oxford (Anh) cho biết trong một tuyên bố hôm 11.10. Ngoài ra, đáp ứng miễn dịch đo được trong máu yếu hơn so với khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đặt nhiều hy vọng vào vắc xin xịt mũi chống lại SARS-CoV-2 vì phương pháp này được cho là có khả năng ngăn ngừa nhiễm vi rút chứ không riêng giảm bệnh nặng.
Lý do vì nó có thể thúc đẩy đáp ứng miễn dịch trực tiếp trong đường hô hấp, nơi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Hơn nữa, phương pháp này sẽ ít đau hơn và dễ xử lý hơn so với tiêm vắc xin COVID-19.
Thử nghiệm ở Anh thu hút 30 người tham gia trước đó chưa tiêm phòng COVID-19 cùng 12 tình nguyện viên đã nhận được một liệu trình vắc xin 2 liều tiêu chuẩn bằng cách tiêm.
Sandy Douglas, điều tra viên chính của thử nghiệm tại Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cho biết: “Vắc xin xịt mũi không đạt hiệu quả tốt trong nghiên cứu này như chúng tôi đã hy vọng. Chúng tôi tin rằng việc cung cấp vắc xin đến mũi và phổi vẫn là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn, nhưng nghiên cứu này cho thấy những thách thức trong việc biến vắc xin xịt mũi trở thành một lựa chọn đáng tin cậy”.
Không có sự kiện bất lợi nghiêm trọng hoặc mối lo ngại về an toàn nào được báo cáo trong quá trình thử nghiệm, được tài trợ bởi AstraZeneca, theo tuyên bố.
Các cơ quan quản lý ở Ấn Độ và Trung Quốc đã phê duyệt các sản phẩm được sử dụng qua đường xịt mũi. Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đã phê duyệt vắc xin COVID-19 xịt mũi của Bharat Biotech. CanSino Biologics Inc (Trung Quốc) vào tháng trước đã giành được sự phê duyệt khẩn cấp của cơ quan quản lý dược phẩm nước này cho vắc xin COVID-19 phiên bản hít.
CanSino Biologics Inc cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin của họ, được cung cấp qua máy xông khí dung, có thể tạo ra khả năng miễn dịch mạnh để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 một cách hiệu quả. Trong khi đó, kết quả thử nghiệm của Bharat Biotech vẫn chưa được công bố.
Giới khoa học mong vắc xin đường mũi sẽ ngăn sự lây truyền SARS-CoV-2
Sự phát triển của SARS-CoV-2 để dễ lây truyền hơn và khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn đang vượt xa ngay cả các loại vắc xin mRNA như của Moderna hay Pfizer. Thế hệ vắc xin hiện tại vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta chống lại bệnh nặng và tử vong. Thế nhưng khi nói đến việc kiểm soát nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta đang ở trong một tình huống tương đương việc “chạy với tốc độ ổn định trên máy chạy bộ đang tăng tốc”.
Các nhà khoa học hàng đầu đang kêu gọi tập trung đổi mới vào vắc xin qua đường mũi. Họ nói rằng vắc xin đường mũi có cơ hội tốt nhất để ngăn chặn sự lây truyền SARS-CoV-2 và giảm nhiễm vi rút xuống mức có thể kiểm soát được.
“Việc giải quyết vấn đề tạo ra khả năng miễn dịch thực sự hiệu quả trước sự lây truyền SARS-CoV-2 là thách thức quan trọng, mà thực sự xứng đáng nhận được sự quan tâm và năng lượng đáng kể dù nó sẽ mất một chút thời gian và nỗ lực”, theo tiến sĩ Sandy Douglas.
Có ít trải nghiệm hơn về vắc xin đường mũi. Được dùng rộng rãi nhất cho đến nay là Flumist, thuốc xịt cúm của AstraZeneca, sử dụng một loại vi rút cúm suy yếu hoạt động bằng cách xâm nhập vào các tế bào niêm mạc mũi và kích hoạt đáp ứng miễn dịch.
Loại vắc xin này cần phải đạt được điểm ngọt ngào có đủ lượng vi rút để kích hoạt hệ thống miễn dịch, nhưng không quá nhiều để vi rút bắt đầu tái tạo và dẫn đến việc con người bị lây nhiễm SARS-CoV-2 (hiện tượng đằng sau một loạt các trường hợp bại liệt gần đây ở Anh).
Sandy Douglas cho biết: “Đó không phải là con đường mà người ta nhiệt tình với việc nghiên cứu một loại vắc xin mới”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Akiko Iwasaki của Đại học Yale (Mỹ), giải thích: “Chiến lược này có khả năng mang lại trí nhớ lâu dài và phản ứng chéo có thể được kích hoạt nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Vắc xin tăng cường xịt mũi cũng sẽ dễ sử dụng hơn nhiều và có nhiều khả năng được chấp nhận bởi những người do dự với vắc xin mRNA hoặc những ai mắc chứng sợ kim".
Với các phương pháp tiếp cận vắc xin mới, luôn có khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn, có thể khiến một số công ty nản lòng. Một loại vắc xin cúm dùng trong mũi được sử dụng ở Thụy Sĩ vào những năm 1990 đã bị thu hồi sau khi có liên quan đến các trường hợp liệt mặt.
Sandy Douglas nói: “Hồ sơ an toàn có thể tốt hơn với vắc xin qua đường mũi, nhưng vẫn còn một chút điều chưa biết”.
Cũng không có sự nhất trí về mức độ hiệu quả của một loại vắc xin đường mũi để có thể đưa ra thị trường. Tiến sĩ Samuel Wu, Giám đốc y tế tạm thời của công ty CyanVac (Mỹ) đang đưa vắc xin COVID-19 đường mũi vào thử nghiệm giai đoạn 2, nói: “Có thể an toàn khi nói rằng chặn lây truyền SARS-CoV-2 hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sẽ thích hợp hơn”.
Tuy nhiên, một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong việc ngăn truyền tải vi rút SARS-CoV-2 có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong thế giới thực. Tiến sĩ Samuel Wu nói: “Giảm 30% sự lây truyền SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến giảm 65% số ca COVID-19 sau ba đợt dịch”.
Ông nói thêm: “Câu hỏi khó trả lời hơn là làm thế nào bạn thực sự đo lường mức độ giảm lây truyền SARS-CoV-2 trong một thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi đã thực hiện một mô hình sống cùng nhau để chứng minh rằng vắc xin của chúng tôi làm giảm sự lây truyền SARS-CoV-2 ở chồn sương, nhưng theo như chúng tôi biết thì chưa có ai cố gắng thực hiện một thí nghiệm như vậy với những tình nguyện viên là con người”.
Giáo sư Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), đồng sáng lập công ty Xanadu Bio, đang phát triển một loại vắc xin đường mũi tăng cường được thiết kế để điều chỉnh khả năng miễn dịch lưu hành hiện có (từ vắc xin đã tiêm) vào đường hô hấp mà không cần vi rút sống.
Loại vắc xin này được cung cấp khả năng bảo vệ chống lại sự lây truyền SARS-CoV-2 trong các thử nghiệm trên động vật và nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ khởi động thử nghiệm giai đoạn 1 vào năm tới.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale (Mỹ) tin rằng khi cơ thể đã tiêm vắc xin mRNA để nhận biết và tấn công SARS-CoV-2, liều tăng cường có chứa các phiên bản tinh khiết của protein gai xịt qua đường mũi sẽ có nhiều lợi ích.
Chiến lược Prime and Spike của họ thử nghiệm liều vắc xin COVID-19 tăng cường xịt mũi trên động vật. Ở những con chuột có khả năng miễn dịch suy giảm sau hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech, vắc xin chứa các protein gai tinh khiết đã tăng cường mạnh mẽ các đáp ứng miễn dịch bậc nhất và bậc hai với vi rút SARS-CoV-2 trong mũi, phổi và máu và bảo vệ chống lại tử vong. Hơn nữa, những con chuột có tải lượng vi rút SARS-CoV-2 thấp hơn dự kiến, làm giảm khả năng lây truyền.
Tuy nhiên, ở những con chuột có hệ thống miễn dịch chưa được tiêm vắc xin mRNA, vắc xin chứa các protein gai tinh khiết không có tác dụng vì không thể tận dụng khả năng miễn dịch thích ứng của cơ thể, dựa trên những gì hệ thống miễn dịch đã học được từ vắc xin mRNA.
Akiko Iwasaki giải thích: “Chiến lược này có khả năng mang lại trí nhớ lâu dài và phản ứng chéo có thể được kích hoạt nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Vắc xin tăng cường xịt mũi cũng sẽ dễ sử dụng hơn nhiều và có nhiều khả năng được chấp nhận bởi những người do dự với vắc xin mRNA hoặc những ai mắc chứng sợ kim".
Thế nhưng, Akiko Iwasaki nói cần phải có nỗ lực phối hợp để cung cấp vắc xin qua đường mũi cho thị trường và bà kêu gọi “Operation Nasal Vaccine - Chiến dịch vắc xin qua đường mũi với tốc độ cực nhanh”, sáng kiến tương tự Operation Warp Speed (chiến dịch thần tốc) do cựu Tổng thống Trump khởi xướng vào tháng 8.2022.
“Một phòng thí nghiệm học thuật nhỏ như của tôi không được trang bị khả năng sản xuất, quản lý, phân phối. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ đầy đủ của các khu vực công và tư nhân”, Akiko Iwasaki thổ lộ.
Sandy Douglas đồng ý với điều đó. “Có những thất bại thị trường trong việc phát triển vắc xin vì các công ty không muốn chấp nhận rủi ro. Họ không gặt hái được đầy đủ lợi ích cho xã hội. Nếu họ sẽ phải chịu chi phí và rủi ro mà không có nguồn tài trợ công đáng kể thì sẽ không có đủ nghiên cứu xảy ra", ông nói.