Cổ nhân dạy “trăm nghe không bằng một thấy” để nhấn mạnh đến giá trị của thực tiễn, mục kích (chính mắt nhìn thấy) nhưng nhiều khi “một thấy” vẫn có thể sai, như bậc thánh nhân Khổng phu tử khi xưa từng phải thừa nhận.

Nhìn thấy, nghĩ và phán xét

07/05/2016, 19:38

Cổ nhân dạy “trăm nghe không bằng một thấy” để nhấn mạnh đến giá trị của thực tiễn, mục kích (chính mắt nhìn thấy) nhưng nhiều khi “một thấy” vẫn có thể sai, như bậc thánh nhân Khổng phu tử khi xưa từng phải thừa nhận.

Vụ nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lan Hương không tiếp tục cuộc hành trình đi Trường Sa (hay có thể nói là bỏ về dở chừng) đang dậy sóng dư luận, theo tôi, cần phải hết sức bình tĩnh suy nghĩ và phán xét. Đừng quá vội vàng, nếu đúng như người chứng kiến nói thì có ích trong việc phân loại tư cách, nếu sai có thể giết chết một con người.

Trước hết, nói về NSND Lan Hương. Chị nói với báo chí rằng chị rất muốn đi Trường Sa, đã tích cực chuẩn bị cho chuyến đi dù mấy tháng nay không được khỏe, nhiều bệnh này bệnh nọ. Như vậy, chị đã sai lầm. Chị cần nhớ rằng để tổ chức một chuyến đi như vậy, cơ quan có trách nhiệm đã phải chuẩn bị nhiều tháng trời, chọn người rất kỹ, trong đó có tiêu chuẩn sức khỏe. Dù rằng niềm yêu biển đảo có sâu nặng mấy đi nữa, yêu mến người chiến sĩ Trường Sa đậm đà mấy đi nữa, nhưng không thể lấy cái tinh thần đó thay cho sức khỏe. Đáng lẽ thấy mình không đáp ứng được, phải từ chối, hoặc xin được đi chuyến khác nếu sức khỏe cho phép, thì chị đã không làm vậy. Trong phút 89, người ta không thể thay người, không thể điều chỉnh nhân sự cho chuyến đi, chị đã khiến mọi sự dở dang. Rất đáng trách. Dư luận nói này nói nọ, chĩa mũi phê phán vào chị, chị cần nghĩ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một phần tại mình.

Nhưng các vị ạ, chúng ta đừng vội thay tòa án lương tâm để kết án một con người, bất kể người đó là ai. Nhiều khi người trong cuộc nhiều khi vẫn chưa hiểu hết. NSND Lan Hương nói rằng khi lên tàu, chị không chịu được “mùi tàu”, chóng mặt, khó chịu, buồn nôn muốn ói, không chịu nổi. Tôi tin chị ấy nói thật, chứ không phải như ai đó bảo rằng chị ấy chê tiện nghi kém rồi bỏ dở cuộc hành trình. Chẳng người nào có tư cách, nhất là một NSND, chỉ vì thiếu tiện nghi mà làm điều dại dột vậy. Một người đàn bà tuổi ấy, sức khỏe ấy, thay đổi môi trường đột ngột, rất dễ bị suy sụp sức khỏe. Ai đó đừng lấy sức khỏe của mình để áp cho người phụ nữ này. Những năm 70-80 thế kỷ trước, tôi thường ra Bắc vào Nam bằng đường biển, khi tàu hàng, khi tàu khách Thống Nhất, tôi thường chứng kiến những người, kể cả đàn ông, đàn bà, cứ lên tàu, chịu tròng trành rung lắc, chao đảo một tí là mật xanh mật vàng. Chính tôi cũng từng phải bỏ dở chuyến đi trên tàu Sông Đáy ông anh họ cho đi nhờ vào Sài Gòn bởi vừa xuống tàu là mặt tái ngắt, mà kỳ ấy lại biển động, ông anh tôi bảo, thôi, chú về, để thu xếp đi chuyến sau hoặc đi tàu hỏa.

Cứ theo như nhà báo kia chứng kiến và kể lại thì chị Lan Hương hoàn toàn có lỗi. Tôi chả biết sự thực thế nào, cũng muốn tin vào lời anh ấy, bởi nếu đúng như thế thì chị Hương hoàn toàn không xứng đáng được tham gia vào một hành trình có ý nghĩa. Nhưng tôi cũng muốn kể lại tích cũ, liệu có thể làm ta suy nghĩ, phán xét cẩn thận hơn chăng:

Thày trò Khổng Tử đang trên đường du thuyết, gặp lúc chiến tranh, đói kém, gạo cũng chả có mà ăn. Bữa ấy có người thương tình cho chút gạo, thầy tin cậy sai trò Nhan Hồi (một trong 2 trò giỏi, yêu nhất của thầy, người kia là Tử Lộ) nấu cơm. Vô tình nhìn thấy Nhan Hồi lén mở vung, bới bới gạt gạt nồi cơm, bỏ nhanh vào mồm, Khổng Tử nghĩ ai ngờ Hồi mà cũng đốn mạt thế, ăn vụng thầy vụng bạn. Đến lúc cơm chín, thầy bảo Hồi bới cơm cúng trời đất, cúng tiên tổ rồi thầy trò hãy ăn. Hồi ngần ngừ. Thầy hỏi tại sao, Hồi thưa cơm đã bị ô uế, không còn sạch. Đến lúc chia cơm, Hồi chia cho thầy và mọi người, còn mình nhịn. Thầy lại hỏi tại sao, Hồi thưa, xin thầy tha thứ, hồi nãy con nấu cơm, con không cẩn thận, để tro bay vào trong nồi. Con đã gạt số cơm bị tạp bẩn đó, mạn phép thầy và các vị ăn trước rồi, cái phần đó giờ thay vào phần được nhận. Khổng Tử lại than, trời ơi, chính mắt ta trông thấy rành rành mà vẫn không đúng sự thật. Suýt nữa thì ta hồ đồ đánh giá sai một con người.

Cổ nhân dạy “trăm nghe không bằng một thấy” để nhấn mạnh đến giá trị của thực tiễn, mục kích (chính mắt nhìn thấy) nhưng nhiều khi “một thấy” vẫn có thể sai, như bậc thánh nhân Khổng phu tử khi xưa từng phải thừa nhận. Vì thế, trước sinh mạng chính trị, đạo đức, phẩm chất của người khác, chi bằng nên cẩn trọng. Một lời nói, một nhận xét hồ đồ, sai, cũng có thể làm tiêu tan một đời người, một sự nghiệp mà phải biết bao nhiêu năm người ta mới tạo dựng được.

Trở lại trường hợp của NSND Lan Hương, nên chăng những người trong Ban tổ chức cuộc hành trình ra Trường Sa, những người trực tiếp đưa nghệ sĩ Lan Hương lên tàu, xuống tàu hôm 7.5, hãy lên tiếng để sự việc được cụ thể khách quan, công bằng.

Nếu đúng chỉ vì đòi hỏi cá nhân tầm thường về điều kiện vật chất mà không tham gia cuộc đi Trường Sa, chính NSND Lan Hương đã vứt bỏ danh hiệu của mình. Còn nếu không phải vậy, xã hội nên công bằng với một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho văn nghệ nước nhà.

Nguyễn Thông

Ảnh: NSND Lan Hương rời tàu bỏ dở cuộc hành trình ra Trường Sa (ảnh từ Facebook của nhà báo)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn thấy, nghĩ và phán xét