Biển Việt Nam đang có nguy cơ ô nhiễm nặng, nhiều khi do chính con người đã và đang vô tình tự hủy hoại môi trường sống của mình. Hàng loạt câu chuyện về tình trạng ô nhiễm biển đang diễn ra mấy tuần nay đã khiến tôi nhớ đến hình ảnh rất đẹp và ấn tượng ở ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (giai đoạn TP còn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

Nhìn biển Quất Lâm ngập rác, nhớ ông Hồ Việt 'Đà Nẵng'

04/05/2016, 05:26

Biển Việt Nam đang có nguy cơ ô nhiễm nặng, nhiều khi do chính con người đã và đang vô tình tự hủy hoại môi trường sống của mình. Hàng loạt câu chuyện về tình trạng ô nhiễm biển đang diễn ra mấy tuần nay đã khiến tôi nhớ đến hình ảnh rất đẹp và ấn tượng ở ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (giai đoạn TP còn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

Từ sự cố cá chết ở biển Hà Tĩnh rồi lan ra đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế... mà mối nghi ngờ đang nhắm đến nguồn nước xả thải của nhà máy thép thuộc Khu Công nghiệp Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đến chuyện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra lệnh nghiêm cấm bán đồ ăn và nấu nướng ngoài bãi biển vì nguy cơ ô nhiễm, tất cả đang hiển hiện đến mức đáng lo... Việc làm của Vũng Tàu thực ra là việc mà Đà Nẵng đã làm cả chục năm nay, rất có hiệu quả. Tiếp đó, tôi được nhìn thấy chùm ảnh bãi biển Quất Lâm, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, rồi bãi biển Diễn Thành (Nghệ An), bãi biển Đồi Dương (Phan Thiết, Bình Thuận)... ngập rác trong dịp nghỉ lễ vừa qua, khiến tôi giật mình lo lắng xen lẫn cả xấu hổ. Tôi đã liên tưởng đến những việc làm giản dị nhưng đầy ý nghĩa của ông Hồ Việt như vừa nêu và nghĩ rằng, môi trường thiên nhiên sẽ trong lành hơn nhiều nếu ai cũng có trách nhiệm với nó. Không lẽ ý thức của người dân chúng ta hôm nay tệ đến vậy hay sao?

Quay trở lại chuyện ông Hồ Việt Đà Nẵng. Sau khi nghỉ hưu năm 2004, ông đã âm thầm đi nhặt rác mỗi ngày hai lần dọc trên bãi biển Mỹ Khê, nơi ông đã từng đứng đầu cơ quan công quyền của thành phố biển này một thời gian. Nhiều năm rồi, ngày nào cũng như ngày nào, cứ đều đặn hai buổi sáng, chiều, cả ngày gió lạnh hay ngày nắng nóng, những người dân sống dọc theo bãi tắm ven biển của con đường Phạm Văn Đồng hay Mỹ Khê, quận Sơn Trà đều thấy ông Việt dành hàng tiếng đi bộ đi dọc ven biển để nhặt rác. Thật cần mẫn!

Điều quan trọng là cách làm này dần trở nên thân quen và bình dị đến mức không còn cảnh người dân cứ thấy ông làm là trầm trồ ngạc nhiên nữa. Nó quá đỗi bình thường vì sau đó cũng không chỉ có mình ông Hồ Việt làm việc đó. Sự nhân rộng cách làm nói trên quả là bài học rất đáng suy nghĩ cho mọi người dân Việt Nam trên cả nước.

Cổ nhân từng dạy rất đúng rằng: "Hãy giữ áo từ lúc còn mới!". Khi người ta thấy mặt biển, bờ biển quá sạch thì nếu có một chiếc túi nylon hay một cành củi khô trôi dạt, mọi người đều thấy "ngứa mắt" vì khó chịu và sẽ nhặt đi. Song, nếu trên biển đầy rác, người ta có khi lại cảm thấy "bình thường". Cái "bình thường" kia, theo tôi, là rất không hay. Nó vừa thể hiện sự vô tình với môi trường đang thiếu sạch sẽ lại thể hiện cả sự bất lực của chính chúng ta. Vì thế, rất cần mọi người cùng chung tay gánh vác. Để làm được điều này, những người có trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo địa phương cần làm gương và sát sao đôn đốc, kiểm tra...

Câu chuyện của ông Hồ Việt, cựu Chủ tịch thành phố khi về hưu đi nhặt rác mỗi ngày suốt cả chục năm qua trên bãi biển Đà Nẵng đã trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo, không có ai bắt buộc ai. Họ làm vừa là để hưởng ứng với cách làm hay, có ích của ông, lại vừa thấy mình phải có bổn phận với chính nơi mình đang sống. Ông Việt cũng hiểu, không phải ai cũng nghĩ như ông và làm theo ông. Họ có thể nghĩ rằng, nếu mọi người đều cùng làm thế thì công nhân môi trường sẽ hết việc sao? “Đây chỉ là sự phân công lao động trong xã hội thôi mà!".

Ông Việt thì nghĩ khác, dù ai đó có không làm thì cũng nên có ý thức tham gia cùng cộng đồng để làm sạch môi trường, hoặc cách này, hoặc cách khác, chúng không bao giờ là thừa...

Thay cho lời kết, tôi xin mượn lời một đồng nghiệp nguyên là Trưởng Văn phòng báo Thanh niên tại miền Trung, nhà báo Trương Điện Thắng, một người cả đời sống ở Đà Nẵng. Anh gửi thư cho tôi (vì tôi muốn hỏi thêm về ông Hồ Việt), tâm sự thật lòng: "Tôi là người Đà Nẵng, hàng ngày, trong suốt cả mùa hè, ngày nào chúng tôi cũng ra tắm biển và xem nó như một nhu cầu. Vì vậy, tôi có thể trả lời điều này. Việc người dân Đà Nẵng có ý thức bảo vệ môi trường như bây giờ, đó là xuất phát từ định hướng và gương mẫu của những nhà quản lý địa phương từ hàng chục năm nay. Bắt đầu từ việc tuyên truyền cho người dân hiểu sự cần thiết của môi trường trong lành, của biển đối với cuộc sống và "thương hiệu" Đà Nẵng, tạo cho người dân lòng tự hào về quê hương của mình. Sau đó là tổ chức thực hiện và kiểm tra kiểm soát bằng việc thành lập một Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển, lập ra các đội cứu hộ và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kiểm tra giá cả dịch vụ thường xuyên với những cán bộ phụ trách tâm huyết, trách nhiệm… Lòng tự hào về quê hương của người dân sẽ phát triển trong môi trường có tổ chức chặt chẽ như vậy là yếu tố quyết định "Thương hiệu biển Đà Nẵng" cho đến ngày nay".

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn biển Quất Lâm ngập rác, nhớ ông Hồ Việt 'Đà Nẵng'