Nền kinh tế Việt Nam có thể tiến xa đến đâu trong năm 2017 và tương lai gần khi các cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vẫn còn là một dấu hỏi, còn trong năm 2016 thì vẫn còn trăn trở nếu nhìn vào các con số thống kê.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 2016: Một năm đầy trăn trở

Nhàn Đàm | 14/01/2017, 17:38

Nền kinh tế Việt Nam có thể tiến xa đến đâu trong năm 2017 và tương lai gần khi các cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vẫn còn là một dấu hỏi, còn trong năm 2016 thì vẫn còn trăn trở nếu nhìn vào các con số thống kê.

Có nhiều điều để nói về nền kinh tế Việt Nam trong suốt một năm qua. Xét trên bình diện nền kinh tế, đây có lẽ là năm biến động nhất đối với kinh tế Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng 2007-2010 khi một loạt các yếu tố tiêu cực cả trong và ngoài nước đã xảy ra cùng lúc. Đó là thiên tai hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung cùng với sự suy trầm của nền kinh tế thế giới đã khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh (gần 0,5%).

Dù những tín hiệu cải cách mạnh mẽ đã được Nhà nước và Chính phủ đưa ra, nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì vẫn là chưa đủ để bù đắp những tổn thất mà nền kinh tế phải hứng chịu trong năm 2016. Nền kinh tế Việt Nam có thể tiến xa đến đâu trong tương lai khi các cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vẫn còn là một dấu hỏi, còn trong năm 2016 thì có lẽ vẫn còn nhiều trăn trởnếu nhìn vào các con số thống kê.

Trăn trởtrước hết của nền kinh tế Việt Nam đến từ một chỉ số vẫn được xem là quan trọng nhất: tốc độ tăng trưởng. Cả 2 mục tiêu tăng trưởng được Chính phủ đưa ra đầu năm (6,7%) và điều chỉnh hồi giữa năm (6,3-6,5%) trên thực tế đều đã không đạt được. Theo số liệu thống kê thì trong cả năm 2016, kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng khá khiêm tốn là 6,21% (theo The Saigon Times). Nói cách khác mức sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2016 so với một năm trước đó lên tới gần 0,5% - một con số không hề nhỏ.

Có nhiều điều để nói xung quanh con số 6,21% này. Nó là mức dự báo tăng trưởng mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cho kinh tế Việt Nam ngay từ hồi giữa năm 2016, ở thời điểm Việt Nam vẫn đang khắc phục hậu quả của thiên tai hạn mặn ở miền Nam và thảm họa môi trường ở miền Trung, cũng như bắt đầu có các động thái cải cách. Nó thấp hơn so với mức tăng trưởng Chính phủ đưa ra sau khi đãđiều chỉnh sau đó là 6,3-6,5% do lạc quan về những kết quả cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công mà Việt Nam có thể đạt được trong 6 tháng cuối năm. Nhưng rốt lại, mức tăng trưởng 6,2% đã trở thành sự thực khi năm 2016 chính thức khép lại. Nói cách khác, Việt Nam đã đánh giá thấp các hậu quả do thiên tai và thảm họa môi trường gây ra cho nền kinh tế.

Trên thực tế, bất chấp những tín hiệu và động thái cải cách được đưa ra, Việt Nam vẫn đang thụt lùi so với các nền kinh tế khác đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2016. Dường như mới chỉ có duy nhất môi trường kinh doanh của Việt Nam là được cải thiện, khi theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng Doing Business 2017 thì Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.

Môi trường kinh doanh trên thực tế chỉ là một trong số nhiều chỉ số cần thiết để đánh giá năng lực của một nền kinh tế. Theo một đánh giá mang tính tổng hợp hơn là Bảng đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới, thì thứ hạng của Việt Nam trong năm 2016 đã giảm 4 bậc so với năm ngoài (từ mức 56/138 xuống mức 60/138). Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN và chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar. Các chỉ số của kinh tế Việt Nam trên thực tế vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4 như mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, thậm chí một số chỉ số còn thấp hơn mức trung bình của ASEAN 6 (theo CafeF).

Điều tương tự cũng diễn ra trong hàng loạt các khía cạnh quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam. Điển hình là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế. Chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” của Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có thêm 500.000 doanh nghiệp mới trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có thêm 100.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì trong năm 2016 có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng lại có tới 64.000 doanh nghiệp phá sản.

Theo đánh giá của WB, tỷ lệ doanh nghiệp sống sót sau khởi nghiệp 1 năm chỉ là khoảng 30-40%, mức tỷ lệ gần 50% của Việt Nam trong năm 2016 là khá khả quan. Nói cách khác, vấn đề không nằm ở số lượng doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động, mà ở chỗ số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn còn quá khiêm tốn, và Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính của mình.

Nói cách khác, những cải cách và động thái cải cách được thực hiện trong năm 2016 với nền kinh tế trên thực tế là rất khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng, không những không đủ bù đắp thiệt hại do thiên tai và thảm họa môi trường gây ra, mà còn không đủ để xốc dậy nền kinh tế như kỳ vọng. Ngay từ giữa tháng 6.2016, khi phần lớn các cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm chưa được thực hiện, WB đã dự báo mức tăng trưởng 6,2% và thực tế là Việt Nam thực sự chỉ đạt được mức tăng trưởng đó.

Nó đồng nghĩa với việc hiệu quả trên thực tế của các biện pháp cải cách nền kinh tế từ phía Chính phủ Việt Nam trong năm 2016 là rất hạn chế, nếu không muốn nói là khá nhỏ. Ghi nhận tinh thần đổi mới và mạnh dạn cải cách của Nhà nước và Chính phủ trong năm 2016 cũng như trong tương lai gần có thể đưa nền kinh tế có những bước tiến đáng kể, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng năm 2016 là một năm đầy trăn trởcủa kinh tế Việt Nam, về hầu hết các khía cạnh.

Nhàn Đàm
Bài liên quan
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 2016: Một năm đầy trăn trở