Bất động sản (BĐS) công nghiệp là phân khúc duy trì vị trí “ngôi sao” ngay trong bối cảnh thị trường chung trầm lắng. Năm 2024, các chuyên gia cho rằng phân khúc này tiếp tục duy trì sự phát triển.
Hạ tầng và bất động sản

Nhiều yếu tố tích cực giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì vị trí 'ngôi sao'

Lam Thanh 18:02 24/02/2024

Bất động sản (BĐS) công nghiệp là phân khúc duy trì vị trí “ngôi sao” ngay trong bối cảnh thị trường chung trầm lắng. Năm 2024, các chuyên gia cho rằng phân khúc này tiếp tục duy trì sự phát triển.

Bất động sản công nghiệp vẫn khởi sắc

CBRE vừa công bố kết quả khảo sát về ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024. Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai trong các thị trường mới nổi được ưu tiên đầu tư, chỉ sau Ấn Độ. Vị trí thứ ba thuộc về Thái Lan.

Theo đó, khảo sát nhận được hơn 500 câu trả lời từ những nhà đầu tư tổ chức với nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch đầu tư, nhận định về những thách thức trong thời gian tới, chiến lược ứng phó, mảng thị trường và quốc gia được ưu tiên đầu tư trong năm tới.

Kết quả cho thấy, thị trường Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.

“Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp”, báo cáo của CBRE nêu.

cn-1.jpeg
Bất động sản công nghiệp vẫn duy trì vị trí "ngôi sao"

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), lĩnh vực BĐS công nghiệp duy trì vị trí cao trong tất cả các phân khúc.

VARS cho biết trong năm 2023 BĐS công nghiệp được xem là dẫn đầu thị trường khi thu hút được rất nhiều "đại bàng"; hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trải dài từ Bắc - Nam xuất hiện. Các khu công nghiệp phát triển bài bản theo hướng thân thiện môi trường, công nghệ cao nên được ưu tiên đầu tư chú trọng.

VARS cho hay trong năm vừa qua, Việt Nam ghi nhận 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp từ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) tập trung dòng vốn để phát triển xây dựng các nhà xưởng sản xuất, chế biến…

Tổng cộng, trên toàn quốc có 412 khu công nghiệp đã thành lập với diện tích tổng là 217,5 nghìn héc ta. Trong số đó, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với diện tích đất tự nhiên chiếm khoảng 92,2 nghìn héc ta và diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn héc ta.

Hơn 118 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn héc gta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn héc ta. Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tiếp tục tăng trưởng bất chấp khó khăn của nền kinh tế.

Tiếp tục lạc quan năm 2024

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM) đánh giá BĐS công nghiệp là phân khúc duy trì được sự khởi sắc trong bối cảnh thị trường BĐS nói chung vẫn khó khăn.

anh-man-hinh-2024-02-24-luc-17.40.20.png
Ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM)

Theo ông Hưng, giá đất công nghiệp cũng như giá thuê nhà xưởng tiếp tục tăng cao ở các địa bàn và có thể tiếp tục gia tăng.

Ông Hưng cho biết năm 2024, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc bởi việc thu hút FDI vẫn rất tích cực. Điều này do Việt Nam có vị trí địa chiến lược, thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hoá, nền chính trị Việt Nam ổn định. Thêm nữa, chi phí cho lao động Việt Nam vẫn còn thấp, chi phí về đất của Việt Nam vẫn cạnh tranh; hạ tầng đang được dồn lực đầu tư nâng cao với hàng loạt các cao tốc, dự án hạ tầng lớn…

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, nguồn cung BĐS công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả 2 miền. Cùng với đó, nhu cầu BĐS công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn.

Nguồn cung năm 2024 được ông Đính dự báo sẽ duy trì đà tăng, đặc biệt là các khu công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và chú trọng đến yếu tố "xanh hóa". Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay.

cn-2.jpeg
Bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng

Chuyên gia Savills dự báo thời gian tới, các thị trường ghi nhận mức phát triển nổi bật về BĐS công nghiệp sẽ là các tỉnh thuộc nhóm 2 nằm tại phía nam Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình. Những tháng gần đây, khu vực này đã chứng kiến các khoản đầu tư có giá trị cao hơn".

Tuy nhiên, các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị Việt Nam cần gia tăng cạnh tranh thu hút FDI trước các nước trong khu vực, cụ thể là Ấn Độ và Indonesia.

Thêm nữa, Việt Nam cũng cần khắc phục nguy cơ thiếu điện cho sản xuất trong mùa cao điểm. Công suất phát điện khả dụng cao nhất của Việt Nam khoảng 43.000MW, nhưng vào mùa cao điểm công suất phụ tải cao nhất có thể đạt tới 45.500MW. Công suất phụ tải tăng trưởng cao nên Việt Nam có thể thiếu tối đa gần 2.500MW vào mùa cao điểm trong các năm tới.

Một yếu tố nữa là tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia từ ngày 1.1.2024. Do đó, chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế) của Việt Nam sẽ mất đi tác dụng.

Để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, một số nước nhận vốn FDI, tương tự như Việt Nam đã đưa ra chính sách ứng phó, trong đó, quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa, để tránh mất đi khoản thu từ phần thuế chênh lệch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều yếu tố tích cực giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì vị trí 'ngôi sao'