Cơ quan y tế Nhật kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng quan trọng để phòng chống bị say nắng.
Kể từ đầu tháng 8, Nhật đã trải qua một đợt nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ ban ngày ở Tokyo chạm tới mức 35 hoặc thậm chí 36 độ C. Nhiệt độ này nóng hơn lúc bình thường khoảng 5 độ và điều kiện khắc nghiệt này đã khiến 2.576 người ở 23 phường trung tâm của Tokyo trong tháng này đã phải được đưa đến bệnh viện để điều trị cấp cứu say nắng, chỉ tính riêng vào thứ Hai tuần trước là 339 người.
Tuy nhiên, thống kê đáng lo ngại hơn là 79 người tử vong vì say nắng kể từ đầu tháng Tám. Bi thảm hơn nữa là Cục Phúc lợi Xã hội và Y tế Công cộng của Tokyo cho rằng nhiều cái chết trong số đó là có thể ngăn ngừa được. Tất cả những người qua đời đều từ 50 tuổi trở lên, và phần lớn, 65 người trong số họ, đã không sử dụng điều hòa nhiệt độ trong nhà khi các triệu chứng say nắng trở nên nghiêm trọng.
Bất chấp hình ảnh của Nhật Bản là một quốc gia yêu thích sản xuất và sử dụng các tiện ích hiện đại, không lạ gì khi những người lớn tuổi ở Nhật có ác cảm với những tiện nghi của công nghệ cao, đặc biệt nếu chúng không được sử dụng rộng rãi trong thời thơ ấu của họ. Nhiều người cao tuổi, đặc biệt là những người lớn lên ở các vùng nông thôn hoặc trong thời kỳ kinh tế khó khăn của Thế chiến thứ hai và sau hậu quả của cuộc chiến, đã sống mà không có máy điều hòa nhiệt độ trong nhà khi còn trẻ. Họ coi điều hòa nhiệt độ là một thứ xa xỉ phù phiếm, và thậm chí là nguồn tiềm tàng của các bệnh lý sức khỏe nếu lệ thuộc quá mức, suy nghĩ đó đã kéo dài đến lúc tuổi già, khiến họ không muốn bật điều hòa bất kể trời nóng đến mức nào.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, sống như những ngày xưa cũ sẽ không tốt cho sức khỏe của họ và thái độ chống đối điều hòa nhiệt độ trở nên đặc biệt nguy hiểm vào ban đêm. Do độ ẩm cao của Nhật Bản vào mùa hè, nhiệt độ không giảm xuống thấp quá thấp khi mặt trời lặn, nhưng nhiều người cao niên phản đối ý tưởng chạy điều hòa nhiệt độ khi họ ngủ. Trong số 79 trường hợp tử vong do say nắng có thể xác định được thời điểm tử vong, nhiều trường hợp xảy ra vào ban đêm (từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng) so với ban ngày.
Ngay cả khi người cao tuổi Nhật được thuyết phục để bật điều hòa nhiệt độ, không phải lúc nào họ cũng vặn đủ lạnh. Tuần trước, một người đàn ông 92 tuổi ở tỉnh Ishikawa đã được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện để điều trị say nắng. Khi được hỏi liệu ông ấy có đang sử dụng máy điều hòa nhiệt độ của mình hay không, ông cụ đã trả lời có, nhưng máy chỉ được đặt ở 31 độ C.
Với đợt nắng nóng ở Nhật Bản dự kiến sẽ kéo dài, Cục Phúc lợi Xã hội và Y tế Công cộng Nhật đang cảnh báo người dân không nên cố gắng chịu đựng nắng nóng và khuyến khích họ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ không phải vì sự thoải mái mà vì lợi ích sức khỏe và sự an toàn của chính họ.
Hoàng Phương (theo Sora News)