Theo đánh giá, các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI.

Nhiều mặt hàng Việt hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

tuyetnhung | 19/09/2018, 18:05

Theo đánh giá, các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% vào khoảng 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 24.9 tới. Tổng thống Trump cũng cho biết thêm rằng mức thuế sẽ tăng lên 25% vào ngày 1.1.2019.

Đây được xem là vòng thuế quan thứ 3 mà hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới "ăn miếng trả miếng" với nhau.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khác với gói đánh thuế 50 tỉ USD đầu tiên, lần đánh thuế 200 tỉ USD này đã bao trùm rất nhiều các mặt hàng là đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như hàng tiêu dùng (70% là hàng hóa trung gian, 25% là hàng hóa tiêu dùng). Do vậy, mức độ tác động đến nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ lớn hơn, không chỉ doanh nghiệp mà còn đối với người tiêu dùng Mỹ.

BVSC nhận định nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, đơn vị này phân tích ở các ngành hàng như: lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Trong đó, ngành hàng dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại. Năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỉ USD (tương đương gần 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Nếu cuộc chiến này ngày càng leo thang, đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh so với USD, qua đó Nhân dân tệ cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Qua đó, Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ

Đối với mảng đồ gỗ nội thất, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 7,6 tỉ USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 3,2 tỉ USD. Trong khi đó, Trung Quốc năm vừa qua xuất khẩu vào Mỹ tới 20 tỉ USD mặt hàng này. Do đó, các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ dịch chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Với nhóm hàng đồ chơi và dụng cụ thể thao, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,24 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 434 triệu USD. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là cơ hội lý tưởng để các đơn hàng chuyển dần sang Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn FDI, tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, BVSC cũng nhìn nhận thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất.... Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến đưa ra Chính phủ Việt Nam cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn việc các doanh nghiệp địa phương nhập hàng từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, uất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 21,6 tỉ USD và sang Trung Quốc đạt hơn 16,6 tỉ USD. Hiện đây là hai quốc gia nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều mặt hàng Việt hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung