Trang Straits Times dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo, mùa đông sắp đến nhưng nguy cơ gấu tấn công ở Nhật Bản không giảm đi vì chúng có thể không ngủ đông.
Theo Viện trưởng Viện Lâm nghiệp - Lâm sản thuộc Trung tâm nghiên cứu Shikoku (thành phố Kochi) Teruki Oka, do năm nay thu hoạch hạt sồi kém nên những động vật đói ăn, trong đó có gấu sẽ tiếp tục đi lang thang chứ không ngủ đông. Thông thường gấu cần tự vỗ béo vào mùa thu trước khi ẩn náu trên cây hoặc trong hang suốt mùa đông để chờ mùa xuân đến. Một số loài như gấu đen châu Á thường bắt đầu ngủ từ tháng 11 năm nay cho đến tháng 5 năm sau, và chúng không thức dậy giữa chừng.
Báo Mainichi Shimbun cho biết thêm rằng những con gấu thích ăn thịt hơn ăn hạt cũng có khả năng không ngủ vì thiếu mồi vào mùa đông. Nhà nghiên cứu môi trường Hiromi Taguchi bày tỏ lo ngại: “Chúng đói và kích động do thiếu mồi. Gấu sẽ tấn công con người khi nhớ lại cách tấn công động vật khác”.
Cũng theo ông Taguchi, mùa đông ấm hơn bình thường cũng khiến nhiệt độ cơ thể gấu không giảm, do vậy, chúng khó có thể chìm vào giấc ngủ đông. Vì vậy nhà nghiên cứu này khuyên mọi người nên thận trọng khi đi đến vùng núi tham gia hoạt động mùa đông như trượt tuyết.
Các vụ gấu tấn công người gia tăng khắp Nhật Bản trong năm qua. Đài NHK cho biết tính đến tháng 10.2023 đã có khoảng 167 vụ gấu tấn công, vượt qua kỷ lục 158 vụ năm 2020.
Viện trưởng Oda khuyến cáo ngày nay gấu không còn e ngại con người nên chúng thường xuyên xuất hiện ở khu vực đô thị bới rác tìm thức ăn và đã có báo cáo về việc gấu xuất hiện cả trong thời điểm lạnh giá như tháng 12 hay tháng 1. Do vậy, ông Oda kêu gọi cần thực hiện biện pháp phòng ngừa để xua đuổi gấu.