Giáo sư chính trị học James D. J. Brown đến từ đại học Temple đánh giá Nhật Bản đang đứng trước áp lực phải đứng về phía phương Tây đối phó với Nga, nước mà Tokyo đang có quan hệ tốt.
Tokyo đã thực hiện chính sách cân bằng trong thời gian dài. Kể cả khi căng thẳng Đông- Tây gia tăng kể từ năm 2014, Nhật vẫn tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với người láng giềng phía bắc của mình.
Trong nhóm 7 nước công nghiêp phát triển (G7), Nhật Bản là “ngoại lệ” trong các vấn đề liên quan đến Nga. Tháng 2.2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tham dự lễ khai mạc Olympic mùa đông Sochi, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây tẩy chay sự kiện này.
Sau khi Moscow sáp nhập Crimea, Tokyo miễn cưỡng ban hành một số biện pháp trừng phạt. Nhưng trên thực tế, danh tính 23 cá nhân nước này tuyên bố trừng phạt chưa hề được công bố.
Tháng 5.2016, Thủ tướng Abe lại sang Sochi hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại đây, lãnh đạo Nhật đưa ra “cách tiếp cận mới” với quan hệ song phương, cam kết tiến hành đối thoại chính trị cấp cao và đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Sau đó, ông Abe còn đề ra chức vụ Bộ trưởng phụ trách hợp tác kinh tế với Moscow.
Quốc gia châu Á hy vọng chính sách cân bằng có thể đem lại đột phá trong giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril/ Lãnh thổ phương Bắc giữa hai nước. Mục đích thiết lập những mối hợp tác là để đặt nền móng cho việc này.
Tranh chấp quần đảo Kuril (cách gọi của Nga) hay Lãnh thổ phương Bắc (theo phía Nhật) phát sinh từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, Nga tuyên bố mọi hòn đảo thuộc quần đảo Kuril đều thuộc lãnh thổ Nga còn Nhật Bản cho rằng 4 hòn xa nhất về phía nam là thuộc chủ quyền của họ.
Quan điểm chính thức của Tokyo vẫn là đòi lại 4 đảo, nhưng Thủ tướng Abe nhận thấy điều này hiện tại là không thể, nên ông tập trung đạt được một mục tiêu khả dĩ hơn đó là tiến hành những hoạt động kinh tế chung tại khu vực tranh chấp theo một khuôn khổ pháp lý đặc biệt, không làm tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của hai bên.
Với cách tiếp cận này, Nhật có thể hiện diện tại đây sau nhiều thập kỷ. Không những vậy, Thủ tướng Abe cũng hy vọng sự hồi sinh ảnh hưởng của Nhật tại vùng tranh chấp sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình lấy lại 4 đảo.
Nhật-Nga đã đạt được thỏa thuận trong 5 dự án ưu tiênvà đã tiến hành được 2 chuyến khảo sát chung trong năm 2017. Vấn đề còn lại chỉ là pháp lý. Dù chưa đạt được tiến bộ gì trong cuộc làm việc song phương hôm 11.4 vừa qua, nhưng Thủ tướng Abe vẫn lạc quan sẽ có đột phá trong chuyến thăm Nga cuối tháng 5 tới.
Tuy nhiên, khi căng thẳng địa chính trị Nga- phương Tây đạt đến mức độ như thời Chiến tranh Lạnh, chính sách cân bằng của Nhật sẽ khó thực hiện tiếp tục.
Leo thang đối đầu Nga - phương Tây
Những kế hoạch được xây dựng cẩn thận của Thủ tướng Abe bị đảo lộn bởi hai sự kiện gần đây. Thứ nhất là vụ cựu tình báo Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh,thứ hai là cuộc tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma (Syria). Cả hai đẩy căng thẳng Nga- phương Tây lên cao, đặt Tokyo vào thế khó xử.
Ở sự kiện thứ nhất, chính quyền Anh nhanh chóng cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc. Đáp lại lời kêu gọi của Luân Đôn, 28 quốc gia cùng tham gia trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Moscow.
Phản ứng của phương Tây trong vụ thứ hai còn mạnh mẽ hơn. Liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành không kích bằng tên lửa vào các mục tiêu tại Syria. Các lãnh đạo cũng nói rõ Nga có trách nhiệm khi không ngăn đồng minh tại Trung Đông sử dụng vũ khí hóa học.
Nhật Bản trước hai sự việc đều giữ khoảng cách với phương Tây để tránh làm mất lòng Nga. Trong G7, Tokyo là nước duy nhất không trục xuất nhà ngoại giao và từ chối cáo buộc Moscow có dính líu đến vụ Skripal.
Và vấn đề Syria cũng vậy. Nhật không công khai ủng hộ hành động quân sự của phương Tây, mà chỉ tuyên bố hoan nghênh “quyết tâm” của Washington.
Phải đứng về phía phương Tây?
Nhưng cuối cùng, Nhật với nỗi lo bị G7 cô lập đã bị khuất phục. Nước này chấp nhận cùng các thành viên khác ra tuyên bố chung chỉ trích “hành vi vô trách nhiệm và gây bất ổn” của Nga (trong đó có cáo buộc thực hiện vụ đầu độc Skripal). Không những vậy, Tokyo còn đặt bút kí vào một tuyên bố khác, ủng hộ cuộc tấn công Syria của Mỹ - Anh - Pháp.
Sự thay đổi đột ngột này khiến chính sách Nga của Nhật rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Abe vẫn dự kiến sang thăm Nga vào tháng 5 và mong người láng giềng hiểu rằng Tokyo “bị ép buộc” đứng về phía phương Tây. Ông thậm chí hy vọng tình trạng ngày càng bị nhiều trừng phạt có thể khiến Moscow tăng hợp tác với Tokyo hơn, qua đó khiến khả năng đạt được tiến bộ trong giải quyết tranh chấp cao hơn.
Tuy vậy trên thực tế, động thái ủng hộ các tuyên bố của G7 sẽ có tác động tiêu cực với quan hệ song phương. Đại sứ Nga tại Tokyo đã tuyên bố “lấy làm tiếc khi thấy có chữ ký của Nhật trong những văn bản này”.
Qua vụ việc này, Nga có thể đánh giá chính sách đối ngoại của Nhật dễ bị ảnh hưởng và không đáng tin. Điều này khiến triển vọng Moscow chấp nhận cấp cho Tokyo khung pháp lý đặc biệt để hoạt động tại khu vực tranh chấp khó đạt được, đồng nghĩa với việc “giấc mơ đạt được đột phá” của Thủ tướng Abe khó thành hiện thực.
Khi chia rẽ giữa Nga và phương Tây ngày càng sâu sắc, khả năng theo đuổi chính sách xây dựng quan hệ nồng ấm với Moscow của chính quyền Tokyo sẽ ngày càng bị hạn chế.
Cẩm Bình (theo The Japan Times)