Một cụm từ thời thượng đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết đối với giới kinh tế nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung ở thời điểm hiện tại, đó là Trumponomics

Nhật có Abenomics, còn Mỹ liệu sẽ có Trumponomics?

12/05/2016, 12:04

Một cụm từ thời thượng đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết đối với giới kinh tế nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung ở thời điểm hiện tại, đó là Trumponomics

Trumponomics là một từ đang dần được sử dụng một cách tương đối phổ biến để nói về những điểm căn bản trong chính sách kinh tế của ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm ký sắp tới – Donald Trump. Dù khá nhiều nhà kinh tế Mỹ đang sử dụng cụm từ này như một cách chế giễu ứng cử viên của đảng Cộng hòa, thì họ cũng như các nhà kinh tế khác đều không thể phủ nhận được rằng, quy mô và tầm cỡ của kế hoạch Trumponomics là thực sự quy mô và đáng kể. Ở thời điểm hiện tại, Donald Trump đang thể hiện rằng ông này rất muốn đóng vai trò mà thủ tướng Shinzo Abe đang giữ trong nền kinh tế Nhật Bản, đó là cải tổ và phục hưng nền kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, đúng là có rất nhiều điểm tương đồng giữa các kế hoạch kinh tế của Trump, đang được gọi với cái tên Trumponomocs, với các kế hoạch cải tổ nền kinh tế Nhật Bản đã được thực hiện trong vòng 3 năm qua của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, với tên gọi phổ biến là Abenomics. Luận điểm căn bản của Abenomics của Thủ tướng Abe là cùng lúc bắn ra 3 mũi tên, nhưng mũi tên chủ đạo nhất đến hiện nay vẫn là hạ tỷ giá đồng nội tệ và mở rộng tín dụng trong nền kinh tế. Nói cách khác, ông Abe đặt cược khả năng phục hồi nền kinh tế Nhật vào việc hạ tỷ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu và bơm tiền quy mô lớn để kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan điểm chủ đạo hiện nay của Donald Trump cũng tương tự như vậy.

Theo đó, xương sống trong chính sách kinh tế của ứng cử viên của đảng Cộng hòa này là cắt giảm thuế đối với các tập đoàn, doanh nghiệp và các hộ gia đình, đồng thời tăng chi tiêu trong một số lĩnh vực. Về cơ bản, nó cũng gần giống như những gì mà Thủ tướng Abe đang làm trong nền kinh tế Nhật. Cụ thể, Trump đề xuất một gói giảm thuế trị giá khoảng 9.500-10.000 tỉ USD trong vòng 10 năm tới cho chủ yếu là các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ, ngoài ra Trump cũng đề xuất giảm thuế thu nhập với những hộ gia đình trung lưu. Hiện tại, khoảng 43% hộ gia đình Mỹ không phải nộp thuế, và nếu đề xuất của Trump trở thành sự thực thì con số này có thể sẽ tăng lên đến 50%. Không khó để nhận ra được mục tiêu mà Donald Trump hướng tới, đó là kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy sản xuất của các tập đoàn và doanh nghiệp, và tăng mức chi tiêu hộ gia đình trong nền kinh tế. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng nhất mà kế hoạch Abenomics của Thủ tướng Nhật Abe hướng tới trong vòng 3 năm qua.

Để làm được điều này, Trump cũng đang phải đối mặt với một vấn đề chung với ông Abe, đó là nợ chính phủ sẽ tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu các điểm chính trong Trumponomics đi vào thực hiện, thì nợ chính phủ của Mỹ sẽ tăng vọt, từ mức 75% GDP hiện nay lên mức 129% trong vòng 10 năm tới. Và điều này đồng nghĩa với việc Trump sẽ phải tuyên bố hủy bỏ những dự định nhằm làm giảm nợ chính phủ Mỹ vốn đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Barack Obama mà Trump đã tuyên bố hồi tháng 2 vừa qua. Dĩ nhiên, nếu sự thay đổi quan điểm này nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh trở lại, thì nó cũng không thành vấn đề.

Lời tuyên bố của Trump về những kế hoạch kinh tế của mình và đang được giới truyền thông Mỹ gọi với cái tên Trumponomics, đang tỏ ra khá phù hợp với tình hình hiện nay của nền kinh tế Mỹ. Kinh tế Mỹ đang có một khoảng thời gian tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2014 khi chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5% trong quý 1/2016, và nhiều khả năng sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng đáng thất vọng là dưới 1% trong quý 2 năm nay, bất chấp những dự báo tích cực của các nhà phân tích và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Có thể thấy, các quan điểm kinh tế trong Trumponomics đang cho thấy xu hướng chống lại Fed khá rõ của vị tỷ phú đang là ứng cử viên của đảng Cộng hòa này. Việc tuyên bố sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ bất chấp có phải tăng nợ chính phủ của Trump đang là một lời công kích nhắm đến Fed và Chủ tịch Janet Yellen, vì chủ trương của Fed trong thời gian qua là nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng trưởng được đánh giá là nhanh hơn mức cần thiết của kinh tế Mỹ cũng như đà tăng của lạm phát. Nhưng nó cũng đang được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý 1 và có thể là cả quý 2 năm nay.

Các nhà kinh tế đánh giá khả năng các đề xuất của Trumponomics được diễn ra trên thực tế là khá thấp, vì khác với Nhật Bản nơi ngân hàng trung ương có quan hệ mật thiết với chính phủ, thì ở Mỹ cơ quan có trách nhiệm in tiền là Fed lại không chịu sự chi phối của Nhà Trắng. Kể cả trong trường hợp Trump trở thành tổng thống, thì Fed cũng không nhất thiết phải nghe theo lệnh của Trump, trong trường hợp chủ tịch Fed bất đồng quan điểm với tổng thống. Tuy nhiên, việc đề xuất ra hẳn một chính sách kinh tế quy mô và đồ sộ nhằm hướng tới thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ cao như trong quá khứ, ứng với câu slogan tranh cử của Trump “Make America Great Again”, cũng đang tạo ra một hình ảnh và vị thế khá đắt giá cho Donald Trump. Những đề xuất cải cách kinh tế táo bạo và quyết đoán của Trump đang tạo ra một hình ảnh trái ngược với các ứng cử viên của đảng Dân chủ đang sa đà vào các vấn đề nâng cao phúc lợi xã hội mà bỏ bê những vấn đề vĩ mô mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt. Người Nhật đã bỏ phiếu cho ông Abe vì những chính sách quyết đoán trong Abenomics, thì khả năng người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vì các đề xuất táo bạo trong Trumponomics có lẽ cũng là điều rất có thể.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật có Abenomics, còn Mỹ liệu sẽ có Trumponomics?