Kinh tế Trung Quốc đang thực sự lún sâu vào một vùng nguy hiểm, nơi không ai dám chắc đâu là đáy của nó.

Chính quyền Trung Quốc loay hoay khi nền kinh tế lún chưa thấy đáy

09/05/2016, 10:58

Kinh tế Trung Quốc đang thực sự lún sâu vào một vùng nguy hiểm, nơi không ai dám chắc đâu là đáy của nó.

Chỉ ngay sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao là mức 6,7% trung bình trong vòng 3 tháng đầu năm, vượt hơn mức dự kiến của đa số các chuyên gia kinh tế, thì tăng trưởng của Trung Quốc đã ngay lập tức có dấu hiệu đi xuống trong tháng Tư. Điều đáng chú ý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2016 là do những gói kích thích kinh tế tương đối lớn mà chính phủ Trung Quốc đã đổ vào thị trường. Nhưng việc đà sụt giảm tăng trưởng quay trở lại trong tháng Tư đang là một bằng chứng rõ nét cho thấy rằng, liều thuốc hỗ trợ tăng trưởng bằng cách kích cầu nền kinh tế của Trung Quốc đang bắt đầu hết tác dụng, khi bản thân nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng “lờn thuốc”.

Những con số thống kê tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong tháng Tư đang bắt đầu ảm đạm trở lại sau quý I khá tươi sáng. Cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư đều bắt đầu sụt giảm mạnh hơn rất nhiều so với một tháng trước đó. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng Tư của Trung Quốc đã giảm 1,8% và nhập khẩu thì đã giảm tới 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp tỷ trọng nhập khẩu của nước này sụt giảm.

Về cơ bản, sự sụt giảm cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu đang cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục lún sâu vào trì trệ. Xuất khẩu suy giảm đang khiến cho tăng trưởng và thu nhập của người dân không tăng, trong khi sự sụt giảm nhập khẩu đang cho thấy nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước đang có xu hướng giảm – một điều tương đối bất lợi trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiêu dùng nội địa.

Điều đáng chú ý hơn là so với tỷ trọng xuất nhập khẩu của một tháng trước đó thì sự sụt giảm cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư quả là điều đáng báo động. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Ba đã tăng tới 11,5% so với cùng kỳ 2015, còn nhập khẩu chỉ sụt có 7,6% so với cùng kỳ, ít hơn nhiều so với mức giảm nhập khẩu 14% trong tháng Hai. Sự chênh lệch khá lớn này đang cho thấy một thực tế: tình hình kinh tế của Trung Quốc trong tháng Tư đang có chiều hướng sụt giảm mạnh nếu như so với tháng Ba là thời điểm nền kinh tế nước này có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nếu như phải so sánh thì kinh tế Trung Quốc trong tháng Ba đạt đến đỉnh của đồ thị tăng trưởng trước khi quay đầu tụt dốc không phanh trong tháng Tư.

Điều này có nghĩa là các liệu pháp kích thích nền kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đã tung ra trong 3 tháng đầu năm đang trở nên hết tác dụng nhanh hơn dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng trưởng trung bình khá ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2016 (6,7%) là sự mở rộng tín dụng của chính phủ Trung Quốc vào nền kinh tế. Cụ thể, mức mở rộng tín dụng của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016 đã đạt mức kỷ lục là 4.600 tỉ nhân dân tệ (712 tỉ USD) trong khi mức dự báo chỉ là khoảng 2.340 tỉ nhân dân tệ (360,7 tỉ USD) mà thôi.

Nó có nghĩa là chính phủ Trung Quốc đã bơm tiền vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng theo hình thức những khoản vay, một biện pháp tăng cường đầu tư và kích cầu thị trường nội địa. Chính điều này đã giúp kinh tế Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao trong tháng Ba, đủ để bù đắp mức sụt giảm trong hai tháng đầu năm để có được tốc độ tăng trưởng trung bình trong quý I là 6,7% như mục tiêu đã đề ra.

Việc chính phủ Trung Quốc sử dụng những gói kích thích nền kinh tế và kích cầu tiêu dùng nội địa không phải là chuyện gì quá xa lạ. Khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng 2008 thì chính bằng cách kích cầu thị trường nội địa và tăng cường đầu tư, Trung Quốc đã thoát hiểm một cách ngoạn mục. Vì thế cũng dễ hiểu khi lần này Bắc Kinh lại sử dụng tới lá bài thoát hiểm đó. Nhưng dường như hiệu quả đạt được lần này đã không còn lớn và kéo dài như lần trước.

Theo thống kê, mức mở rộng tín dụng lên tới 712 tỉ USD chỉ trong quý I năm nay cao hơn nhiều so với mức mở rộng tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc giai đoạn kinh tế toàn cầu khủng hoảng 2008. Tuy nhiên, tác động của nó thì đang trở nên ngắn hơn, vì sự sụt giảm mạnh cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu trong tháng Tư đang cho thấy tác dụng của các gói kích thích kinh tế đó đã chấm dứt.

Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu bước vào giai đoạn “lờn thuốc” đối với các gói kích thích nền kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc giờ đây cũng không còn cảm thấy hiệu quả với những gói kích cầu kinh tế như trước. Khi quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa vẫn chưa đi đến đâu, thì việc “lờn thuốc” đối với những gói kích cầu đang là một dấu hiệu đáng ngại cho kinh tế Trung Quốc, khi các lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng của các nhà lãnh đạo nước này đang trở nên ít đi đáng kể, thậm chí là gần như không còn gì.

Đó là chưa kể, thời gian dành cho Trung Quốc dường như cũng không còn nhiều. Sau hai lần trì hoãn, có vẻ như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang xem xét sẽ tăng lãi suất vào tháng Sáu tới. Các quan chức của FED đã công khai tuyên bố họ đã phải kiên nhẫn chờ đợi kinh tế Trung Quốc khả quan trở lại bất chấp việc trì hoãn tăng lãi suất đang có xu hướng gây hại cho nền kinh tế Mỹ.

Hầu hết các chuyên gia cũng cho rằng gần như chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất vào tháng Sáu tới chứ không thể trì hoãn thêm lần thứ ba. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một tin tức xấu cho kinh tế Trung Quốc khi nó sẽ làm tăng số nợ ngắn hạn mà các doanh nghiệp của nước này phải chi trả trong năm nay. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang có xu hướng sụt giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã giảm tới 9,3% trong tháng Tư so với cùng kỳ 2015, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc vào EU lại tăng 3,2% trong tháng Tư.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Trung Quốc loay hoay khi nền kinh tế lún chưa thấy đáy