Công ty Kyodo Senpaku Kaisha đang đóng một tàu đánh cá voi mới để thay thế tàu mẹ Nisshin Maru đã cũ.

Nhật Bản đóng tàu đánh bắt cá voi mới có thể đến Nam Cực

Bảo Vĩnh | 14/02/2023, 10:40

Công ty Kyodo Senpaku Kaisha đang đóng một tàu đánh cá voi mới để thay thế tàu mẹ Nisshin Maru đã cũ.

asahi.jpg
Cá voi đánh bắt được đưa qua tàu mẹ Nisshin Maru - Ảnh: Kyodo Senpaku

Kyodo Senpaku là công ty duy nhất trên thế giới áp dụng phương pháp tàu mẹ, với đội tàu nhỏ hơn chuyển cá voi đánh bắt được lên một tàu mẹ cỡ lớn để xẻ và cấp đông thịt cá voi.

Công ty Nhật Bản này hồi 35 năm trước từng đóng chiếc tàu mẹ Nisshin Maru. Tàu này đã cũ, dài 130 mét, rộng 20 mét và tổng dung tích đạt 8.145 tấn. Tàu mới đang đóng ở Shimonoseki (tỉnh Yamaguchi) sẽ dài 113 mét, rộng 21 mét và tổng dung tích 9.100 tấn, có thể hoạt động trong 60 ngày và đạt hải trình 13.000 km.

Tàu mới sẽ trang bị các phương tiện hiện đại mới nhất, gồm kho trữ đông kiểu container và có bãi hạ cánh cho máy bay tự hành tìm kiếm cá voi. Kinh phí đóng tàu mới khoảng từ 6 - 7 tỉ yen (từ 47 đến 55 triệu USD) và dự kiến sẽ hoàn tất việc đóng tàu trong tháng 3.2024.

Công ty Kyodo Senpaku hiện chỉ hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, nhưng tàu mới sẽ có thể vươn xa đến Nam Cực. Tàu mới được đóng nhằm duy trì ngành đánh bắt cá voi của Nhật Bản, theo lãnh đạo công ty cho biết.

Chủ tịch Hideki Tokoro nói tại lễ cầu an cho cuộc khởi công đóng tàu mới: “Nếu không đóng tàu mới, chúng tôi sẽ không thể truyền thụ văn hóa đánh cá voi cho thế hệ sau”.

whale-ship.jpg
Mô phỏng tàu mẹ đánh cá voi mới - Ảnh: Kyodo Senpaku

Nhật Bản áp dụng hai phương pháp đánh bắt cá voi. Thứ nhất là đánh bắt ven bờ, tàu ra khơi mỗi ngày để đánh bắt cá voi Minke, nhưng sản lượng đánh bắt theo cách này không đạt quota trong những năm gần đây.

Thứ hai là phương pháp tàu mẹ vốn đạt đủ quota gồm loài cá voi Bryde và cá voi Sei. Nếu không có một tàu mẹ mới, rất có thể sẽ không còn có thể đánh bắt được hai loài cá voi cỡ lớn này nữa, dẫn đến sự lo ngại Nhật Bản bị mất văn hóa đánh bắt và ăn thịt cá voi.

Na Uy là quốc gia đầu tiên áp dụng phương pháp tàu mẹ hồi những năm 1920, và các nước khác noi theo. Tuy nhiên, khi dư luận quốc tế ngày càng lo sợ đàn cá voi bị suy giảm trong những năm gần đây, phương pháp đánh bắt này suy giảm dần.

Từ năm 1987, Nhật Bản tham gia nghiên cứu cá voi để khảo sát tầm cỡ đàn cá voi cùng các thông tin khác ở Nam Cực và các vùng biển khác, duy trì phương pháp tàu mẹ.

Vào tháng 6.2019, Nhật Bản rút khỏi Ủy ban Săn Cá voi Quốc tế (IWC) để tiếp tục săn cá voi làm thực phẩm, khiến đất nước mặt trời mọc là quốc gia duy nhất tiếp tục sử dụng phương pháp tàu mẹ. Khi còn là thành viên IWC, Nhật Bản từng được cho phép đánh bắt 300 cá voi/năm ở vùng biển Nam Cực.

nissin-maru-kyodo.jpg
Tàu mẹ đánh cá voi Nisshin Maru - Ảnh: Kyodo

Tổng cục Ngư nghiệp Nhật Bản không trợ giá cho việc đóng một tàu mẹ mới, nhưng công ty Kyodo Senpaku quyết định tự đóng tàu này, vì “chúng tôi muốn góp phần vào an ninh lương thực của Nhật Bản. Chúng tôi thiết kế tàu có thể vươn xa đến Nam Cực, với hy vọng nó sẽ có ích trong thời kỳ khủng hoảng lương thực”.

Tuy nhiên, trong chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida có những ý kiến cho rằng Nhật Bản cần tránh sự phản đối của những quốc gia phản đối việc đánh bắt cá voi, ví dụ Mỹ, Úc. Ngoài ra, xem ra không có triển vọng đánh bắt cá voi bên ngoài EEZ của Nhật Bản, theo báo Yomiuri.

Giáo sư trợ giảng Ayako Okubo chuyên về chính sách biển ở Đại học Tokai nói: “Một tàu mẹ mới cũng cần thiết để đánh bắt cá voi trong EEZ. Chính phủ có trách nhiệm tạo một môi trường để các công ty có thể đánh bắt cá voi ổn định mà vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Thành phố Shimonoseki, nơi được cho là cái nôi của ngành đánh bắt cá voi hiện đại của Nhật Bản, đang nhắm mục tiêu trở thành cảng chính của một đội tàu chịu sự dẫn đầu của một tàu mẹ. Chính quyền thành phố sẽ trợ cấp 300 triệu yen cho công ty Kyodo Senpaku đóng tàu mẹ mới.

Thị trưởng Shintaro Maeda nói cư dân thành phố này từ lâu mong ước được chứng kiến việc đóng tàu mẹ đánh cá voi: “Tôi hy vọng văn hóa ăn thịt cá voi sẽ phổ biến nơi người dân thành phố nói riêng và đồng bào Nhật Bản nói chung”.

Lãnh đạo công ty Kyodo Senpaku còn giải thích: “Bằng cách đăng ký tàu mới ở Shimonoseki, chúng tôi sẽ bảo đảm nộp đủ các loại thuế ở đây. Nếu việc bảo trì tàu được tiến hành tại thành phố này, nó sẽ thật sự là một cảng chính”.

Bài liên quan
Vì sao tránh ăn tôm hùm Mỹ có thể cứu cá voi khỏi tuyệt chủng?
Tổ chức đánh giá mức độ bền vững của các loại hải sản Seafood Watch, đã bổ sung việc đánh bắt tôm hùm Mỹ và Canada vào "danh sách đỏ" các loại hải sản cần tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản đóng tàu đánh bắt cá voi mới có thể đến Nam Cực