Muốn cải cách nền tư pháp cho lành mạnh thì phải cải cách và bắt đầu từ những vụ án nhỏ như vụ quán Xin Chào, vụ "cướp bánh mì", tránh để oan sai cho người vô tội. Bên cạnh đó, nên tạo lập một nguồn quỹ để bồi thường oan sai, cùng với việc người thực thi công vụ gây oan sai phải chịu bồi hoàn vật chất một phần nhất định, xem đó như một cách thực hiện đồng trách nhiệm.

Nhân chuyện ông Huỳnh Văn Nén 'nỗi đau nhân đôi' được đền bù

23/01/2017, 07:04

Muốn cải cách nền tư pháp cho lành mạnh thì phải cải cách và bắt đầu từ những vụ án nhỏ như vụ quán Xin Chào, vụ "cướp bánh mì", tránh để oan sai cho người vô tội. Bên cạnh đó, nên tạo lập một nguồn quỹ để bồi thường oan sai, cùng với việc người thực thi công vụ gây oan sai phải chịu bồi hoàn vật chất một phần nhất định, xem đó như một cách thực hiện đồng trách nhiệm.

Ông Huỳnh Văn Nén

Hôm 16.1, trên VTV1 có phát sóng về một đề tài nóng, đó là chuyện đền bù cho người bị oan sai trong quá trình điều tra và xét xử.

Từ luật đến thực tiễn cuộc sống...

Hồi tháng 10 năm trước, khi thảo luận dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 14 , Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình cho biết, dư luận đang đặt ra câu chuyện: "Tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền à?".

Theo ông Chánh án TANDTC, nhiều nước giải bài toán về kinh phí chi trả bồi thường bằng cách lập quỹ từ nguồn thu xử phạt tội phạm. "Người ta không lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều nơi họ xử buôn lậu, ma túy, tham nhũng… phạt tiền cho vào quỹ để giải quyết bồi thường", ông Bình nêu ví dụ. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên thực hiện theo hướng này, như thế sẽ dễ được dư luận đồng tình hơn rất nhiều so với việc chi từ ngân sách.

Ông Bình cho biết: "Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai thì thực sự mình bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định của luật được Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu cho việc này, việc kia. Nếu làm đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính thì chắc chắn bồi thường không có được bao nhiêu. Lúc đó, dư luận lại lên tiếng...". Ông Bình nêu ví dụ cụ thể như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, tuy làm đúng quy định của Bộ Tài chính nhưng dư luận lại đặt ra câu hỏi là sao mười mấy năm tù oan mà đền bù lại chỉ có bấy nhiêu?

Và sáng 17.1, TAND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo công bố thông tin liên quan đến số tiền bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Số tiền cuối cùng được hai bên thống nhất tới lần thương lượng thứ 7 (hôm 12.1) là hơn 10 tỉ đồng.

Vị Chánh án tỉnh Bình Thuận cho biết, việc thương lượng diễn ra gần một năm do đây là vụ án oan đặc biệt. Ông Nén oan tới 2 vụ nên thiệt hại thực tế cũng lớn hơn so với người khác. Quá trình thương lượng, có nhiều người được ủy quyền và số tiền đưa ra ban đầu là 18 tỉ đồng, trong đó có số tiền cho những người có liên quan nhưng không bị tù oan (tổn thất tinh thần người thân, chi phí kêu oan...). Nay, hai bên đã đi đến những điểm chung có thể chấp nhận và chia sẻ ở mức trên 10 tỉ cả thảy và cùng thống nhất sẽ không nêu công khai, cụ thể từng mục.

Quay trở lại quan điểm của ông Chánh án TANDTC trước đó đã bày tỏ cũng về chuyện bồi thường oan sai nhưng là về một ví dụ khác. Ông đặt lại vấn đề, nếu số tiền bồi thường quá nhiều thì cũng có một luồng dư luận khác lên án tại sao tiền của Nhà nước mất nhiều như thế, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. "Trên thực tế, khi vận dụng luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, bởi có những khoản không thể nào mà chứng cứ hóa được, ví dụ như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần. Đây là câu chuyện không có định lượng và tùy theo sự vận dụng", ông Nguyễn Hoà Bình nêu.

Tin từ báo Người lao động đưa, theo tổng kết của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ ngày 1.1.2010 đến 31.12.2015, các cơ quan hữu trách đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường. Trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ (đạt 79%) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là trên 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, do Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa dự liệu và lượng hóa các khoản thiệt hại được bồi thường trong thực tế nên thiếu căn cứ xác định mức bồi thường, gây khó khăn cho quá trình thương lượng, giải quyết bồi thường.

Nếu so với từng đó năm, với số tiền mà chúng ta chi bồi thường cho các vụ án oan sai, xem ra nó vừa lớn lại vừa không lớn. Lớn là so với ngân sách nhà nước còn eo hẹp nhưng không lớn nếu chia ra cho 5 năm và càng không lớn so với mức bồi thường các nước họ từng chi trả do xử oan sai. Chỉ một vụ xảy ra, có khi người ta cũng phải chi 5 - 10 triệu đô la và cũng không phải hiếm có, thậm chí là hơn cả con số nói trên rất nhiều. Về một góc độ nào đó, nhìn nhận sự cao - thấp này còn tùy thuộc vào thực lực của nền kinh tế, vào mức thu nhập của mỗi cá nhân bị thiệt hại nếu bị tù oan. Rồi là cách nhìn nhận vấn đề và đường lối pháp lý của mỗi nước mỗi khác.

Cần gắn trách nhiệm của những người tham gia tố tụng để giảm thiểu án xử oan sai

Tuy nhiên, như trên vừa nói, cho dù sau này nguồn kinh phí để trả tiền đền bù sẽ được lấy từ đâu đi nữa, dù không từ nguồn thuế của dân đóng thì cũng là từ nguồn thu khác của Nhà nước, chẳng hạn như tiền thu từ các vụ án (buôn lậu, ma túy, tham nhũng…), tiền phạt các loại cho vào quỹ để giải quyết bồi thường thì cũng cần gắn thêm vào đó một phần là tiền đền bù của những cán bộ pháp luật tham gia vụ án gây oan sai. Họ cũng có một phần trách nhiệm trong đó.

Như Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định có lần cho biết, Ủy ban này tán thành quy định tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ khiến họ không dám nhận nhiệm vụ.

Trong một dịp làm việc với thành phố Hồ Chí Mình gần đây, ông Nguyễn Hoà Bình cũng cho rằng, TP.HCM đã làm tốt cả 55.000 vụ án, nhưng chỉ cần xảy ra một vụ như vụ "cướp bánh mì" thì dư luận cả nước cũng chỉ quan tâm đến vụ "cướp bánh mì" chứ không nhìn nhận về 55.000 vụ án khác đã được xét xử tốt. Chính vì thế, ông Bình yêu cầu, trong năm 2017, nhất định TP.HCM không để xảy ra bất kể vụ nào tương tự như vụ quán Xin Chào hay vụ "cướp bánh mì". Theo ông, những vụ án như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp.

Có lẽ ông Chánh án muốn gửi gắm đến các cơ quan tố tụng: Muốn cải cách nền tư pháp cho lành mạnh thì phải cải cách và bắt đầu từ những vụ án nhỏ như vậy, tránh để oan sai cho người vô tội. Bên cạnh đó, để tránh tâm trạng người dân cho rằng Nhà nước đã dùng thuế của dân lo trả đền bù cho những người vô tội chịu án oan, chúng ta rất nên tạo lập một nguồn quỹ để chi trả bằng hình thức mà nhiều nước cũng đã thực hiện như nói ở trên, cùng với việc người thực thi công vụ gây oan sai phải chịu bồi hoàn vật chất một phần nhất định, xem đó như một cách thực hiện đồng trách nhiệm.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân chuyện ông Huỳnh Văn Nén 'nỗi đau nhân đôi' được đền bù