Nếu không làm được điều này, thì rất nhiều người dân sẽ không thấy mình là chủ xã hội, sẽ không xem đóng thuế là góp phần xây dựng đất nước, trái lại họ có cảm giác bị gỡ tay lấy đi những đồng bạc còn sót!

Để có thể xin tiền từ dân chúng

21/01/2017, 14:10

Nếu không làm được điều này, thì rất nhiều người dân sẽ không thấy mình là chủ xã hội, sẽ không xem đóng thuế là góp phần xây dựng đất nước, trái lại họ có cảm giác bị gỡ tay lấy đi những đồng bạc còn sót!

Mấy hôm nay dư luận lo lắng và bức xúc trước thông tin thuế bảo vệ môi trường có thể tăng lên tới 8.000 đồng trên một lít xăng. Nghĩa là khoảng 40% giá xăng! Doanh nghiệp lo lắng về chi phí sản xuất tăng, dân chúng lo về chi phí đời sống thường ngày tăng, các nhà kinh tế lo nền kinh tế quốc gia xáo trộn lớn theo hướng giảm mức tiêu thụ xã hội, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, một điều rất quan trọng cho nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của nước ta.

Sự quản trị quốc gia hay quản trị một công ty đa quốc gia có những điểm tương đồng về chuyên môn. Bài viết này xin thảo luận để tài về khía cạnh quản trị.

Bản chất việc tăng thuế xăng dầu là một dự án xin tiền của dân

Tăng thuế xăng dầu lần này thực chất là xin tiền của dân để bảo vệ môi trường (BVMT). Đây chính là một dự án quan trọng. Mục tiêu của nó là bảo vệ môi trường. Biện pháp của nó là thu thuế trên giá xăng. Đối tượng bị ảnh hưởng (phải đóng góp) là người mua xăng. Đối tượng hưởng lợi trên lý thuyết là toàn xã hội.

Dự án này rất lớn. Đối với công ty đây là việc xin tiền để tiến hành một dự án kinh doanh (hay dự án về tài chính, nhân sự) mang lại lợi ích cho công ty.

Một dự án như thế này cần phải được nghiên cứu rất kỹ trước khi đề xuất, trình bày và cần được duyệt bởi một nhóm người có thẩm quyền và được ủy quyền chính thức. Ban Giám đốc chịu trách nhiệm nghiên cứu và đệ trình, Hội đồng Quản trị xét duyệt. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ chịu trách nhiệm nghiên cứu và đệ trình, Quốc hội xét duyệt (nếu dự án lớn và có ảnh hưởng rộng rãi).

Thông thường việc nghiên cứu cần ít nhất làm rõ các điểm dưới đây

Tổng quan tình hình và thực trạng (Executive Summary): Cần nói rõ một cách ngắn gọn tình hình bảo vệ môi trường Việt Nam hiện nay ra sao. Hiện trạng môi trường ra sao. Bao nhiêu phần ô nhiễm môi trường là do xăng, xe? Bao nhiêu là do các hoạt động khác (sản xuất, sinh hoạt, thiên tai…)? Đã thu bao nhiêu tiền để BVMT, thu từ các nguồn nào (như thuế, ngân sách nhà nước, sự đóng góp các doanh nghiệp có liên quan…), đã thực hiện bao nhiêu, hiệu quả như thế nào… Cần nêu rõ mục tiêu của dự án, mục tiêu là để BVMT (như tên gọi của thuế) hay để chống buôn lậu (như phát ngôn của đại diện Bộ Tài chính [http://dantri.com.vn/, ngày 11/01/2017)? Hay có cả hai mục tiêu? Mục tiêu cần được nêu lên trung thực, rõ ràng và công khai để tránh tối đa những nghi ngờ trong dân chúng.

Nhu cầu dự án: Để bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường… cần bao nhiêu tiền. Trong đó việc bảo vệ, cải tạo môi trường mà sự ô nhiễm do xăng, xe là bao nhiêu? Nhu cầu thực sự về số tiền này là bao nhiêu để bảo đảm BVMT hữu hiệu? Dự trù về thu và về các hạng mục chi cho mục tiêu cần nêu rõ.

Các dự án thay thế: Nếu không tiến hành dự án này thì có dự án nào có thể thay thế? Số tiền cần cho việc bảo vệ, cải tạo môi trường mà sự ô nhiễm do xăng, xe gây ra có thể tìm từ các nguồn nào khác? Có tính tới cắt giảm chi phí hiện hữu chưa? Cắt giảm chi phí có thể từ nhiều nguồn như vật tư máy móc quá đắt so với chức năng và công suất (tìm nguồn có giá mua/chất lượng và công năng thấp hơn), như bộ máy cồng kềnh thiếu hiệu quả, như sự thất thoát do tham nhũng, đục khoét của công mà kinh nghiệm cho thấy xác suất thất thoát và số tiền thất thoát xảy ra rất lớn trong bộ máy công quyền của Việt Nam… Có tính tới những nguồn thu khác chưa?

Phần này để so sánh một cách khách quan các biện pháp khác nhau hầu có thể chọn lựa dự án tốt nhất, có lợi nhất.

Phân tích tài chính: Việc phân tích tài chính được tiến hành ra sao? Việc phân tích không chỉ nằm trong phạm vi thu tiền để BVMT, mà phải tính tới tất cả các hệ quả dây chuyền phức tạp gần và xa do tăng giá xăng, trong đó có khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đã rất oằn lưng thuế phí, mức độ tiêu thụ của xã hội vốn đã co cụm, mức thu hút đầu tư và cạnh tranh xuất khẩu… Tất cả phải được định lượng theo đô-la Mỹ hay theo đồng Euro.

Nhân sự phụ trách dự án là ai? Có sự phân tách trách nhiệm hợp lý không? Có những yêu cầu về năng lực và đạo đức đối với người được đề bạt không?

Các suy nghĩ và góp ý

Tôi nghĩ rằng các bước tiến hành dự án và xét duyệt dự án trình bày bên trên thuộc về kiến thức và thực hành căn bản mà người có trách nhiệm hẳn đã nắm biết và thành thục. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với tư cách một công dân đóng thuế và mong muốn đất nước giàu mạnh, tôi có những lo sợ như sau:

1) Một số người trong vị trí không có những năng lực tương ứng với trách nhiệm. Trong khi sự tuyển chọn nhân sự tại các quốc gia tiến bộ chỉ chú trọng tới năng lực chuyên môn và đạo đức để hoàn thành trách nhiệm công, thì sự chọn lựa của nước ta lại có những tiêu chuẩn về chính trị và nhân thân, mà những tiêu chuẩn này có thể làm loãng đi yêu cầu về chuyên môn hoàn thành trách nhiệm phụng sự cộng đồng.

Theo các số liệu đã được công bố mà người viết nghĩ rất có thể còn xa sự thực, các thất thoát của Vinashin, Vinalines cùng nhiều thất thoát khác có con số không dưới 200.000 tỉ VNĐ (khoảng 10 tỉ đô-la Mỹ). Những con số đó chứng tỏ năng lực chuyên môn và đạo đức của người trách nhiệm là không đủ!

2) Việc phân tách trách nhiệm không được chú trọng đúng mức. Chẳng phải báo chí thường đề cập tới hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đó sao? Sự phân tách trách nhiệm không chặt chẽ không chỉ ở mức độ cá nhân, mà còn ở mức độ cơ quan hay ở mức độ ngành nghề bao trùm hơn nữa.

Sự phân tách trách nhiệm cực kỳ quan trọng, vì thiếu nó thì dân chúng có thể nghi ngờ tính hiệu quả và sự thực tâm của chính phủ. Thí dụ dân chúng có thể thắc mắc chính phủ đã có cố gắng cắt giảm chi phí và thất thoát chưa? Nếu có, thì đã tính tới các biện pháp thật quyết liệt chưa? Ai là người đưa ra mục tiêu cắt giảm và đánh giá thành quả của nỗ lực đó, hay chính người chi tự đưa ra và tự đánh giá mình?

Dân chúng cũng thể hỏi rằng tăng thuế BVMT trên giá xăng có thật chỉ để BVMT trong lãnh vực ô nhiễm do xăng dầu? Hay số tiền đó để choàng phủ các lãnh vực BVMT khác, hay thậm chí các chi tiêu bên ngoài lãnh vực BVMT!

3) Ai xét duyệt dự án? Về nguyên tắc cũng như về thực chất, và chính quyền cũng công nhận, nhân dân là người chủ đích thực của xã hội. Muốn xin tiền của dân thì phải xin phép dân. Ai đại diện cho dân để đồng ý hay không đồng ý? Mức độ tăng thuế như vậy có phải đưa ra Quốc hội chưa? Và nếu ý kiến của Quốc hội chưa phản ánh đúng ý dân thì những người chủ đích thực của xã hội sẽ biểu thị ý muốn của mình bằng các biện pháp nào?

Về lâu dài, tôi luôn nghĩ rằng việc áp dụng kinh nghiệm của các nước phát triển trước Việt Nam và sự minh bạch, công khai các nghiên cứu, đề xuất như đề xuất tăng thuế xăng dầu hiện nay là biện pháp tốt nhất góp phần ổn định xã hội, xóa bỏ các nghi ngờ, thiếu tin cậy của dân chúng đối với chính sách của chính phủ. Nếu việc xét duyệt đề xuất này được thực hiện bởi một đơn vị độc lập với đơn vị đề xuất thì tính thuyết phục càng cao hơn nữa. Một khi có sự tin tưởng, tin cậy hơn của dân chúng, chính quyền sẽ dễ dàng kêu gọi sự chung tay góp sức của dân chúng xây dựng tổ quốc Việt Nam chung.

Nếu không làm được điều này, thì rất nhiều người dân sẽ không thấy mình là chủ xã hội, sẽ không xem đóng thuế là góp phần xây dựng đất nước, trái lại họ có cảm giác bị gỡ tay lấy đi những đồng bạc còn sót!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để có thể xin tiền từ dân chúng