Chiều 29.1, Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vắc xin COVID-19 mua từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trong tổng số 211,9 triệu liều đã tiếp nhận, hiện đã phân bổ 194,2 triệu liều; còn khoảng 17,7 triệu liều chưa phân bổ do mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin. Bộ Y tế cũng cho biết kể từ nay sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022 vì Tết Nguyên đán đã đến gần, nguy cơ ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng tăng cao.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không để lãng phí. Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin COVID-19 đã được cấp, không để lãng phí vắc xin. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất. Từ 29.1, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo tinh thần làm xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" diễn ra và kéo dài đến 28.2.2022.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định: "Nguy cơ lây lan vi rút trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao. Chủ yếu lây lan trong quá trình người dân tiếp xúc gần, giao lưu, đi lại, gặp gỡ. Đặc biệt Tết Nguyên đán là thời điểm người dân được nghỉ nên sẽ liên tục diễn ra các hoạt động tụ tập, ăn uống, liên hoan. Trong khi nhiều người từ các địa phương khác nhau về quê, vì vậy việc vi rút lây lan sẽ không chỉ dừng ở một địa phương nhất định mà còn giữa các tỉnh, thành phố với nhau. Sau Tết, việc dịch có lây lan rộng hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc đáp ứng, sự quyết liệt phòng dịch của các địa phương và nhất là sự tự giác phòng dịch của người dân. Nhất là các hoạt động lễ hội, liên hoan cần được kiểm soát. Hiện tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 khá cao, đã xuất hiện tâm lý chủ quan của nhiều người dân vì đã có “lá chắn bảo vệ”, dễ chủ quan trong việc phòng dịch trong dịp lễ Tết" - ông Phu cho hay.
Theo dự báo của Bộ Y tế, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, thời gian tới có thể các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, kể cả với biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có thể có những biến thể khác ngoài Omicron. Trong bối cảnh hiện tại, tình hình dịch lan rộng sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền…). Trước tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động đông người không cần thiết khi trở về quê trong dịp Tết.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.Hà Nội, khi đi lại, di chuyển, mỗi người dân cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người; khai báo y tế đầy đủ. Đặc biệt, nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiếp xúc với ca bệnh thì phải làm xét nghiệm sàng lọc. Theo đó, khi người dân về các địa phương cũng phải biết tự lắng nghe cơ thể mình, hạn chế tiếp xúc trong những ngày đầu mới về, hạn chế tụ tập nơi đông người. Đặc biệt, người thân trong gia đình ở tại địa phương cũng phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở người tư nơi khác về để cùng tuân thủ các quy định phòng dịch, hạn chế lây nhiễm nếu có.