“Bài thơ viết ra thì không còn là của mình nữa, mà nó thành một người bạn, người thầy của mình để dạy cho mình biết sống tử tế, khoan hòa hơn. Chính thơ tôi đã thanh lọc tôi”.
Nhà thơ Mai Văn Phấn- người vừa được Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Cikada 2017 - chia sẻ chân tình về thơ của mình trước người yêu thơ trong khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tối 5-6, nhân dịp ra mắt tập thơ Lặng yên cho nước chảy (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn xuất bản và phát hành) của ông.
Đôi mắt tôi khác thường khi đọc thơ Mai Văn Phấn
Có mặt tại buổi tọa đàm thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dành cho bạn thơ của mình những lời tung hê có cánh một cách chân thành. Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông đã đọc thơ Mai Văn Phấn từ những năm 1980, nhưng khi cầm trên tay tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn- Lặng yên cho nước chảy, ông đã “giữ mình” trong hai ngày không đọc tập thơ mà chỉ “ngồi thở, để thiền đón thơ” Mai Văn Phấn. Và không biết có phải do “thiền đón thơ” không mà tập thơ đã “mở đôi mắt khác thường” cho Nguyễn Quang Thiều.
“Đôi mắt tôi khác thường khi đọc thơ Mai Văn Phấn. Nó giúp tôi được sống một đời sống mà tôi chưa bao giờ biết tới. Thơ ông chứa đựng thật lớn về đời sống này, về tâm linh, về nghệ thuật. Một đời sống đẹp, bình yên, sâu thẳm. Đó là một thứ thơ kết tinh dần thành hạt cây, thứ hạt “bền vững hơn kim cương”, như mẹ tôi đã nói khi tôi hơn 50 tuổi” – Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông khẳng định, muốn tìm hiểu thơ việt đương đại thì chắc chắn phải đọc thơ Mai Văn Phấn.
Đọc Mai Văn Phấn xong thấy thơ mình vớ vẩn quá
Nhà thơ Chu Thị Thơm tuy đến với thơ Mai Văn Phấn chậm hơn bởi trước đây bà trung thành với trường phái thơ truyền thống. Nhưng ngay cả với con mắt “truyền thống” của Chu Thị Thơm thì cũng nhanh chóng nhận ra rằng thơ Mai Văn Phấn dù là tiếng nói mạnh mẽ của thơ cách tân thì cũng không quá kén độc giả, không quá khó đọc. “Chỉ cần có chút trải nghiệm, sự chia sẻ và tĩnh lặng là sẽ đọc được thơ Mai Văn Phấn” – nữ sĩ nói.
Bỏ qua những dè chừng của một người trung thành với lối thơ truyền thống, nhà thơ Chu Thị Thơm tìm thấy trong thơ Mai Văn Phấn một suy nghiệm cho riêng mình: Thơ hay con người, cao đạo, phù phiếm mà làm gì. Hãy tĩnh lại để lắng nghe những tiếng đời rất khẽ mà rất đẹp.
Từ chỗ dè dặt đến với thơ Mai Văn Phấn, nữ sĩ Chu Thị Thơm bắt đầu yêu thơ của ông lúc nào không hay. Đến một này, bà nhận ra, đọc thơ Mai Văn Phấn xong thì “sợ không dám làm thơ nữa. Thấy thơ mình quá vớ vẩn!”.
Chu Thị Thơm rất thích tính trí tuệ và tâm linh cùng quấn quyện, hiền hữu trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là thứ thơ “thắp lên những giấc mơ chấp chới phía trước, kích thích con người muốn chiếm lĩnh nó, chạm vào nó”. Nữ sĩ gọi đó là chất ma mị trong thơ Mai Văn Phấn.
Người vong thân
Nhà phê bình Ngô Văn Giá không ngần ngại khẳng định rằng Ma Văn Phấn là tiếng nói quan trọng tạo gương mặt thơ ca của thế hệ trưởng thành sau 1975. Thơ ông là một hiện tượng khá bề bộn, có tầm vóc, chiều kích đáng kể. đặc biệt là sự bề bộn trong sáng tạo.
Cho rằng thơ Mai Văn Phấn là một thế giới nghệ thuật đa diện, nhiều thách đố nên nhà phê bình Ngô Văn Giá cho rằng thơ ấy cần một cách đọc khác và một lối phê bình tương ứng.
Nhà văn Văn Chinh cũng đồng quan điểm rằng thơ Mai Văn Phấn là một thế giới nghệ thuật đa diện. Ông cho rằng Mai Văn Phấn là người vong thân. Mỗi một tập thơ là một sự chuyển động, phủ nhận chính mình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm cũng gọi tên cái “vong thân” của Mai Văn Phấn khi nói thơ ông “ đầy sự hoài nghi, réo gọi, là tiếng kêu đau đớn, đổ vỡ nhất”.
Nhiều năm đọc thơ Mai Văn Phấn, nhà nghiên cứu trẻ phát hiện rằng “ám ảnh nước là định mệnh của Mai Văn Phấn” – một thứ vong thân.
“Nước phải chảy liên tục, phải dịch chuyển. Ma Văn Phấn phải luôn luôn rời bỏ chính mình” – Nguyễn Thanh Tâm nói.
Xúc động trước những lời “khen ngợi một chiều” của các bạn thơ nhưng Mai Văn Phấn vẫn muốn rằng người đọc sẽ nhìn thấy ở mỗi bài thơ của ông là một ngôi nhà nhỏ, riêng tư mà mỗi người lại có một chiếc chìa khóa riêng để đi vào ngôi nhà thơ ấy chứ không phải tất cả chỉ có một đồng vọng ngợi khen.
Ông cũng cho biết, trong thực tế, bởi đi theo khuynh hướng cách tân thơ sau năm 1975, ông đã từng phải “sống trong sự khắc nghiệt của dư luận”.
“Nhiều anh em bạn thơ trước mắt thì tay bắt mặt mừng nhưng sau lưng là họ phản đối thơ mình dữ lắm. Họ nói thơ phú gì tắc tị thế, chả hiểu gì, đáng ném vào sọt rác” – nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ.