“Intel nên tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) thay vì cố gắng trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng”, ông Morris Chang (nhà sáng lập của TSMC) cho biết hôm 9.12, liên quan đến việc Giám đốc điều hành Intel từ chức gần đây.
Thế giới số

Nhà sáng lập TSMC: Intel nên tập trung vào AI thay vì sản xuất chip theo hợp đồng

Sơn Vân 20:17 09/12/2024

“Intel nên tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) thay vì cố gắng trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng”, ông Morris Chang (nhà sáng lập của TSMC) cho biết hôm 9.12, liên quan đến việc Giám đốc điều hành Intel từ chức gần đây.

Tại sự kiện ra mắt cuốn tự truyện của mình, Morris Chang (93 tuổi) cho biết ông không biết tại sao Pat Gelsinger rời Intel nhưng có vẻ hãng chip Mỹ này muốn tìm chiến lược mới cũng như giám đốc điều hành mới.

Ngày 2.12, Reuters đưa tin Pat Gelsinger bị buộc rời khỏi Intel sau khi hội đồng quản trị cảm thấy kế hoạch tốn kém và đầy tham vọng của ông nhằm vực dậy Intel không hiệu quả và tiến độ chậm.

Pat Gelsinger từng cố gắng khôi phục vị thế dẫn đầu của Intel trong việc sản xuất chip nhanh nhất và nhỏ nhất cho các công ty khác. Đó là mô hình kinh doanh được gọi là foundry – vị trí mà công ty đã mất vào tay TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan).

"Tôi không biết tại sao Pat từ chức. Tôi không biết chiến lược của Pat tệ hay cậu ấy không thực hiện tốt... So với AI, Pat có vẻ tập trung nhiều hơn vào việc trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng. Tất nhiên, bây giờ có vẻ như Intel nên tập trung vào AI. Hiện tại, họ không có chiến lược mới cũng như CEO mới. Việc tìm cả hai đều rất khó khăn", ông Morris Chang nói.

Intel không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Đặt ra tham vọng lớn về năng lực sản xuất và AI giữa các khách hàng lớn, Intel đã mất hoặc bị hủy hợp đồng dưới dưới thời Pat Gelsinger và cũng làm phật lòng TSMC. Ông Morris Chang từng cho rằng Pat Gelsinger "hơi thô lỗ", theo bản tin đặc biệt của Reuters vào tháng 10.

nha-sang-lap-tsmc-intel-nen-tap-trung-vao-ai-thay-vi-san-xuat-chip-theo-hop-dong.jpg
Ông Morris Chang phát biểu tại buổi ra mắt cuốn tự truyện của mình tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan ngày 9.12 - Ảnh: Reuters

Tháng trước, ông Morris Chang đã phát hành hồi ký kể lại cuộc đời của mình từ năm 1964 đến 2018, gồm cả một số giao dịch của TSMC với các khách hàng lớn như Apple, Qualcomm và việc Intel từ chối lời mời đầu tư vào TSMC vào những năm 1980 trước khi trở thành khách hàng quan trọng.

Tập ​​thứ hai trong cuốn hồi ký của Morris Chang kể về 25 năm làm việc tại hãng Texas Instruments (Mỹ) và quá trình thành lập TSMC (Đài Loan) vào năm 1987, sau tập đầu tiên, về cuộc sống thời thơ ấu của ông, được xuất bản năm 1998.

Đáng chú ý là ông Morris Chang kể từng mời Jensen Huang làm giám đốc điều hành gã khổng lồ chip Đài Loan này hơn một thập kỷ trước, nhưng bị từ chối chỉ sau 10 phút.

Ông Jensen Huang (năm nay 61 tuổi) là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia – hãng chip AI số 1 thế giới.

Ông Morris Chang còn mô tả tình bạn kéo dài hơn hai thập kỷ của mình với Jensen Huang, người biến Nvidia (có trụ sở tại bang California, Mỹ) thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới khi sự quan tâm đến AI tăng vọt.

Hai người đàn ông này thường xuyên khen ngợi nhau trước công chúng nhiều năm qua, với việc Jensen Huang ghi nhận công lao của Morris Chang trong việc Nvidia thành công như ngày nay.

Trong cuốn sách, Morris Chang cho biết khi tìm kiếm người kế nhiệm vào năm 2013, ông coi Jensen Huang là ứng cử viên lý tưởng vì phẩm chất, kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức về ngành bán dẫn.

"Tôi đã dành khoảng 10 phút để giải thích ngắn gọn về kỳ vọng sâu sắc của mình với TSMC", ông Morris Chang nhớ lại. Ông cho biết Jensen Huang đã kiên nhẫn lắng nghe nhưng trả lời: "Tôi đã có công việc rồi".

Vài tuần sau, ông Morris Chang thử thuyết phục lần nữa, nhưng Jensen Huang vẫn kiên quyết từ chối.

"Câu trả lời của Jensen Huang với tôi rất chân thành: 'Tôi đã có việc rồi!' Công việc đó đã đưa Nvidia lên vị trí như ngày nay, sau 11 năm", ông Morris Chang viết.

Ông Morris Chang nói thêm rằng khi Jensen Huang đang lựa chọn đối tác sản xuất chip cho Nvidia, ông sẵn sàng đặt cược mọi thứ vào TSMC.

Về phần mình, TSMC đã cử hai nhân viên sản xuất đến giúp Nvidia vào năm 1998 khi công ty mới nổi này đang thiếu nhân sự.

2 ứng viên giám đốc điều hành Intel với nhiệm vụ khắc phục những sai lầm của Pat Gelsinger

Cuộc đua để trở thành tân giám đốc điều hành Intel đang diễn ra và hai ứng viên tiềm năng đã được tiết lộ.

Hãng sản xuất chip Mỹ đang cân nhắc ít nhất hai ứng viên từ bên ngoài công ty để thay thế Pat Gelsinger.

Hai ứng viên là Lip-Bu Tan (cựu thành viên hội đồng quản trị Intel) và Matt Murphy (Giám đốc điều hành Marvell Technology), trang Bloomberg Reuters đưa tin, trích dẫn nguồn tin quen thuộc.

chan-dung-2-ung-vien-cho-vi-tri-giam-doc-dieu-hanh-intel-voi-nhiem-vu-khac-phuc-sai-lam-cua-nguoi-tien-nhiem.jpg
Lip-Bu Tan (trái) và Matt Murphy (phải) là hai ứng viên giám đốc điều hành Intel - Ảnh: Internet

Theo trang Bloomberg, sau xung đột về kế hoạch của Pat Gelsinger nhằm cạnh tranh với đối thủ Nvidia, hội đồng quản trị Intel đã đưa ra lựa chọn cho ông nghỉ hưu hoặc từ chức. Cuối cùng, Pat Gelsinger chọn nghỉ hưu.

Cổ phiếu Intel tăng 6% ngày 2.12, cho thấy giới đầu tư ủng hộ việc Pat Gelsinger rời đi và "háo hức muốn thấy những thay đổi" trong tương lai, theo trang CNBC.

"Dù đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giành lại sức cạnh tranh trong sản xuất và xây dựng năng lực để trở thành nơi đúc chip đẳng cấp thế giới, chúng tôi biết rằng còn nhiều việc phải làm và cam kết khôi phục niềm tin của nhà đầu tư", Frank Yeary, Chủ tịch độc lập của hội đồng quản trị Intel, cho biết trong một thông cáo.

Pat Gelsinger đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Intel cách đây hơn 3 năm. Intel đã chỉ định Giám đốc tài chính David Zinsner và quản lý cấp cao Michelle Johnston Holthaus làm đồng giám đốc điều hành tạm thời trong khi hội đồng quản trị tiến hành tìm kiếm giám đốc điều hành mới.

Sự ra đi của Pat Gelsinger diễn ra sau một năm Intel vật lộn để bắt kịp các đối thủ trong cuộc đua chip toàn cầu. Intel đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 50% trong năm nay, đối mặt với nhiều thách thức, gồm thua lỗ hàng tỉ USD, sa thải diện rộng và tin đồn phải bán công ty.

Kế hoạch hồi sinh Intel của Pat Gelsinger gồm cả tham vọng xây dựng thêm nhiều nhà máy tại Mỹ và châu Âu để mở rộng năng lực sản xuất. Ông còn thúc đẩy công ty tự thiết kế dòng chip AI mang tên Gaudi để đối đầu với Nvidia.

Tuy nhiên, những nỗ lực này rất tốn kém và không mang lại kết quả khả quan. Tháng trước, Pat Gelsinger cho biết công ty sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu 500 triệu USD vào năm 2024 từ chip Gaudi 3 do các vấn đề liên quan đến phần mềm.

Hai ứng viên cho vị trí giám đốc điều hành Intel đến thời điểm này đều có nền tảng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất chip.

Chuyên gia bán dẫn Lip-Bu Tan từng là thành viên hội đồng quản trị Intel, tham gia ủy ban sáp nhập và mua lại, từ 2022 đến tháng 8.2024. Lip-Bu Tan rời hội đồng quản trị Intel vào tháng 8, với lý do “khối lượng công việc quá nhiều”.

Hiện tại, Lip-Bu Tan là Chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm Walden International. Ông từng giữ các vị trí trong hội đồng quản trị của SoftBank Group và Hewlett Packard Enterprise.

Trong khi đó, Matt Murphy không có mối liên hệ công khai nào trước đây với Intel. Ông hiện là Giám đốc điều hành Marvell Technology, công ty sản xuất bán dẫn của Mỹ chuyên cung cấp chip cho trung tâm dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ. Trước khi gia nhập Marvell Technology, Matt Murphy từng làm việc hơn hai thập kỷ trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho hãng công nghệ Analog Devices, từng tham gia hội đồng quản trị của eBay cũng như Global Semiconductor Alliance.

Global Semiconductor Alliance (GSA) là tổ chức công nghiệp quốc tế dành cho các công ty trong lĩnh vực bán dẫn và các ngành liên quan. Global Semiconductor Alliance được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, đổi mới và tăng trưởng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Tổ chức này hoạt động như một nền tảng để kết nối các công ty sản xuất chip, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế, các công ty sản xuất thiết bị và các tổ chức tài chính.

Global Semiconductor Alliance có hàng trăm thành viên từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả các công ty hàng đầu trong ngành bán dẫn như Qualcomm, Intel, AMD, TSMC, Samsung và nhiều startup công nghệ. Các thành viên cũng bao gồm các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ, tạo nên một hệ sinh thái toàn diện.

Tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty và thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn, một ngành then chốt trong nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt trên toàn cầu.

Cổ phiếu Marvell Technology đã tăng hơn 10% trong giao dịch ngoài giờ hôm 3.12 sau khi dự báo doanh thu quý 4/2024 vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu mạnh mẽ với chip AI. Cổ phiếu công ty này đã tăng 59% trong năm nay.

"Với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành công ty này, tôi 100% tập trung vào Marvell Technology", Matt Murphy, người giữ vai trò này trong 8 năm, cho biết hôm 3.12 trong buổi cáo kết quả tài chính khi được hỏi về những cơ hội khác.

Marvell Technology có vốn hóa thị trường 98,22 tỉ USD và khoảng 6.500 nhân viên tính đến năm 2024. Intel hiện có vốn hóa thị trường 90,23 tỉ USD và khoảng 131.000 nhân viên, theo trang web của công ty.

Các đại diện của Intel, Matt Murphy và Lip-Bu Tan chưa trả lời khi được trang Insider đề nghị bình luận.

Bài liên quan
CSAC: 'Các chip Intel gây rủi ro an ninh nghiêm trọng cho Trung Quốc'
Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc (CSAC) hôm 16.10 cho biết các chip Intel bán tại Trung Quốc nên được xem xét về an ninh, cáo buộc nhà sản xuất chip Mỹ đã "liên tục gây hại" an ninh quốc gia và lợi ích của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu giá đất cao bất thường, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong công tác đấu giá đất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà sáng lập TSMC: Intel nên tập trung vào AI thay vì sản xuất chip theo hợp đồng