Ở cuộc phỏng vấn gần đây, Lisa Su (Giám đốc điều hành AMD) nói rằng bà và ông Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) chưa từng gặp nhau cho đến khi cả hai đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp.
Thế giới gia đình

CEO AMD hé lộ điều bất ngờ về mối quan hệ họ hàng với CEO Nvidia khi là đối thủ cạnh tranh

Sơn Vân 07/12/2024 16:18

Ở cuộc phỏng vấn gần đây, Lisa Su (Giám đốc điều hành AMD) nói rằng bà và ông Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) chưa từng gặp nhau cho đến khi cả hai đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp.

Cả hai hiện là giám điều hành hai tập đoàn chip hàng đầu thế giới, có trụ sở ở Mỹ.

“Chúng tôi thực sự là họ hàng rất xa, nên không lớn lên cùng nhau. Thực tế, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên tại một sự kiện trong ngành. Vì vậy, phải đến khi chúng tôi đã có một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực này mới gặp nhau”, Lisa Su nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Emily Chang của hãng tin Bloomberg.

Nhà phả hệ học Jean Wu năm ngoái cho biết bà Lisa Su và ông Jensen Huang là anh chị em họ đời thứ nhất nhưng cách nhau một thế hệ. Ông Jensen Huang (61 tuổi) là anh họ của bà Lisa Su (55 tuổi). Theo cây gia phả được Jean Wu công bố trên Facebook, mẹ ông Jensen Huang là chị gái của ông nội bà Lisa Su.

Bà Lisa Su đã xác nhận mối quan hệ này vào năm 2020, nói rằng cả hai là “họ hàng xa, kiểu như anh em họ đời thứ hai phức tạp”.

Phát ngôn viên Nvidia năm ngoái xác nhận với đài CNN rằng bà Lisa Su là họ hàng xa của Jensen Huang qua dòng họ bên mẹ ông.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Nvidia từ chối bình luận thêm về câu chuyện này.

ceo-amd-he-lo-dieu-bat-ngo-ve-moi-quan-he-ho-hang-voi-ceo-nvidia.jpg
Bà Lisa Su (phải) và ông Jensen Huang là anh chị em họ đời thứ nhất nhưng cách nhau một thế hệ - Ảnh: Internet

Bà Lisa Su và ông Jensen Huang có con đường sự nghiệp tương đồng đáng kinh ngạc nhưng lại trải qua hoàn cảnh trưởng thành khác nhau.

Bà Lisa Su sinh ra ở thành phố Đài Nam (Đài Loan), còn ông Jensen Huang sinh ra tại Đài Bắc. Lisa Su sau đó chuyển đến Mỹ, nơi bà lớn lên ở thành phố New York (Mỹ) và học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Jensen Huang sống ở bang Washington và Kentucky (Mỹ) trước khi định cư tại bang Oregon. Ông theo học tại Đại học Bang Oregon sau đó.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Lisa Su chia sẻ rằng bà có một gia đình rất đông đúc mà Giám đốc điều hành AMD thường đến thăm khi trở về Đài Loan.

“Bố tôi có khoảng 9 anh chị em và mẹ tôi có khoảng 6 người, nên đó là gia đình rất lớn. Vì vậy, tôi có rất nhiều anh chị em họ, cô dì, chú bác”, Giám đốc điều hành AMD nói.

Jensen Huang đưa Nvidia dẫn đầu trong lĩnh vực chip AI, trong khi Lisa Su cũng đang biến AMD trở thành đối thủ đáng gờm.

Việc "về nhì" dường như đã trở nên quen thuộc với AMD. Trước đây, AMD từng đứng sau Intel ở lĩnh vực chip máy tính và máy chủ trong nhiều năm. Khi AI bùng nổ và nhu cầu chip cho trung tâm dữ liệu tăng nhanh, AMD tiếp tục trở thành cái tên thách thức lớn nhất với Nvidia.

"Trong lịch sử, AMD luôn đứng thứ hai trong hầu hết lĩnh vực mà họ cạnh tranh, nhưng đều là những mảng hấp dẫn", nhà phân tích Harsh Kumar của ngân hàng đầu tư Piper Sandler nói với trang Investors.

Được xem là đối thủ số một của Intel một thời, AMD từng trên đà sụp đổ khi cổ phiếu có lúc xuống mức 2 USD. Song sau khi đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành năm 2014, Lisa Su đã đưa AMD trở lại đường đua.

Trên thị trường chip AI, Nvidia củng cố vị thế gần như tuyệt đối. Sau khi AMD tăng cường hiện diện trên thị trường chip AI năm ngoái, Nvidia đã chuyển sang chiến lược công bố mẫu chip chủ lực hàng năm, thay vì chu kỳ hai năm như trước.

"Khách hàng xây dựng trung tâm AI lớn cần có sự lựa chọn. Bất kỳ thị trường nào bị thống trị bởi một nhà cung cấp duy nhất đều khiến họ khó chịu. Sự cạnh tranh nên diễn ra", nhà phân tích Patrick Moorhead của hãng Moor Insights & Strategy nói.

Lợi thế lớn nhất của AMD là giá sản phẩm rẻ hơn Nvidia. Tuy nhiên, theo hãng Moorhead của Moor Insights & Strategy, AMD khó có thể vươn lên dẫn đầu.

"AMD sẽ phải nỗ lực rất nhiều để trở thành số một. Họ cần tấn công ở tất cả vũ trụ", nhà phân tích Harsh Kumar của Piper Sandler bình luận.

Ông Jensen Huang nhận giải thưởng cao nhất của VinFuture 2024

GPU (bộ xử lý đồ họa) của Nvidia thúc đẩy hàng loạt đột phá trong nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, phát triển hệ thống tự động. Nhờ đó, ông Jensen Huang đã nhận được giải thưởng cao nhất của VinFuture 2024 (trị giá 3 triệu USD) tại Việt Nam tối 6.12 cùng 4 nhà khoa học khác là Yoshua Bengio, Geoffrey E. Hinton, Yann LeCun (3 người được gọi là “cha đẻ AI”), Fei-Fei Li vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Đồng sáng lập Nvidia, ông Jensen Huang được ghi nhận với vai trò lãnh đạo mang tầm nhìn chiến lược, phát triển nền tảng CUDA (kiến trúc thiết bị tính toán hợp nhất) giúp lập trình GPU để xử lý hiệu quả các yêu cầu tính toán khổng lồ của học sâu.

CUDA đơn giản hóa lập trình GPU bằng cách cung cấp nền tảng mở rộng các ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn. Điều này đồng nghĩa CUDA cho phép nhà phát triển sử dụng GPU cho nhiều tác vụ, gồm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, lập mô hình tài chính và quan trọng nhất là AI. Việc phát hành CUDA ban đầu không gây chú ý quá lớn, nhưng vài năm sau, nó đã trở thành sản phẩm đột phá của Nvidia.

Đột phá này đã cho phép huấn luyện nhanh chóng các mạng thần kinh nhân tạo (nơ-ron) và khiến GPU trở thành công cụ thiết yếu trong việc nghiên cứu và phát triển AI trên toàn thế giới. Ông Jensen Huang với Nvidia đã thúc đẩy hàng loạt đột phá trong các lĩnh vực như nhận diện giọng nói tự động, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, robot và phát triển hệ thống tự động.

Đầu những năm 2010, AI không được các nhà khoa học máy tính ưa chuộng. Song sau đó, mạng thần kinh nhân tạo bắt đầu có những tiến bộ đáng kể. Với GPU đã sửa đổi bằng CUDA, mạng thần kinh có thể được đào tạo nhanh hơn tới 100 lần so với CPU truyền thống.

Ông Jensen Huang và các kỹ sư nhanh chóng hành động. Giám đốc điều hành Nvidia tin rằng mạng thần kinh sẽ cách mạng hóa xã hội và một lần nữa dốc toàn lực. Nvidia chuyển từ doanh nghiệp đồ họa sang tập trung vào phần cứng cho các ứng dụng AI. Năm 2016, tỷ phú người Mỹ gốc Đài Loan tự tay bàn giao siêu máy tính AI đầu tiên cho OpenAI. Năm 2017, các nhà nghiên cứu bắt đầu phát triển thứ sau này trở thành ChatGPT.

Sau khi OpenAI trình làng ChatGPT vào tháng 11.2022, nhu cầu với GPU Nvidia cực lớn với các hãng cần đào tạo các mô hình AI. "Có một cuộc chiến về AI đang diễn ra ngoài kia và Nvidia hiện là nhà phân phối vũ khí lớn nhất", Srini Pajjuri, quản lý tại công ty Raymond James, nhận định.

Nhà sáng lập TSMC mời Jensen Huang nắm giữ vị trí cao nhất nhưng bị từ chối

Nhà sáng lập TSMC - Morris Chang từng mời làm giám đốc điều hành gã khổng lồ chip Đài Loan này hơn một thập kỷ trước, nhưng bị từ chối chỉ sau 10 phút.

Morris Chang (năm nay 93 tuổi) chia sẻ điều này cuối tháng 11 trong tập hồi ký mới nhất của mình, kể lại cuộc đời ông từ năm 1964 đến 2018.

Tập ​​thứ hai trong cuốn hồi ký của Morris Chang kể về 25 năm làm việc tại hãng Texas Instruments (Mỹ) và quá trình thành lập TSMC (Đài Loan) vào năm 1987, sau tập đầu tiên, về cuộc sống thời thơ ấu của ông, được xuất bản năm 1998. TSMC hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, còn Nvidia là hãng chip AI số 1 thế giới.

Tập thứ hai kể lại một số giao dịch của TSMC với các khách hàng lớn như Apple và Qualcomm, cũng như việc Intel từ chối lời mời đầu tư vào TSMC những năm 1980 trước khi trở thành một khách hàng quan trọng.

Morris Chang còn mô tả tình bạn kéo dài hơn hai thập kỷ của mình với Jensen Huang, người biến Nvidia thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới khi sự quan tâm đến AI tăng vọt.

Hai người đàn ông này thường xuyên khen ngợi nhau trước công chúng nhiều năm qua, với việc Jensen Huang ghi nhận công lao của Morris Chang trong việc Nvidia thành công như ngày nay.

Trong cuốn sách, Morris Chang cho biết khi tìm kiếm người kế nhiệm vào năm 2013, ông coi Jensen Huang là ứng cử viên lý tưởng vì phẩm chất, kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức về ngành bán dẫn.

"Tôi đã dành khoảng 10 phút để giải thích ngắn gọn về kỳ vọng sâu sắc của mình với TSMC", Morris Chang nhớ lại. Ông cho biết Jensen Huang đã kiên nhẫn lắng nghe nhưng trả lời: "Tôi đã có công việc rồi".

Vài tuần sau, Morris Chang thử thuyết phục lần nữa, nhưng Jensen Huang vẫn kiên quyết từ chối.

"Câu trả lời của Jensen Huang với tôi rất chân thành: 'Tôi đã có việc rồi!' Công việc đó đã đưa Nvidia lên vị trí như ngày nay, sau 11 năm", Morris Chang viết.

Nvidia không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về cuốn sách của Morris Chang.

nha-sang-lap-tsmc-tung-moi-ceo-nvidia-nam-giu-vi-tri-cao-nhat-nhung-bi-tu-choi.jpg
Cuốn hồi ký mới phát hành của ông Morris Chang tại một hiệu sách ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 29.11 - Ảnh: Reuters

Morris Chang nói thêm rằng khi Jensen Huang đang lựa chọn đối tác sản xuất chip cho Nvidia, ông sẵn sàng đặt cược mọi thứ vào TSMC.

Về phần mình, TSMC đã cử hai nhân viên sản xuất đến giúp Nvidia vào năm 1998 khi công ty mới nổi này đang thiếu nhân sự.

Morris Chang cũng kể rằng ông đã tiếp cận Gordon Moore, khi đó là Giám đốc điều hành Intel, khi huy động vốn cho TSMC vào những năm 1980.

Intel không đầu tư, nhưng sau đó đã trở thành một trong những khách hàng của TSMC, ký hợp đồng sản xuất chip laptop mới nhất.

Morris Chang cho biết Pat Gelsigner (cựu Giám đốc điều hành Intel) đã đặt mục tiêu biến Intel thành một công ty sản xuất chip theo hợp đồng từ năm 2021.

Dù chúc nỗ lực này thành công, Morris Chang nói mô hình kinh doanh lâu đời của Intel, tập trung vào sản xuất chip nội bộ, có thể khiến việc này trở nên khó khăn. Lý do vì các nhà sản xuất hợp đồng chế tạo chip do công ty khác thiết kế. Ví dụ, TSMC sản xuất chip do Apple và Nvidia thiết kế.

Intel không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chuyện này.

Bài liên quan
Nvidia hy vọng lặp lại thành công lớn với tham vọng chiếm lĩnh thị trường robot đang phát triển mạnh
Mặc chiếc áo khoác da đen đặc trưng, ​​Jensen Huang dang rộng cả hai cánh tay, chỉ về phía những robot hình người đứng cạnh mình trong tiếng vỗ tay của khán giả. "Kích cỡ khoảng bằng tôi", Giám đốc điều hành Nvidia nói đùa trên sân khấu tại triển lãm công nghệ Computex 2024 ở Đài Loan hồi tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cơ chế cho trung tâm tài chính phải là ‘những cái người ta cần, không phải cái chúng ta có’
9 giờ trước Tài chính và đầu tư
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc triển khai xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) phải có các cơ chế, chính sách vượt trội. Các cơ chế chính sách phải là “những cái người ta cần, không phải là những cái chúng ta có”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO AMD hé lộ điều bất ngờ về mối quan hệ họ hàng với CEO Nvidia khi là đối thủ cạnh tranh