Nghĩ rằng chỉ cần kiếm được học bổng đi du học, tôi sẽ làm vơi bớt một phần gánh nặng trên đôi vai ba mẹ vốn đã quá cực khổ. Nhưng tôi đã lầm, du học không chỉ là việc chinh phục ước mơ, nó còn là những đắng cay và nước mắt!

'Nhà nghèo mà đua đòi du học'

28/04/2014, 08:05

Nghĩ rằng chỉ cần kiếm được học bổng đi du học, tôi sẽ làm vơi bớt một phần gánh nặng trên đôi vai ba mẹ vốn đã quá cực khổ. Nhưng tôi đã lầm, du học không chỉ là việc chinh phục ước mơ, nó còn là những đắng cay và nước mắt!

“Nhà nghèo mà đua đòi du học”. Tôi đã nghe được câu nói này ít nhất là mười lần, nhưng đó chỉ là số lần người ta nói thẳng trước mặt, còn những lời bàn tán, xì xầm sau lưng thì tôi không tài nào đếm nổi. Tôi nghèo, đó là sự thật tôi không thể nào chối cãi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặc cảm hay tự ti về gia đình mình. Mẹ tôi bán xôi ở Phú Nhuận, ba thì làm tài xế cho một khách sạn, chị gái mới tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định, nhà còn hai đứa em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học.

Chính hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, tôi quyết định phải kiếm cho được học bổng du học để bản thân không còn là gánh nặng cho bố mẹ nữa. Rồi khi ước mơ thành sự thật, tôi giành được một suất du học ở Phần Lan với học bổng toàn phần – không phải đóng bất cứ một khoản học phí nào trong suốt bốn năm học tập tại đây, nhưng đổi lại tôi phải tự túc các chi phí ăn ở, di chuyển… tôi lại cảm thấy hối hận vì một lần nữa, đôi vai ba mẹ lại thêm nặng gánh vì sự suy nghĩ nông cạn của tôi.

Để lo các thủ tục cho tôi được đi du học, ba mẹ đã phải vay mượn họ hàng và cầm giấy tờ nhà cho ngân hàng để chứng minh khả năng tài chính. Chứng kiến sự vất vả ấy, tôi đã tự nhủ trong lòng, qua bên đó nhất định phải đi làm, phải kiếm được tiền để tự lo phần nào cuộc sống của mình, phải học thật tốt để không làm ba mẹ thất vọng.

Nhưng chính sự quyết tâm đó lại trở thành áp lực cho tôi khi sống ở nơi đất khách trong thời gian đầu mới qua. Bị sốc vì mức sống ở đây cao hơn nhiều so với ở Việt Nam, giá cả khi quy ra tiền Việt cũng khá lớn nên lúc nào tôi cũng phải tính toán sao cho từng đồng tiền mình sử dụng đều hợp lý và đúng mực. Tôi lao vào kiếm việc làm thêm và cuối cùng cũng được nhận vào làm phục vụ cho cửa hàng thức ăn nhanh của một ông chủ người châu Á. Ông chủ khá tốt với nhân viên chúng tôi, nhưng do khác biệt về ẩm thực, không quen ăn fastfood thường xuyên như gà rán, hamburger… cộng thêm việc vừa đi học vừa đi làm, tôi bị kiệt sức và sút cân nhanh chóng trong ba tháng đầu mới qua.

Từ một cô gái 18 tuổi vô tư vô lo, tôi phải học cách mạnh mẽ và trưởng thành lên. Lần đầu tiên sống xa nhà như thế cộng thêm sự khác biệt về văn hoá giữa nước ta và nước bạn thật sự là áp lực không nhỏ cho những du học sinh như tôi. Người Việt Nam vốn sống tình cảm nhưng người nước ngoài lại rất sòng phẳng với nhau. Ngay cả vợ chồng cũng sòng phẳng, đồ ai mua nấy ăn. Lúc đầu tôi cũng sốc lắm, mình đối xử với người ta tốt vậy mà cái gì người ta cũng tính toán với mình. Nhưng riết rồi cũng quen. Dần dần tôi học được cách sống không bao giờ nhượng bộ trong bất cứ vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của mình.

Thời gian trôi qua khá nhanh, mới đó mà tôi đã du học ở Phần Lan được gần ba năm – một khoảng thời gian không quá ngắn cũng không là quá dài nhưng nó đủ để tôi học được cách thích nghi với môi trường mới để tự mình vượt qua những khó khăn, thử thách ở đây. Giờ tôi đã chủ động hơn trong việc ăn uống của bản thân, tự đi chợ và nấu nướng, để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa tạo được hương vị quê nhà trong mỗi món ăn mình nấu. Mặc dù hiện nay tôi vẫn đi học song song với việc làm thêm nhưng tôi đã biết cách để bản thân không bị kiệt sức, đồng thời vẫn duy trì được thành tích tốt trong học tập ở trường.

Du học không đồng nghĩa với sự sung sướng tuyệt đối nhưng cũng không có nghĩa du học chỉ toàn là những đắng cay. Cái gì cũng có hai mặt của nó, nhìn nhận thế nào là tuỳ thuộc vào mỗi người. Khó khăn, trở ngại khi tiếp xúc với những điều mới mẻ là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta phải biết cách tự lập để vượt qua nó. Khi ấy việc du học đối với chúng ta chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Câu chuyện của tôi, không nhằm khoe khoang, chỉ nhằm đưa ra một thông điệp đối với các bạn có hoàn cảnh như tôi: đừng từ bỏ ước mơ của bạn cho dù bạn không có đủ điều kiện đi chăng nữa. Hãy cứ ước mơ đi vì không ai đánh thuế ước mơ cả. Ước mơ sẽ cho ta động lực để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống!

Mai Anh (viết theo lời kể của một du học sinh đại học khoa học ứng dụng Phần Lan)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nhà nghèo mà đua đòi du học'