Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn cần phải xử lý, như cán cân ngân sách rơi vào tình trạng xấu do nợ công quá cao và bội chi ngân sách tăng trong khi thu không đủ để bù chi.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nền kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn

Nhàn Đàm | 29/06/2016, 11:56

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn cần phải xử lý, như cán cân ngân sách rơi vào tình trạng xấu do nợ công quá cao và bội chi ngân sách tăng trong khi thu không đủ để bù chi.

Bất chấp những tác động tiêu cực đang ngày càng nhiều trên thị trường thế giới do sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), mối quan tâm hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam những ngày này đang được tập trung vào một mốc thời điểm được xem là quyết định – ngày 1.7, thời điểm Chính phủ công bố kế hoạch gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp với doanh nghiệp và người dân. Đó được coi là một Brexit của riêng Việt Namvà theo hướng hoàn toàn tích cực; thậm chícòn có sự tác động không nhỏ từ Brexit ở châu Âu, khi nó góp phần tăng thêm động lực như một thách thức để đổi mới ở Việt Nam hiện tại. Cũng tương tự như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể giữ mục tiêu tăng trưởng được đánh giá là cao hơn thực tếnhư một thách thức để đổi mới.

Câu chuyện đặt mục tiêu tăng trưởng lại một lần nữa được đặt ra trước giờ G – thời điểm Chính phủ sẽ công bố gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh trái phép và không phù hợp vào ngày 1.7 tới đây. Tại hội thảo “Kinh tế 2016 - 2017, tự chủ vượt qua thử thách và đón đầu xu thế dịch chuyển kinh doanh” do tổ chức giáo dục PTI tổ chức chiều 26.6, vấn đề mục tiêu tăng trưởng đối với nền kinh tế một lần nữa được đặt ra. Phần lớn ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục duy trì nguyên tắc chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP trong thời gian tới, do đây là một chỉ số không đánh giá và phản ánh đúng được thực trạng và các vấn đề mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn cần phải xử lý, như cán cân ngân sách rơi vào tình trạng xấu do nợ công quá cao và bội chi ngân sách tăng trong khi thu không đủ để bù chi. Trong khi đó các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đang trở nên xấu đi, chẳng hạn như nông nghiệp, do tình trạng hạn mặn xảy ra ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long khiến cho tăng trưởng GDP trong nông nghiệp giảm 1,23% trong quý I; tăng trưởng công nghiệp cũng suy giảm khi thấp hơn cùng kỳ 2015 (chỉ đạt 6,72% trong quý I so với mức 8,74% năm 2015).

Cùng quan điểm còn có TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, khi cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện đang có quá nhiều bất ổn, khi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho công đoạn gia công rồi xuất khẩu sang các thị trường phương Tây. Mô hình tập trung vào gia công có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về lâu dài có thể kìm hãm sức sống và khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Quan điểm chung của các chuyên gia đưa ra trong hội nghị lần này, đó là cần tăng cường coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới việc dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng;không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng có phần cao hơn khả năng đã đặt ra trong năm 2016 là 6,7%, và chỉ cần đạt được 6,5% đã là rất tốt. Trên thực tế, đúng là việc chạy theo tốc độ tăng trưởng đề ra hàng năm được xem là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam không đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong những năm trở lại đây, khi nó quá tập trung vào vấn đề tăng tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá thay vì tập trung vào giải quyết các vấn đề vĩ mô đáng lưu ý của nền kinh tế. Bản thân chỉ số tăng trưởng GDP của nền kinh tế cũng không phản ánh được quá nhiều điều, và nhiều quốc gia trên thế giới đang dần chuyển sang sử dụng chỉ số tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, trong đó có Việt Nam khi kế hoạch “Tầm nhìn 2035” đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 7.000 USD/người/năm.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nếu như ở một thời điểm khác, khi Chính phủ có khá nhiều công cụ can thiệp để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như ý muốn và khiến cho các vấn đề thực sự cần được giải quyết của nền kinh tế bị bỏ qua không được đoái hoài; thì ở thời điểm hiện tại điều này đã thay đổi. Chính phủ ở thời điểm hiện tại không có nhiều công cụ có khả năng can thiệp vào nền kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như ý muốn như trước. Cả hai công cụ vẫn thường được sử dụng trước đây để tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP là tăng đầu tư công dựa vào ngân sách và nhất là tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô, lại đang mất dần tác dụng ở thời điểm hiện tại, chủ yếu do áp lực nặng nề về ngân sách quốc gia do nợ công tăng cao và bội chi ngân sách quá lớn, và do sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu thế giới.

Vì thế, khi khả năng sử dụng các công cụ như đầu tư công và xuất khẩu dầu thô đã không còn nhiều tác dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, thì việc Chính phủ vẫn cam kết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% - được các chuyên gia kinh tế đánh giá là khó có khả năng đạt được trong năm 2016, có thể xem như một động lực để thúc đẩy cải cách, một thách thức để đổi mới. Theo báo cáo của Chính phủ, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng khoảng 5,9%, thấp hơn mục tiêu cả năm là tăng 10% so với năm 2015. Sự sụt giảm khá mạnh về xuất khẩu – động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cộng với sức ép ngân sách và giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh, đang khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Không khó để nhận ra, để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, giải pháp duy nhất cho Việt Nam là giải phóng tiềm năng của nền kinh tế ở mức cao nhất có thể. Và Chính phủ hiện nay đang dồn phần lớn quyết tâm vào việc giải phóng tiềm lực của nền kinh tế, thông qua việc tháo gỡ các điều kiện kinh doanh và mở rộng cửa môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉ khi tiềm lực của nền kinh tế được giải phóng và nền kinh tế nội địa có sức bật lớn, thì khi đó Việt Nam mới có thể nghĩ đến việc không theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, hay việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thoát khỏi mô hình dựa vào gia công và phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Muốn thoát khỏi tình trạng đặt nặng vào tốc độ tăng trưởng GDP, thì trước hết cần phải vượt qua được chính mục tiêu tăng trưởng GDP trước đã.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nền kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn