Nếu đối chiếu với bản đề xuất bao gồm 7 kiến nghị lớn mà TP.HCM đề xuất lên Chính phủ, thì có thể thấy những vấn đề mà Chính phủ phân cấp cho TP.HCM trong nội dung bài phát biểu của Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết trong số 7 kiến nghị lớn đó.

TP.HCM đã được trao 'thượng phương bảo kiếm' để phát triển?

Nhàn Đàm | 29/06/2016, 09:47

Nếu đối chiếu với bản đề xuất bao gồm 7 kiến nghị lớn mà TP.HCM đề xuất lên Chính phủ, thì có thể thấy những vấn đề mà Chính phủ phân cấp cho TP.HCM trong nội dung bài phát biểu của Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết trong số 7 kiến nghị lớn đó.

Đã có thể kỳ vọng về một cơ chế đặc thù dành riêng cho sự phát triển trong tương lai của TP.HCM như chính quyền thành phố đã kiến nghị và yêu cầu trong thời gian vừa qua, đó là kết quả đạt được tại buổi làm việc của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành với UBND TP.HCM trong ngày 27.6. Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục được nới lỏng và phân cấp nhiều quyền hạn hơn cũng như được phép thí điểm những vấn đề chưa có luật hoặc luật chưa quy định, như một sự giải phóng tiềm năng phát triển của thành phố ở một mức độ nhất định. Đây có thể xem như một điểm tích cực cho sự phát triển trong tương lai của đầu tàu kinh tế quan trọng nhất cả nước, thậm chí có thể được xem là một cơ chế đặc thù nhiều tiềm năng, dù có thể nó không được như những gì chính quyền thành phố đã kỳ vọng và chờ đợi.

Chuyến công tác và làm việc trong ngày 27.6 vừa qua của Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành tại UBND TP.HCM được xem là một sự kiện quan trọng, khi nó được coi là sẽ đưa ra câu trả lời rốt ráo cho đề xuất của chính quyền thành phố xin được cấp một cơ chế đặc thù riêng để giải phóng tiềm năng phát triển của thành phố trong tương lai. Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn nhất trong xã hội và nền kinh tế trong nhiều tháng qua, do vai trò và tầm quan trọng của TP.HCM đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước, khi thực tế đã chỉ ra những trung tâm kinh tế tại các nước lân cận trong khu vực như Thâm Quyến ở Trung Quốc, Bangkok ở Thái Lan luôn cần những cơ chế đặc thù riêng để giải phóng tối đa tiềm năng phát triển.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách nền kinh tế, thì việc trao quy chế đặc thù cho TP.HCM lại càng trở thành một vấn đề đáng chú ý hơn. Cải cách nền kinh tế một cách toàn diện trên thực tế không chỉ dừng lại ở các giải pháp mang tính phổ quát không phân biệt các tỉnh thành,chẳng hạn như việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển mà không cần phân biệt các tỉnh thành hay vùng miền; mà cải cách nền kinh tế còn diễn ra theo khía cạnh phân bổ nguồn lực cho các tỉnh thành trên toàn quốc một cách hợp lý nhất có thể.

Một thực tế là những trung tâm kinh tế và tài chính của cả nước như TP.HCM hay Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách cao hơn các tỉnh thành khác rất nhiều. Ngoài ra, các trung tâm này chiếm một tỷ lệ lớn số lượng các doanh nghiệp trên cả nước tập trung về các thành phố này. Chẳng hạn như tại TP.HCM, số doanh nghiệp đang hoạt động tại đầu tàu kinh tế quan trọng nhất cả nước này hiện đang lên tới hơn 200.000 DN, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc. Vì thế, một cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển cũng là một giải pháp hướng tới hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Vì lý do đó, rất nhiều người đã kỳ vọng Nhà nước và Chính phủ sẽ cấp cho TP.HCM một cơ chế riêng để tạo điều kiện tối đa cho kinh tế thành phố phát triển, tương tự như những gì Thâm Quyến ở Trung Quốc, Seoul ở Hàn Quốc hay Bangkok ở Thái Lan đã làm được. Bản thân Thủ tướng trong buổi làm việc cũng thừa nhận rằng TP.HCM hiện nay đang phát triển dưới mức tiềm năng cho phép: “TP.HCM có diện tích lớn hơn Bangkok 30%, dân số tương đương nhưng tổng GDP tạo ra chỉ bằng một phần ba Bangkok. Chỉ riêng xuất khẩu tại chỗ của Bangkok thông qua hoạt động du lịch cũng cao gấp nhiều lần so với du lịch của TP.HCM”. Tình trạng hạn chế tiềm năng phát triển của TP.HCM do thiếu một cơ chế phù hợp đượcBí thư thành phố phát biểu tóm gọn trong buổi làm việc: “Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu Diesel mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử. TP.HCM là của cả nước, vì cả nước, nên giải quyết cơ chế cho thành phố cũng là cho cả nước”.

Điều này xuất phát từ một thực tế là tăng trưởng của TP.HCM đã chậm lại so với cách đây 5 năm, một phần lớn là do các nguồn lực mà chính quyền thành phố có thể huy động đang ngày một hạn hẹp đi. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM thì tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM đang có xu hướng giảm dần qua từng thời kỳ: giai đoạn 2001-2006 thành phố được hưởng 29% trên tổng giá trị thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đến giai đoạn 2007-2010 chỉ còn 26%, sang giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 23%. Ngoài ra, các vấn đề quan trọng trong phát triển và quản lý nền kinh tế cũng chưa được phân cấp hoàn toàn cho chính quyền thành phố, dẫn đến sự chậm trễ và thiếu hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề phát sinh vốn có tần suất khá lớn tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này.

Nhận thức được sự hạn chế đó, Thủ tướng trong buổi làm việc với UBND TP.HCM đã công bố những quyết định của Chính phủ cho phép nâng mức phân cấp quyền hạn cho chính quyền thành phố để đáp ứng các yêu cầu phát triển. Cụ thể là “tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP.HCM trong một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng tính tự chủ của thành phố về ngân sách, quyết định một số khoản thu, kế hoạch đầu tư, tổ chức nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính phù hợp với điều kiện của thành phố. Thành phố chủ động phối hợp với các bộ ngành Trung ương liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định các nội dung đề xuất”. Và đặc biệt nhất là việc Thủ tướng nhấn mạnh “cái gì chưa có luật thì cho thành phố thí điểm, đồng thời phân cấp ủy quyền rốt ráo hơn cho TP.HCM phát triển”.

Nếu đối chiếu với bản đề xuất bao gồm 7 kiến nghị lớn mà TP.HCM đề xuất lên Chính phủ, thì có thể thấy những vấn đề mà chính phủ phân cấp cho TP.HCM trong nội dung bài phát biểu của Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết trong số 7 kiến nghị lớn đó. Điều này có nghĩa là, chính quyền TP.HCM sẽ được phân cấp và tự chủ hơn hẳn so với trước đây trong một loạt các lĩnh vực trọng yếu, như thu và quản lý ngân sách, đồng thời tổ chức nhân sự và thẩm quyền xử phạt hành chính. Đặc biệt là việc TP.HCM có thể được phép thí điểm những vấn đề chưa được quy định bởi luật. Đây có thể xem như một "thượng phương bảo kiếm" rất quan trọng với TP.HCM – một thành phố trung tâm kinh tế luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, đa dạng và phức tạp, cần được xử lý và giải quyết linh hoạt thay vì cứng nhắc theo quy định.

Vì thế, có thể coi đây như một cơ chế đặc thù cho sự phát triển trong tương lai của TP.HCM. Về cơ bản nó đã tăng quyền hạn và không gian hoạt động của chính quyền thành phố lên mức đáng kể hơn rất nhiều so với trước đây, và chính quyền thành phố gần như đã có thể tự chủ quyết định trong gần như tất cả các vấn đề quan trọng nhất. Từ những tin tức tích cực từ TP.HCM, chỉ vài ngày trước thời điểm Chính phủ sẽ công bố tháo gỡ các điều kiện kinh doanh không phù hợp và trái luật, có thể kỳ vọng vào những kết quả đáng mừng không kém sẽ đến vào ngày 1.7 tới.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Điện lực TP.HCM tăng cường bảo mật thông tin khách hàng
Cùng với xu thế cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, ngành điện đã và tiếp tục hoàn thiện những công cụ mang lại tiện ích tốt nhất để khách hàng trải nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đã được trao 'thượng phương bảo kiếm' để phát triển?