Tổ chức khủng bố IS cùng những nhóm quân nổi dậy ở nhiều nước hiện đã có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) cho các mục đích quân sự. Tình trạng này buộc các nước phải nâng cao công nghệ chống UAV để bảo vệ an ninh quốc phòng.

Nguy cơ UAV giá rẻ trong tay các lực lượng khủng bố

25/04/2018, 17:31

Tổ chức khủng bố IS cùng những nhóm quân nổi dậy ở nhiều nước hiện đã có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) cho các mục đích quân sự. Tình trạng này buộc các nước phải nâng cao công nghệ chống UAV để bảo vệ an ninh quốc phòng.

Lực lượng Mỹ tìm thấy một máy bay không người lái của IS tại Mosul, Iraq - Ảnh: Reuters

Cuộc không kích sử dụng UAV đầu tiên được Mỹ thực hiện tại Afghanistan vào ngày 7.10.2001. Chiếc Predator tiếp cận nơi thủ lĩnh Mullah Omar và các chỉ huy cấp cao của Taliban đang tập trung, nhưng chỉ làm nổ tung được một xe tải bên ngoài. Những kẻ bị tấn công đã lập tức tẩu thoát.

Qua hơn 16 năm, công nghệ UAV đã đem lại cuộc cách mạng cho phương thức tác chiến của quân đội Mỹ. Những máy bay loại này được sử dụng tại các chiến trường trên đất liền, trên biển, trên không và trong tương lai có thể là trên vũ trụ.

Nhưng không phải chỉ có những cường quốc quân sự hàng đầu mới dùng tới UAV. Sự ra đời của những máy bay không người lái giá rẻ khiến nhiều đối tượng không có nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu, phát triển quân sự cũng sở hữu được chúng. Theo Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), có hơn 90 quốc gia và tổ chức phi quốc gia có UAV, và 30 trong số ấy đã quân sự hóa loại máy bay này.

Hiện tại, các nhóm khủng bố cũng đủ khả năng xây dựng những phi đội UAV, mặc dù công nghệ thấp nhưng vẫn gây ra sát thương. Ví dụ tổ chức khủng bố IS đã nhập khẩu và chế tạo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn UAV giá rẻ và tiện lợi, sau đó dùng để tấn công kẻ thù trên các chiến trường ở Iraq và Syria. Khi căn cứ tại Mosul của IS sụp đổ năm 2017, quân đội Iraq phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất UAV.

Những phi đội UAV của IS đã thu hút được sự chú ý rộng rãi khi tiến hành thả những vật liệu nổ cỡ nhỏ vào các lực lượng Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ hay dân quân người Kurd chống khủng bố. Loại UAV dùng một lần, bay đến gần mục tiêu rồi phát nổ, cũng được sử dụng.

Các nhóm phiến quân Sunni khác như Ahrar al-Sham và Jund al-Aqsa cũng dùng đến UAV, mặc dù quy mô không lớn như bọn IS.

Quân nổi dậy dùng UAV cho nhiều mục đích khác nhau - Ảnh: Getty Images

Sarah Kreps, chuyên gia về máy bay không người lái và là giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết các nhóm quân nổi dậy đã học hỏi chiến thuật của những cường quốc quân sự. Chúng sử dụng UAV, đánh giá khả năng của vũ khí, cải tiến rồi lại đưa vào sử dụng.

Tại Yemen, phiến quân Houthi đang dùng đến UAV tấn công liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Chiếc Qasef-1 của nhóm này khá giống Ababil do Iran sản xuất, mang được một đầu đạn nặng 65 pound, đủ sức công kích sân bay và những nhà máy lọc dầu của Riyadh.

UAV của Houthi đã được sử dụng để phá hủy hệ thống radar phát hiện tên lửa của Ả Rập Saudi. Những chiếc máy bay này được lập trình đi theo tọa độ do định vị GPS xác lập và đâm vào các hệ thống radar như một chiếc tên lửa.

Tại Ukraine, lực lượng đòi ly khai ở khu vực Donbass vào năm ngoái đã dùng UAV thả lựu đạn vào một kho đạn của Kiev.

Không chỉ dùng cho mục đích tấn công

Ngoài mục đích tấn công, UAV còn có ích cho công tác tuyên truyền. Những đoạn phim ghi lại nhiều cuộc tấn công bằng bom, được quay bởi UAV sẽ xuất hiện trên phương tiện truyền thông của IS.

Theo Paul Scharre, Giám đốc Chương trình Công nghệ và an ninh quốc gia của CNAS, giá trị thực sự của UAV là khả năng trinh sát. Nhưng máy bay không người lái cỡ nhỏ, giá rẻ cũng có thể hoạt động trong thời gian dài, qua đó cung cấp cho bộ binh cái nhìn tốt hơn về chiến trường.

UAV có thể giúp phiến quân theo dõi lực lượng quân đội của các chính phủ - Ảnh: Getty Images

Kể từ năm 2014, phạm vi hoạt động lẫn sức mạnh của nhóm Boko Haram đã giảm đáng kể. Tuy vậy cho đến nay, nhóm quân cực đoan này vẫn đang dùng UAV theo dõi lực lượng quân đội Nigeria và Cameroon luôn lăm le tấn công.

Trong năm 2017, nhóm phiến quân ủng hộ IS chiếm đóng Marawi cũng dùng UAV trinh sát quân đội chính phủ Philippines.

Phát triển năng lực chống UAV

Trung tướng Michael Shields, chỉ huy Cơ quan Ứng phó thiết bị nổ cải tiến liên quân (JIDA) thuộc Lầu Năm Góc, đánh giá các nhóm quân nổi dậy sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ UAV, vì vậy Mỹ phải phát triển cả về trang thiết bị lẫn phần mềm để chống lại những mối đe dọa này.

Vụ tấn công vào căn cứ không quân Khmeimim, nơi quân đội Nga tại Syria đóng quân, chính là lời cảnh báo mới nhất, dù 13 UAV thô sơ đã bị bắn hạ.

Theo ông Scharre: “Chúng ta chưa từng thấy một vụ tấn công quy mô lớn, nhưng nó chắc chắn sẽ xảy ra. Thách thức đặt ra không phải là chống lại 1, mà là 100 chiếc UAV”.

Một vũ khí diệt UAV đang được quân đội Mỹ thử nghiệm - Ảnh: Reuters

Hiện tại, công nghệ này còn khá mới. UAV vẫn dựa vào định vị GPS hay liên kết với người điều khiển, vốn có thể thể bị làm nhiễu. Nhưng trong tương lai, chúng có thể hoạt động độc lập hơn, với khả năng định hướng trực quan để tự tìm và tấn công mục tiêu, vì vậy sẽ khó đối phó hơn.

Ông Scharre khẳng định các công nghệ chống UAV phải được nâng cấp để đảm bảo được an ninh cho quốc gia.

Cẩm Bình (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ UAV giá rẻ trong tay các lực lượng khủng bố