Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang đề xuất nước này bỏ đường 9 đoạn trên Biển Đông để thay thế vào đó bằng đường 1 đoạn liên tục. Họ cho rằng đường liền nét có lợi hơn đường 9 đoạn.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng - SCMP (Hongkong, TQ) đăng hôm 20.4, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng việc dựa vào đường 9 đoạn gãy nét làm suy yếu về quan điểm lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông. Thay vào đó, đường liền nét sẽ giúp tăng thêm sức mạnh cho Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Đường mới này dự tính sẽ thể hiện sự phân chia biển tách vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đi về phía nam sát Malaysia rồi ngược lên phía bắc sát theo bờ biển phía tây Philippines và kết thúc ở đông nam đảo Đài Loan. Có thể nói về cơ bản thì đường liền nét này cũng chỉ là phiên bản nâng cấp của đường 9 đoạn, nối liền các đoạn đứt nét của đường hình lưỡi bò mà thôi.
Chính SCMP cũng thừa nhận rằng trong nhiều thập niên qua, tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông rất mập mờ với việc sử dụng đường biên giới 9 đoạn cũng mơ hồ chẳng kém. Chính vì vậy, thế giới không ai thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc cái ranh giới trên biển giống đường lưỡi bò cả.
Tháng 7.2016, tòa án quốc tế cũng khẳng định rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trong khu vực mà họ tự vạch trên Biển Đông bằng những đường gạch ngang. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghĩ rằng chính những đường gạch ngang không tạo ra sự phân định rõ ràng và khiến họ thua trong cuộc chiến pháp lý.
Giáo sư Zou Jingui, Phó khoa Đo đạc địa chất tại Đại học Vũ Hán cho biết: “Không có cách nào để tính toán diện tích lớn như thế nào nếu chỉ dựa vào các đường gạch ngang. Bạn phải cung cấp cho một máy tính một ranh giới khép kín. Thay thế đường 9 vạch với ranh giới chính xác, liên tục sẽ làm cho công việc trong khu vực này trở nên dễ dàng hơn”
Trong lúc nói thật, các nhà nghiên cứu nói rằng đường 9 đoạn mơ hồ đến mức khi ra biển, họ không biết mình đang ở trong hay ngoài phần "đường lưỡi bò". Khi gặp tàu chiến Mỹ ở đó thì cũng không biết tàu Mỹ đang nằm trong hay ngoài phần đường lưỡi bò nên Trung Quốc không dám ra thông điệp gì cả.
Theo SMCP, dù đề xuất thay thế 9 đường gạch ngang đầy mơ hồ trên Biển Đông đã được đưa ra nhưng nhà đương cục Bắc Kinh sẽ không vội vàng sử dụng đường liền nét thay đường cũ vì họ lo ngại phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới.
Tiến sĩ Ian J.Storey, chuyên gia cao cấp của Viện Yusof Ishak ở Singapore chuyên nghiên cứu về an ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ giữa Đông Nam Á với Trung Quốc, cảnh báo việc thay đổi đường 9 đoạn (sang đường liền nét) sẽ tác động xấu đến tình hình khu vực.
Storey cho biết: “Nếu Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 đoạn, nó sẽ thể hiện sự bãi bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của tòa trọng tài hồi tháng 7.2016. Động thái này sẽ "gây ra mối quan ngại sâu sắc ở các nước Đông Nam Á và xa hơn nữa".
Trước các chất vấn về thay đường 9 đoạn bằng đường liền nét, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận, theo SMCP. Một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông ở Hải Khẩu, Hải Nam cho biết đường liên tục sẽ là một công cụ hữu ích cho một số nghiên cứu khoa học tự nhiên nhưng giờ chưa phải thời điểm để thay đổi.
Trung Quốc hồi năm 2009 công bố yêu sách đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tiếp đến Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) để biến các đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách đường 9 đoạn.
Yêu sách này không được bất cứ quốc gia nào công nhận. Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn các phần diễn giải yêu sách không tuân theo luật quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần bác bỏ tuyên bố phi lý của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn. "Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách "các quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong "đường đứt đoạn" do Trung Quốc đơn phương đưa ra", người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Anh Tú