Phần lớn người Việt ăn theo sở thích, ăn cho ngon miệng mà không tính toán xem lượng thực phẩm mình dùng có đủ dinh dưỡng hay không.

Người Việt ăn nhiều lượng, ít chất!

Một Thế Giới | 24/08/2015, 06:05

Phần lớn người Việt ăn theo sở thích, ăn cho ngon miệng mà không tính toán xem lượng thực phẩm mình dùng có đủ dinh dưỡng hay không.

Nhiều người vẫn lầm tưởng cứ ăn nhiều thịt, cá, chất bổ dưỡng thì cơ thể sẽ khỏe mạnh. Người nghèo gầy yếu vì bữa ăn quá sơ sài đã đành nhưng nhiều người giàu vẫn thiếu dinh dưỡng hoặc béo phì vì ăn uống không đúng cách.
Mỗi lần ăn, nhà như cái chợ!
Chị Nguyễn Mai Anh 36 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội luôn khổ sở vì “tội” nuôi con mãi không lớn. Con gái chị đã 5 tuổi mà chỉ nặng 14,5kg, “nhồi nhét” suốt 1 năm chỉ tăng được 200gr. Con trai 7 tuổi của chị cũng không khá hơn, mới được 20kg, vừa còi vừa thấp.
Mai Anh cho biết chị dành phần lớn thời gian mỗi ngày để lo cho con ăn. Mỗi sáng, chị “nhồi” cho con một cốc sữa ngoại giàu dưỡng chất, một quả trứng, một miếng phô mai. Đến 9 giờ lại thêm bát cháo hải sản; trưa, tối cũng ê hề các món thịt cá. Con không ăn, chị la mắng, thậm chí đánh, bắt nhai nuốt cho hết. Mỗi lần con gái ăn, cả nhà ầm ĩ như cái chợ. Còn cậu con trai sợ mẹ nên chịu khó “nhai rơm” nhưng hầu như bữa nào cũng ăn chưa xong đã đau bụng, phải đi vệ sinh, mỗi tháng 2-3 lần bị phân lỏng.
Trong khi đó, sau khi sinh, chị Phạm Thanh Huyền 30 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty thiết kế ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội lại tăng cân vù vù, cao 1,55m nhưng đã nặng hơn 65kg. Vì thế, chị quyết định nói “không” với các loại tinh bột. Bữa sáng, chị uống ly cà phê với sữa đặc rồi đi làm. Đến trưa, khi đói lả, chị uống tạm cốc nước chanh đường. Buổi chiều, chị cũng chỉ ăn rau với thịt bò và uống thêm lon nước ngọt. Tối đói quá, chị lại ăn đại vài cái bánh quy bơ.
Sau một thời gian, chị Huyền vẫn không giảm được ký nào. Đợt khám sức khỏe mới đây, bác sĩ cho biết chị đã bị tiền tiểu đường, mỡ máu cao. Nghe Huyền kể thực đơn ăn kiêng, bác sĩ lắc đầu cho biết chị đã phạm rất nhiều điều “đại kỵ” về giảm cân.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, cho biết thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt đang có vấn đề. Phần lớn người Việt ăn theo sở thích, cho ngon miệng mà không tính toán xem lượng thực phẩm mình ăn vào có đủ dinh dưỡng hay không. Ngay cả những gia đình kinh tế khá giả cũng rơi vào tình trạng “giàu món ăn nhưng nghèo dinh dưỡng”. Rất nhiều gia đình ở thành thị, trẻ thiếu chất dinh dưỡng, còi xương không phải vì thiếu ăn mà vì các bà mẹ thiếu kiến thức về việc nuôi dưỡng con cái.
Mặt khác, tình trạng dân công sở thừa cân, béo bụng cũng ngày càng nhiều. Không ít người thừa nhận bữa ăn của họ thường chóng vánh với nhiều thức ăn nhanh, ít rau, nhiều chất béo, nhiều đường.
Không nên bỏ ăn sáng
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y), hình ảnh khá phổ biến ở các bữa cơm Việt là nhiều người sau khi ăn xong cứ luôn tay xoa bụng, miệng thì kêu “no quá” nhưng cố “nhồi” thêm vài món nữa chỉ vì tiếc đồ ăn. Thói quen ăn này khiến dạ dày quá tải, dễ dẫn đến tình trạng đau, loét hoặc bội thực tiêu hóa. Mặt khác, thói quen chỉ uống khi khát và ít ăn hoa quả cũng khiến nhiều người không nạp đủ 2 lít nước/ngày, để rồi nhanh chóng “kết bạn” với các chứng bệnh đường tiêu hóa.
TS Nguyễn Thị Lâm cho biết bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Chất sinh năng lượng là bột (chiếm 65-70%), đạm (12-14%) và chất béo (18-20%). Rau và hoa quả cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ. Bên cạnh đó, còn phải bảo đảm cân đối về nguồn thức ăn động vật và đạm thực vật. Các thực phẩm chứa nhiều đạm động vật gồm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua và các loại thủy sản. Còn các loại đậu đỗ như đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, đậu quả và vừng lạc là những thực phẩm có hàm lượng đạm thực vật cao.
PGS Lâm khuyến cáo mỗi ngày nên ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau để đủ chất dinh dưỡng, nếu có điều kiện thì nên ăn hơn 20 loại. Nhiều người có thói quen bỏ bữa ăn sáng nhưng điều này không nên bởi lẽ bỏ bữa sáng thì cơ thể sẽ thiếu năng lượng làm việc trong ngày khiến chúng ta ăn nhiều vào buổi trưa và buổi tối - vốn là điều không hợp lý, dễ làm thừa cân, béo phì.
Ảnh hưởng đến nòi giống

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất lượng phần lớn bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, chỉ đáp ứng chỉ tiêu “no bụng” chứ chưa quan tâm đến chất. Khi cơ thể thiếu năng lượng sẽ dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực, đặc biệt là công nhân nữ lứa tuổi 18-25. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nòi giống bởi khi người mẹ thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, gây thiếu máu, sinh con nhẹ cân, kém phát triển.
Theo Ngọc Dung /Người lao động
Bài liên quan
Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo tối ưu hóa quy trình chế biến lương thực - thực phẩm
Ngày 23.11, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức vòng thi bán kết và chung kết cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch - năm 2024, tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt ăn nhiều lượng, ít chất!