“Người tình Havana" là cuốn du ký - tự truyện mới nhất của blogger du lịch Đinh Hằng. Cuốn sách vừa ra mắt và hiện đứng thứ 2 trong danh sách du ký bán chạy trên một trang thương mại điện tử.

‘Người tình Havana’ của Đinh Hằng vào top sách du ký bán chạy nhất

Tiểu Vũ | 23/02/2021, 18:35

“Người tình Havana" là cuốn du ký - tự truyện mới nhất của blogger du lịch Đinh Hằng. Cuốn sách vừa ra mắt và hiện đứng thứ 2 trong danh sách du ký bán chạy trên một trang thương mại điện tử.

cauvongperu.jpg
Tác giả Đinh Hằng tại núi Cầu Vồng ở Peru - Ảnh: Nhân vật cung cấp 

“Tình yêu quan trọng nhất và cũng khó học nhất trên cõi đời này là gì? Là tình yêu dành cho người bạn đời, tình yêu cuộc sống hay tình yêu dành cho chính bản thân mình?”. Có lẽ nhiều người từng tự hỏi mình điều này. Có những người đi tìm tình yêu suốt cả cuộc đời, nhưng không nhận ra có những thứ lớn hơn cả tình yêu.

5 năm trước, Đinh Hằng đã rất thành công với cuốn Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ. Chuyến đi và hành trình tìm lại, nhìn nhận lại giá trị của bản thân, của sự sống ấy kết thúc ở thủ đô Cuba trong cuốn sách Người tình Havana.

Cuốn sách kể về hành trình của người phụ nữ tự hào đã đi qua nhiều sóng gió, tỉnh thức ở dưới đáy sâu cuộc đời và thoát xác để sống một đời không bao giờ phải hối tiếc về sau.

Cô gái dữ dội và mạnh mẽ của Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ ngày ấy đã trở thành người phụ nữ nồng nàn và mẫn tuệ trong Người tình Havana. Chỉ có duy nhất một thứ không hề thay đổi, là sự quyết liệt trong việc lựa chọn cuộc sống của chính mình.

02-copy.jpg
Người tình Havana do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 2.2021

Những chiêm nghiệm trong sách đầy giá trị với những người đọc cũng đang đi cùng hành trình với tác giả - dấn thân vào thế giới, những cung đường và câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại.

Cuba và Havana, qua cuốn sách của Đinh Hằng, hiện lên trước mắt người đọc ngồn ngộn, đầy màu sắc, mùi, vị, thanh âm, vừa nguy nga vừa nhếch nhác, vừa thô lậu vừa lãng mạn. Cuba, đa sắc và đậm vị, dù có những phương diện có thể làm cho ta ghét nhưng cũng là xứ sở khiến nhiều ta yêu, lưu luyến và phải lòng như một người đàn bà đẹp và khó lường, hay một nam nhi phong trần, phóng đãng và tử tế.

dinh-hang-4.jpg
Một ban nhạc chơi những khúc Samba rộn ràng - Ảnh: Đinh Hằng (cung cấp) 

Người tình Havana là tập sách thứ ba của Đinh Hằng, nối tiếp hai cuốn sách trong danh sách bán chạy: Tự truyện - du ký Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ (2015) và du ký Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á (2016).

Đinh Hằng sinh tháng 9.1987, đã dọc ngang thế giới hơn 10 năm, là người viết, chụp ảnh, lang thang, thích chuyện trò với người lạ và tò mò ngắm nhìn thế giới.

Đinh Hằng nhiều lần nói với tôi rằng, với “Người tình Havana”, cô muốn vượt qua “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”. Không phải chỉ là vượt qua theo nghĩa viết hay hơn (tuy “Người tình Havana” viết hay hơn thật). Điều quan trọng hơn với Hằng là vượt qua bản thân mình trước đây vài năm về mặt tâm thức, tính cách. Quả thật, so với “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", tác giả “Người tình Havana” là một người chín chắn hơn, mẫn tuệ hơn, điềm tĩnh hơn.

Cuba, qua cuốn sách của Đinh Hằng, hiện lên trước mắt chúng ta ngồn ngộn, đầy màu sắc, mùi, vị, thanh âm, vừa nguy nga vừa nhếch nhác, vừa thô lậu vừa lãng mạn. Đó thực sự là đất nước duyên dáng đầy quyến rũ (giống như âm nhạc Mỹ Latinh) song đồng thời cũng là quốc gia của sự chật vật, nhiều người kiếm ăn từng ngày một, của những người đàn bà không bao giờ cạn kho từ vựng chửi thề. Cuba, đa sắc và đậm vị, dù có những phương diện có thể làm cho ta ghét, trước hết và trên hết là một xứ sở khiến ta yêu, lưu luyến và phải lòng như một người đàn bà đẹp và khó lường, một nam nhi phong trần, phóng đãng và tử tế. Bởi vậy, dù có thế nào đi nữa, tuy chẳng phải Đinh Hằng chưa từng gặp chuyện không hay ở Cuba, nhưng sâu hơn cả và trên tất cả, còn lại một tình yêu của cô dành cho Cuba và cho một người cụ thể ở đó, một phần của đất nước ấy, hiện thân của quốc gia ấy.

Văn của Người tình Havana đẹp, cái đẹp của sự chuẩn xác, chừng mực, giản dị. Đó là giọng văn của một người làm chủ không chỉ ngòi bút của mình, mà quan trọng hơn là làm chủ tâm trí mình. Với cuốn sách này, Đinh Hằng đã tự vượt qua mình cách đây vài năm, về mọi phương diện. Đó là một điều đẹp không chỉ với một người viết, mà trước hết là với một con người.

Trong và thông qua cuốn sách này, tác giả có những bài học cho bản thân. Các bài học này, một mặt có thể mô tả là “không có gì thực sự mới mẻ”, song mặt khác là những bài học có giá trị vì chúng rút ra từ những trải nghiệm máu thịt của tác giả, một người luôn say mê dấn thân vào đời sống và đồng thời không ngừng suy tư về ý nghĩa của việc mình làm. Bài học này đầy giá trị với những người đọc cũng đang đi cùng một hành trình với tác giả - dấn thân vào thế giới và đồng thời vào câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại.

Thế nhưng rốt cuộc, những nốt cuối cùng của “Người tình Havana” vẫn là âm điệu da diết của một mối tình dang dở, “đẹp và buồn”. Cuốn sách đầy đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Một độc giả giàu tưởng tượng và “lãng mạn” hơn có thể tự hỏi, sẽ như thế nào nếu dựa vào câu chuyện này Đinh Hằng viết một cuốn tiểu thuyết thay vì du ký - tự thuật như “Người tình Havana”. Cố nhiên, Đinh Hằng có lý của mình khi chọn thể loại này. Tuy nhiên, chất lượng văn chương của cuốn sách không khỏi khiến tôi, người biên tập và đồng thời là người đọc đầu tiên, cảm thấy Đinh Hằng có tố chất của một người viết chuyên nghiệp.

Nếu bạn là “fan cứng” của Đinh Hằng từ “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", nhất định bạn sẽ thích và rất thích “Người tình Havana”. Còn nếu đây là lần đầu tiên bạn đọc Đinh Hằng, có thể bạn sẽ có cảm giác vẫn còn “thòm thèm” gì đó, song bạn sẽ nói rằng đây là cuốn sách đáng đọc.

Đọc “Người tình Havana”, độc giả biết được một số điều ít ai nói tới về Cuba, có được bức tranh gần với thực tế hơn về nó. Dù biết mặt tối của Cuba, bạn vẫn muốn đến đó, vẫn sẵn sàng phải lòng Cuba, vẫn mơ đến một ngày mình lưu luyến Cuba. Đạt tới chỗ này, Đinh Hằng làm được điều không phải người viết nào cũng có thể làm. Cuốn sách này gợi cho thấy chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn ở tác giả trong tương lai.

Trần Tiễn Cao Đăng (Nhà văn, dịch giả) 

Bài liên quan
‘Quốc Gia Khởi Nghiệp’ – cuốn sách giải mã kỳ tích Israel
“Quốc Gia Khởi Nghiệp” là câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ Israel, đem đến nguồn cảm hứng vô tận về sức mạnh của sự sáng tạo và khát vọng lớn của mỗi con người tạo nên sức mạnh xây dựng quốc gia, dân tộc ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Người tình Havana’ của Đinh Hằng vào top sách du ký bán chạy nhất