Người tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, nếu mắc COVID-19 mang biến thể Ấn Độ sẽ giảm đến 92% số ca phải nhập viện và không có ai phải tử vong.

Người tiêm vắc xin AstraZeneca khi mắc COVID-19 chủng Ấn Độ sẽ không tử vong

Hồ Quang | 17/06/2021, 19:17

Người tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, nếu mắc COVID-19 mang biến thể Ấn Độ sẽ giảm đến 92% số ca phải nhập viện và không có ai phải tử vong.

Chiều 17.6, Bộ Y tế cho hay, Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE) chính thức công bố về hiệu quả của vắc xin AstraZeneca trong việc chống lại bệnh nhân mắc COVID-19 mang biến thể Delta (B.1.617.2) hay còn gọi là biến thể Ấn Độ.

nguoi-tiem-vac-xin-astrazeneca-khi-mac-covid-19-chung-an-do-se-khong-tu-vong-hinh-anh(1).jpg
Vắc xin AstraZeneca giúp 92% bệnh nhân mắc COVID-19 chủng Ấn Độ không phải nhập viện và không bị tử vong- Ảnh: PV

Theo đó, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ giảm đến 92% số ca nhập viện do nhiễm biến thể Delta và sẽ không có trường hợp nào tử vong. Vắc xin AstraZeneca cũng đạt hiệu quả cao đối với người bị nhiễm biến thể Alpha (B.1.1.7 hay còn gọi là biến thể Kent) giảm đến 86% số ca phải nhập viện và cũng sẽ không có trường hợp nào tử vong.

Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy, đối với bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ, hiệu quả của vắc xin AstraZeneca đạt thấp nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng. Hiệu quả của vắc xin này trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng là 74% đối với biến chủng Alpha và 64% đối với biến chủng Delta.

Kết quả trên dựa trên phân tích được thực hiện ở 14.019 trường hợp nhiễm biến thể Delta ở Anh, trong đó có 166 trường hợp phải nhập viện.

Các bằng chứng đời thực về khả năng chống lại biến chủng Delta này được thu thập với thời gian theo dõi hạn chế sau liều thứ 2. Vì vậy có thể ảnh hưởng đến sự ước tính hiệu quả của vắc xin.

Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE) cũng cho biết, hiệu lực cao trong việc giảm tỷ lệ bệnh nặng và nhập viện gần đây củng cố thêm bằng các dữ liệu đáp ứng tế bào T mạnh sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho thấy có mối tương quan với tác dụng bảo vệ cao và kéo dài.

Biến chủng Delta là một nhân tố chủ chốt gây ra làn sóng lây nhiễm hiện nay ở Ấn Độ và trên thế giới. Gần đây nó đã thay thế biến thể Alpha trở thành chủng vi rút ưu thế ở Scotland và là nguyên nhân cho sự gia tăng mạnh các ca bệnh ở Anh. Nhóm tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới về tiêm chủng đã đề xuất sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca ở các quốc gia hiện đang có nhiều biến thể mới.

Vắc xin COVD-19 của AstraZeneca được đồng sáng chế bởi Đại học học Oxford và công ty Vaccitech. Vắc xin sử dụng vắc tơ vi rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi rút SARS- CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi rút SARS- CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi rút sau đó.

Vắc xin AstraZeneca được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại 80 quốc gia ở 6 châu lục. Hiện đã có hơn 500 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cung cấp cho 165 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 100 quốc gia thông qua cơ chế COVAX.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tiêm vắc xin AstraZeneca khi mắc COVID-19 chủng Ấn Độ sẽ không tử vong