Một nhóm tôn giáo cực đoan Nga đã dọa đốt cháy rụi bất kỳ rạp phim nào ‘dám’ chiếu ‘cảnh nóng’ của Sa hoàng Nga trong bộ phim lịch sử Matilda.

Người Nga dọa đốt rạp phim chiếu ‘cảnh nóng’ của Sa hoàng

Trần Trí | 19/09/2017, 15:44

Một nhóm tôn giáo cực đoan Nga đã dọa đốt cháy rụi bất kỳ rạp phim nào ‘dám’ chiếu ‘cảnh nóng’ của Sa hoàng Nga trong bộ phim lịch sử Matilda.

Theo báo Washington Times ngày 18.9, từ ngày 26.10 tới, các rạp phim trên toàn Nga sẽ chiếu bộ phim Matilda, kể chuyện có thật về mối tình vụng trộm giữa hoàng tử Nicolas Romanov với nữ vũ công ba-lê Matilda Kshesinskaya người Ba Lan.

Bộ phim ‘múa trên mộ Sa hoàng Nga cuối cùng và hoàng gia’

Cuộc tình này diễn ra ở St. Petersburg. Vị hoàng tử sau trở thành Sa hoàng Nga cuối cùng Nicolas II. Ông cùng gia đình bị quân cách mạng xử bắn năm 1918, nhưng năm 2000 được Giáo hội Nga phong thánh, trong nỗ lực phục hồi tín ngưỡng ở Nga, theo tờ báo Mỹ.

Dù là chuyện có thật, nhưng dưới mắt một số tín đồ cực đoan Nga, xuất phẩm Matilda mang tính ‘báng bổ vị Sa hoàng được phong thánh trong những cảnh nóng”. Họ nói đây là một bộ phim “múa trên mộ Sa hoàng thánh và hoàng gia”.

Tổ chức tôn giáo cực đoan State-Holy Rus từ đầu năm 2017 đã cảnh cáo: “Các rạp phim sẽ bị đốt” nếu chiếu bộ phim do Bộ Văn hóa Nga chi nhiều tiền làm kinh phí này.

Trong các bức thư gởi đến hàng trăm rạp phim, tổ chức này viết: “Người yêu mến Chúa và đồng bào nhiệt tình sẵn sàng bị tù, thậm chí sẵn sàng bị xử tử, sẽ bắt đầu hành động”.

Và đó không là lời dọa suông. Vụ tấn công đầu tiên xảy ra ngày 31.8, khi một nhóm lạ mặt toan đốt xưởng phim ở St Petersburg của Alexei Uchitel, đạo diễn phim Matilda.

Hai tuần sau, một người chống Matilda lái một chiếc xe bán tải chở đầy chất dễ cháy lao vào một rạp phim ở thành phố Yekaterinburg (trung Nga) là nơi mà gia đình Sa hoàng Nga cuối cùng bị xử bắn.

Vụ này xảy ra lúc sáng sớm, không làm ai bị thương. Tài xế 39 tuổi bị bắt lập tức.

Ngày 11.9, thêm một vụ đốt rạp phim xảy ra tại thủ đô Moscow, ngay trước khi buổi công chiếu Matilda: hai chiếc xe bị đốt cháy trước trụ sở công ty luật đại diện cho đạo diễn Uchitel.

Gần hiện trường, cảnh sát tìm thấy một tấm biển “đốt vì Matilda”. Hai giờ sau, buổi công chiếu bị hủy, nhưng phim lại được chiếu ở Vladivostock (Viễn Đông Nga) trong ngày này, trong sự bảo vệ an ninh dày đặc.

Đạo diễn Uchitel nói ông làm phim không có ý đồ xúc phạm tôn giáo, và đề nghị người chỉ trích xem trọn Matilda trước khi có ý kiến. Ông cũng đã đề nghị có cảnh sát bảo vệ ông, nhưng chính quyền không đồng ý.

Một bà quả phụ, vợ cháu trai Sa hoàng Nga cũng kiện xưởng phim của đạo diễn Uchitel.

Nhân vật Matilda trong phim

Ngày 13.9, Bộ trưởng Văn hóa Nga Alexander Medinsky lên tiếng chỉ trích những người phản đối bộ phim, và nói công ty phát hành phim có quyền hủy chiếu, “vì lý do kỹ thuật”.

Ông khẳng định Matilda “chỉ là một bộ phim bình thường, kịch bản không hề xúc phạm sự hoài niệm về Nicolas II và lịch sử hoàng gia Nga”.

Ông kêu gọi công dân Nga “tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau” và đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ khán giả và các rạp phim.

“Điều tra thì biết đụng tới ai”

Ngày 11.9, Bộ trưởng Medinsky cáo buộc nữ nghị sĩ siêu bảo thủ Natalia Poklonskaya ‘kích động căng thẳng tôn giáo’ và đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp ‘xử lý’ tổ chức Christian State-Holy Rus.

Theo Washington Times, bà Poklonskaya người cực lực phê bình bộ phim. Bà nói phải cấm chiếu Matilda, vì phim “sỉ nhục cảm xúc của các tín đồ tôn giáo”, một tội hình sự ở Nga kể từ năm 2013. Nhưng bà thừa nhận chưa hề xem phim này.

Bà Poklonskaya hồi năm nay từng bị “ném đá” vì tuyên bố một bứctượng Sa hoàng Nga cuối cùng ở Crimea khóc.

Nữ nghị sĩ Poklonskaya đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang xây dựng quan hệ thân thiết với lãnh đạo Chính thống giáo Nga để củng cố quyền lực của ông.

Theo Washington Times, Giáo hội Chính thống Nga đã kêu gọi mọi người bình tĩnh, không căng thẳng với Matilda.

Nhưng đến ngày 15.9, ngườiphát ngôn Alexander Shchipkov của tôn giáo này nói: Bộ Văn hóa Nga phạm một sai lầm khi cho phép sản xuất bộ phim. Ông còn nói phim “múa trên mộ’ Sa hoàng Nicolas II và hoàng gia.

Mục sư Vsevolod Chaplin cũng từng là người phát ngôn của Giáo hội Chính thống giáo Nga, cáo buộc Bộ trưởng Medinsky ‘ủng hộ bọn báng bổ, dối trá và những kẻ quái dị vô đạo đức”.

Nhưng Alexander Verkhovsky, chủ nhiệm Trung tâm Sova chuyên nghiên cứu chính trị-tôn giáo cực đoan, nói với Washington Times: “Nhiều khả năng có những vị chức sắc cấp cao của nhà thờ dính líu Christian State-Holy Rus. Đây là một vấn đề cho các quan chức bảo vệ pháp luật phụ trách điều tra tổ chức này, vì họ không biết là họ sẽ phát hiện họ đụng tới ai”.

Bộ trưởng Văn hóa Nga Medinsky

“Thế lực đen tối IS thu nhỏ”

Đạo diễn Stanislav Govorukhin có quan hệ với Điện Kremlin, và là chủ nhiệm ủy ban văn hóa ở Quốc hội Nga, gọi tổ chức Christian State-Holy Rus là một “Nhà nước Hồi giáo IS thu nhỏ” và gọi người ủng hộ tổ chức này là “những thế lực đen tối”.

Alexander Kalinin là thủ lĩnh 33 tuổi của tổ chức Christian State-Holy Rus, khoe có hàng chục ngàn tín đồ trên toàn Nga, và có sự ủng hộ ngầm của những nhân vật quyền thế của Giáo hội Chính thống giáo Nga, nơi tuyên bố không hề có quan hệ với tổ chức trên.

Kalinin nói với báo Washington Times: “Người ủng hộ chúng tôi bắt đầu hành động. Mọi người phẫn nộ với bộ phim và sẵn sàng thực hiện những biện pháp cứng rắn. Nếu họ phỉ báng giáo hội chúng tôi và bêu riếu đức tin của chúng tôi, chúng tôi sẽ không tha thứ”. Nhưng Kalinin nhấn mạnh: anh ta không đích thân dính líu những vụ đốt phá.

Theo Washington Times, Tổng thống Putin nói các nghệ sĩ chớ nên sản xuất các tác phẩm có thể làm buồn lòng người theo đạo, và ngày 15.9, Điện Kremlin lên án những “hành động cực đoan”, đồng thời khẳng định Tổng thống Nga sẽ đi xem Matilda ở một rạp chiếu chưa xác định.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin cực lực phê phán những hành động phản đối bạo lực đối với bộ phim.

Ông nói với các nhà báo hồi tuần trước: “Toàn bộ vụ việc trở nên rất bẩn thỉu”, đồng thời cho biết cảnh sát sẽ điều tra “những hành động cực đoan” phản đối bộ phim.

Ông Peskov còn nói: “Tranh luận là một chuyện, nhưng hành động cực đoan thì hoàn toàn khác hẳn. Không thể chấp nhận việc các nhà phát hành phim phải chọn khán giả dưới sức ép của những tay cực đoan miệt thị quyền lợi của họ”.

Lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadyrov là tín đồ Hồi giáo, cũng yêu cầu cấm chiếu Matilda, trong khi hàng chục rạp phim dẫn lý do an ninh để nói họ sẽ không chiếu phim này.

Không thể biết rõ cảm xúc của dân thường Nga về Matilda. Theo một thăm dò của Quỹ thăm dò dư luận ở Moscow, chỉ có 31% người được hỏi có nghe nói về vụ tranh cãi. Trong số này, 60% nói họ đồng ý xuất bản Matilda.

Một số người Nga cũng nói sẽ xem phim chỉ để ủng hộ tự do ngôn luận. Nhà lập trình Dmitry Krasnov nói: “Tôi sẽ tới rạp, mua vé xem 3 suất, chỉ để cho bọn cực đoan tôn giáo biết chúng chẳng thể dạy tôi được làm gì và không được làm gì”.

Lo ngại phim Cái chết của Stalin cũng gây bạo lực

Theo Moscow Times ngày 18.9, vào lúc xảy ra vụ phim Matilda, bộ phận kiểm duyệt thuộc Bộ Văn hóa Nga cần xem trước phim Cái chết của Stalin mà đạo diễn-tác giả kịch bản Armado Iannuccci (người Scotland) sẽ chiếu ở châu Âu và Bắc Mỹ vào tháng 10 tới.

Ông Pavel Pozhigaylo, một quan chức Bộ Văn hóa Nga nói với đài Govorit Moskva: phimnày mang tính đả kích cố lãnh tụ Liên Xô Josif Stalin, dựa theo một tiểu thuyết cùng tên, nên có nỗi lo ngại các đảng viên Cộng sản Nga cũng sẽ bức xúc, thực hiện những hành động bạo lực ‘bắt chước’ vụ phản đối Mathilda.

Ông Pozhigaylo nói: “Nếu phim về Stalin cũng khiêu khích như Mathilda thì chớ nên chiếu. Nếu có nguy cơ, chúng tôi sẽ nhấn mạnh rằng không nên cấp giấy phép phát hành phim”.

Trung Trực (theo Washington Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Nga dọa đốt rạp phim chiếu ‘cảnh nóng’ của Sa hoàng