Hơn 20 năm dạy học miễn phí, lớp học của thầy Trà chính là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ con chữ của biết bao trẻ em nghèo và cũng là nơi trưởng thành của không biết bao thế hệ học trò.

'Người lái đò' tóc bạc chở chữ miễn phí 20 năm

Một Thế Giới | 19/11/2015, 08:35

Hơn 20 năm dạy học miễn phí, lớp học của thầy Trà chính là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ con chữ của biết bao trẻ em nghèo và cũng là nơi trưởng thành của không biết bao thế hệ học trò.

Truyền thống và lòng thương người

Dù đã ngoài 80, cái tuổi đáng lẽ dành để nghỉ ngơi, hưởng thụ thú vui tuổi già nhưng người thầy giáo già vẫn nhiệt tình, tận tâm, ngày ngày chia sẻ kiến thức của mình với rất nhiều học trò.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, “gia đình có 11 đời làm nghề giáo, con cháu tôi sau này cũng theo nghề. Có lẽ truyền thống đó đã hun đúc tình yêu nghề trong tôi từ khi còn tấm bé. Và đến nay khi về hưu rồi vẫn còn theo đuổi nghiệp gõ đầu trẻ như thế này”, người thầy giáo tóc đã bạc trắng chia sẻ đầy tự hào về nghề.
thay giao, day hoc mien phi, hoc tro, ngay 20.11, thay Tra
Bia tiến sĩ ở Huế được đặt trang trọng tại nơi dạy học 
Sau khi về hưu, thầy tiếp tục mở lớp học hướng thiện, dạy cái chữ cho trẻ em nghèo, dạy thêm ngoại ngữ cho nhiều người. Khi được hỏi về ý tưởng mở lớp học cho những mảnh đời khó khăn, thầy đã có những tâm sự rất dí dỏm mà sâu sắc: “Thương người thôi! Nhìn thấy các cháu mồ côi, không có chỗ học, những em ở nơi khác đến, cứ đứng ngoài nhìn tôi dạy làm tôi không sao cầm lòng được, thương vô cùng! Với con mắt nghề nghiệp, thấy các cháu thèm cái chữ nên thầy lôi vào học thôi. Mới đầu các cậu ý cũng ngại nhưng thầy cho vở, cho bút nên cũng giúp các cháu đến gần hơn với sự học”.
Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, thầy Trà cũng không cảm thấy khó khăn gì vì như lời kể của thầy, xung quanh đây cũng nghèo lắm, nhưng được cái có sự ủng hộ của các con, của vợ nên càng ngày càng say nghề hơn, còn sức thì còn làm tiếp.
thay giao, day hoc mien phi, hoc tro, ngay 20.11, thay Tra
Người thầy giáo già say sưa chỉ dạy cho học trò

Theo thầy Trà, những đứa trẻ có cuộc sống khó khăn, mới đầu còn e ngại đến lớp nên trước hết mình cho chúng cái ăn, cái mặc, thỉnh thoảng lại đi xin sách vở về cho các cháu học.

Nói về những học trò của mình, người lái đò già không sao cầm được sự xúc động xen lẫn niềm tự hào: “Tôi không sao nhớ hết được những mảnh đời đã đến học, nhưng tôi nhớ mãi lời trăn trối trước khi mất của bà mẹ gửi gắm cả cuộc đời đứa con vào tay người thầy giáo nghèo này. Đến ngày hôm sau thì người mẹ đấy mất.  Bây giờ cậu ấy trưởng thành rồi nhưng vẫn quay về đây nghe lại câu chuyện xưa. Quý lắm đấy!”.

Người thầy uyên bác nhưng giản dị

Lớp học hướng thiện của thầy Trà mở lên ngay tại mảnh vườn nhỏ của nhà thầy tại phường Phương Liên (quận Đống Đa), khi thì mấy thầy trò ra ngoài đình Trung Tự học. Không khang trang, màu mè, không bảng đen, phấn trắng, chỉ có bộ bàn ghế cũ đã phai màu nhưng không một ngày nào là không có tiếng giảng của thầy và tiếng nói ríu rít của đám học trò nhỏ.

Người đến học giờ đây không chỉ còn là những đứa trẻ khó khăn, khát cái chữ mà đến với thầy còn có cả những người học trò đã lớn tuổi, những người đã có công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn muốn được trò chuyện, học hỏi thêm từ người thầy uyên bác này.
thay giao, day hoc mien phi, hoc tro, ngay 20.11, thay Tra
Thầy Trà sửa từng câu chữ cho học trò

Cô Nguyễn Ngọc Mai, người học trò “đặc biệt” tại lớp học đơn sơ có những tâm sự chân thành về thầy: “Dù đã là bà mẹ 2 con nhưng tôi vẫn háo hức mỗi khi đến lớp của thầy Trà. Biết đến thầy qua chương trình truyền hình, ngưỡng mộ cái tâm của thầy nhưng khi được trực tiếp theo học, tôi lại càng ngưỡng mộ cái tài của ông. Thầy không chỉ dạy về kiến thức mà còn nói chuyện, chia sẻ rất nhiều về cuộc sống, về đạo đức và cách làm người. Ông chính là thần tượng của tôi đấy!”

Phương pháp giảng của thầy vừa ngắn gọn, xúc tích lại dễ hiểu. Mỗi câu nói của thầy đều gẫy gọn, trong cùng một câu nói nhưng cách dùng từ của ông rất linh hoạt, nhạy bén, không bị trùng lặp.

Được biết, thầy Trà từng là học sinh chuyên Toán của trường Chu Văn An, thi đỗ Đại học Sư phạm, tốt nghiệp khoa Vật lý rồi ông về làm giáo viên tại trường THPT Lê Quý Đôn. Hơn nữa, thầy cũng là người thông thạo tiếng Pháp, Anh, Đức, Ý.

Lớp học của thầy được nhiều người ví như lớp học đa-zi-năng, với nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều môn học đều được thầy Trà giảng dạy. Một bạn sinh viên báo chí cũng tìm đến thầy mới vài ngày gần đây để học thêm tiếng Anh cũng cảm nhận được sự nhiệt tình, nhiệt huyết của một người thầy tuy đã già nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn: “Ông có cách giảng rất hóm hỉnh, giống như là đang trò chuyện, mỗi câu nói của ông đều gắn liền với thực tế cuộc sống nên rất dễ hiểu”.
thay giao, day hoc mien phi, hoc tro, ngay 20.11, thay Tra

Trải qua 23 năm, từ lớp học này đã có rất nhiều người thi đỗ Đại học, Cao đẳng, tìm được công việc ổn định. “Nhìn thấy mỗi học trò thành đạt chính là món quà lớn nhất trong nghề của tôi. Đôi khi tôi học được rất nhiều từ chính các em. Tôi không chỉ muốn dạy kiến thức để các em vững bước mà còn phải cùng nhau tu dưỡng, hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhân cách làm người. Cái đó mới là đáng quý!”, người thầy giáo già chia sẻ.

Thầy Trà cũng tâm sự: “Trong suốt quãng đời đi dạy, tôi luôn muốn mang tới cho học trò những bài học bổ ích không chỉ về kiến thức mà còn là những bài học làm người. Học gì thì học, bài học nhân cách vẫn là quan trọng nhất. Mong muốn cả đời của tôi vẫn là được dạy học.”

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người lái đò' tóc bạc chở chữ miễn phí 20 năm