Hôm 12.12, Twitter cho biết vô tình giới hạn tương tác trong khoảng thời gian ngắn với các tweet của ông Donald Trump bị dán nhãn nhưng sau đó đã đảo ngược hành động.
Trước đó, một số người dùng Twitter nhận thấy rằng khả năng bấm thích, retweet hoặc bình luận các tweet của ông Trump với nhãn "bị tranh chấp" không hoạt động. Thông tin này đã được báo cáo bởi trang The Verge và The Hill.
“Chúng tôi đã vô tình hành động để hạn chế các tương tác trên tweet được gắn nhãn mà bạn đã tham chiếu. Hành động này đã được đảo ngược”, một phát ngôn viên Twitter trả lời Reuters trong một tuyên bố gửi qua email.
Nhà Trắng chưa bình luận về chuyện này.
Twitter gần đây đã thêm nhiều cảnh báo và nhãn vào các tweet từ tài khoản @realDonaldTrump của ông Trump, bao gồm cả nhiều tweet đưa ra cáo buộc vô căn cứ về gian lận bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trump cũng gửi những dòng tweet như vậy hôm 12.12, bao gồm cả một tweet tuyên bố sai sự thật rằng ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử "long trời lở đất về phiếu bầu hợp pháp". Twitter đã gắn nhãn tweet này với thông báo: "Tuyên bố về gian lận bầu cử này bị tranh chấp".
Twitter lần đầu tiên ẩn một tweet của Trump đằng sau nhãn “lợi ích công cộng” vào tháng 5 khi ông vi phạm chính sách của công ty về việc tôn vinh bạo lực.
Hôm 12.12, Tổng thống Trump đã phê phán việc Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện đòi lật ngược kết quả bầu cử của bang Texas khi viết trên Twitter: "Tòa án Tối cao thực sự khiến chúng tôi thất vọng. Không có trí tuệ, không có dũng khí! Tòa án Tối cao không quan tâm tới cuộc gian lận bầu cử lớn nhất tại Mỹ. Tất cả những gì họ quan tâm là 'tư cách', điều mà rất khó cho một tổng thống theo đuổi một vụ kiện dựa trên lẽ phải. 75 triệu phiếu bầu (ám chỉ số phiếu bầu phổ thông mà ông nhận được - PV)".
Tweet này cũng bị dán nhãn "Tuyên bố về gian lận bầu cử này bị tranh chấp".
Ông Trump sẽ phải tuân theo các quy tắc Twitter giống như bất kỳ người dùng thông thường nào khác khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20.1.2021.
Twitter đặt thông báo "lợi ích công cộng" trên một số tweet vi phạm quy tắc từ các nhà lãnh đạo trên thế giới thay vì loại bỏ.
Những tweet như vậy từ các ứng cử viên chính trị và các quan chức được bầu hoặc chính phủ sẽ bị ẩn bởi cảnh báo và Twitter thực hiện các hành động để hạn chế phạm vi tiếp cận của họ. Sự ưu tiên này không áp dụng cho những người hết nhiệm kỳ.
Thời gian qua, ông Trump tìm cách bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp, bao gồm cả dọa phủ quyết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 740 tỉ USD.
Mục 230 bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý với những nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ. Lý do vì Trump và nhiều người ủng hộ ông khẳng định các công ty công nghệ có thành kiến chống bảo thủ, điều mà họ phủ nhận.
Mục 230 là gì mà khiến ông Trump căm ghét?
Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.
Khi luật được viết, chủ sở hữu một số mạng xã hội cũng lo lắng rằng có thể bị kiện nếu thực hiện bất kỳ việc kiểm soát nào với những gì xuất hiện trên trang của mình. Vì vậy, luật có thêm điều khoản quy định - miễn là các mạng xã hội hoạt động với sự thiện chí thì có thể xóa các nội dung gây khó chịu hoặc phản cảm.
Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt là các nội dung khiêu dâm. Người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngành công nghệ từ lâu đã coi Mục 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi quyền lực của các công ty internet đã tăng lên đáng kể.
Mục 230 thành "cái gai" trong mắt Tổng thống Trump. Ông Trump cho rằng Mục 230 đã trao cho các công ty internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và giúp họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông Trump cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.
Mục 230 thường bị hiểu sai khi nhiều cá nhân, công ty nghĩ rằng luật yêu cầu phải giữ quan điểm trung lập trong chính trị, đặc biệt các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Song, thực tế luật chỉ quy định các công ty này giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thay vì nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập.
Sau khi bị Twitter lần đầu ẩn đi tweet vào 27.5, ông Trump sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên mạng xã hội. Sắc lệnh của ông Trump không thể khiến Mục 230 bị thay đổi hay bãi bỏ ngay lập tức bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới thực hiện được.
Bản dự thảo của ông Trump kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Mục 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của ông Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
Băn khoăn trước quyết định của Twitter, Facebook về những gì cần để lại trên nền tảng và những gì cần gỡ bỏ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ bỏ các biện pháp bảo vệ cho các công ty internet theo luật liên bang có tên Mục 230.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham cho biết ông hy vọng Mục 230 được thay đổi.
Lindsey Graham nói: “Khi bạn có những công ty sở hữu quyền lực của chính phủ, có sức mạnh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thì cái gì đó phải thay đổi”.
Tổng thống đắc cử Biden từng ủng hộ việc bãi bỏ Mục 230. Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Quốc hội thích cải cách luật này hơn.
Mark Zuckerberg (CEO Facebook) và Jack Dorsey (CEO Twitter) cho biết cởi mở với một số cải cách với luật.
Tại một phiên điều trần vào tháng 10.2020, Dorsey nói việc làm xói mòn Mục 230 có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách mọi người giao tiếp trực tuyến. Trong khi Zuckerberg ủng hộ việc thay đổi luật nhưng cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể sẽ kiểm duyệt nhiều hơn để tránh rủi ro pháp lý nếu Mục 230 bị bãi bỏ.