Bruce Reed - cố vấn công nghệ hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden từng giúp xây dựng luật bảo mật trực tuyến mang tính bước ngoặt của bang California và gần đây đã lên án đạo luật liên bang gây tranh cãi nhằm bảo vệ các công ty internet khỏi trách nhiệm pháp lý.

Cố vấn công nghệ hàng đầu của Biden là mối đe dọa với Facebook, Twitter, YouTube

Nhân Hoàng | 22/11/2020, 22:00

Bruce Reed - cố vấn công nghệ hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden từng giúp xây dựng luật bảo mật trực tuyến mang tính bước ngoặt của bang California và gần đây đã lên án đạo luật liên bang gây tranh cãi nhằm bảo vệ các công ty internet khỏi trách nhiệm pháp lý.

Với Bruce Reed là cố vấn công nghệ, ông Biden sẽ bãi bỏ hoặc cải tổ Mục 230?

Theo Reuters, Bruce Reed, dự kiến ​​đóng vai trò quan trọng trong chính quyền mới của ông Biden, từng giúp thương lượng với ngành công nghiệp công nghệ và các nhà lập pháp thay mặt cho những người ủng hộ sáng kiến bỏ phiếu dẫn đến Đạo luật Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California năm 2018. Những người ủng hộ quyền riêng tư xem luật đó như mô hình khả thi cho luật quốc gia.

Bruce Reed cũng là đồng tác giả của một chương trong cuốn sách được xuất bản vào tháng trước tố cáo luật liên bang có tên Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp, khiến không thể kiện các công ty internet về nội dung người dùng đăng.

Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều kêu gọi cải tổ hoặc bãi bỏ Mục 230.

Bruce Reed, đặc vụ chính trị kỳ cựu và Chánh văn phòng của Biden từ năm 2011 đến năm 2013 khi ông còn là Phó tổng thống Mỹ.

Bruce Reed sau đó là chủ tịch của Broad Foundation, tổ chức từ thiện lớn của Los Angeles, rồi làm cố vấn cho Laurene Powell Jobs (góa phụ của Steve Jobs - đồng sáng lập Apple) ở Palo Alto, California.

Chiến dịch Biden đã xác định Bruce Reed là người đứng đầu về chính sách công nghệ nhưng ông từ chối phỏng vấn.

Năm nay 60 tuổi, Bruce Reed đã tham gia vào chiến dịch bảo mật ở California với tư cách là chiến lược gia cho Common Sense Media, tổ chức phi lợi nhuận do giảng viên Đại học Stanford - James Steyer thành lập, để tư vấn cho các bậc cha mẹ và các công ty về nội dung lành mạnh cho trẻ em.

Các công ty công nghệ ban đầu phản đối quyết liệt với sáng kiến ​​bỏ phiếu tạo tiền đề cho Đạo luật Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California năm 2018, cho phép người tiêu dùng có quyền tìm hiểu thông tin về họ đang được cung cấp cho công ty nào và xóa chúng.

Bruce Reed đã giúp đưa Apple ra khỏi “vũng lầy” đó bằng cách soạn thảo ngôn ngữ mà công ty này có thể sống chung.

Ông ấy hiểu rằng cần phải có những quy định tốt. Ông muốn hoàn thành một việc gì đó. Ông không phải là một nhà tư tưởng sẽ lấy đồ chơi của mình và về nhà nếu nó không hoàn hảo", Alastair Mactaggart, nhà phát triển bất động sản chủ trì sáng kiến ​​bỏ phiếu dẫn đến Đạo luật Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California năm 2018, cho biết.

co-van-cong-nghe-hang-dau-cua-biden-la-moi-de-doa-voi-facebook-twitter-youtube-anh.jpg
Với Bruce Reed (trái) là cố vấn công nghệ hàng đầu cho ông Biden, Mục 230 có thể bị bãi bỏ hoặc thay đổi 

Với sáng kiến sau đó là mối đe dọa rõ rệt hơn, phần còn lại của ngành công nghiệp sẵn sàng thương thảo khi lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện thuộc bang California, Bob Hertzberg soạn thảo một dự luật vào phút cuối nhằm giữ phần lớn sức mạnh của sáng kiến ​​nhưng cho các công ty công nghệ lớn cơ hội giảm nhẹ nó trong những năm tiếp theo. Bob Hertzberg nói với Reuters rằng Bruce Reed là nòng cốt của nhóm đã làm việc trên dự luật đó.

Sáng kiến ​​này sẽ không xảy ra nếu không có Bruce, không có câu hỏi nào cả. Ông ấy thực hiện nó một cách nghiêm túc trong khi những người khác không làm như vậy”, Bob Hertzberg nói.

Trong cuốn sách được xuất bản vào tháng trước có nhan đề Which Side of History? How Technology Is Reshaping Democracy and Our Lives (Mặt nào của lịch sử? Công nghệ đang định hình lại nền dân chủ và cuộc sống của chúng ta như thế nào), Steyer và Bruce Reed là đồng tác giả một chương có tên 230 là kẻ thù của trẻ em.

Cả hai viết rằng Mục 230 hiện đã đi ngược lại mong muốn của những người ủng hộ nó bằng cách tạo cho các công ty động cơ tài chính để khuyến khích sự căm ghét và lạm dụng.

Steyer và Reed viết: “Nếu họ bán quảng cáo chạy cùng với nội dung có hại thì họ sẽ bị coi là đồng lõa với tác hại. Nếu thuật toán của họ quảng bá nội dung có hại, họ phải chịu trách nhiệm về việc giúp khắc phục tác hại. Về lâu dài, cách thực sự duy nhất để kiểm duyệt nội dung là kiểm duyệt mô hình kinh doanh ”.

Mục 230 là gì mà khiến ông Trump căm ghét và Biden ủng hộ bãi bỏ?

Mục 230 bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.

Khi luật được viết, chủ sở hữu một số mạng xã hội cũng lo lắng rằng có thể bị kiện nếu thực hiện bất kỳ việc kiểm soát nào với những gì xuất hiện trên trang của mình. Vì vậy, luật có thêm điều khoản quy định - miễn là các mạng xã hội hoạt động với sự thiện chí thì có thể xóa các nội dung gây khó chịu hoặc phản cảm.

Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt là các nội dung khiêu dâm. Người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngành công nghệ từ lâu đã coi Mục 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi quyền lực của các công ty internet đã tăng lên đáng kể.

Mục 230 thành "cái gai" trong mắt Tổng thống Trump. Ông Trump cho rằng Mục 230 đã trao cho các công ty internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và giúp họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông Trump cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.

Mục 230 thường bị hiểu sai khi nhiều cá nhân, công ty nghĩ rằng luật yêu cầu phải giữ quan điểm trung lập trong chính trị, đặc biệt các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Song, thực tế luật chỉ quy định các công ty này giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thay vì nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập.

Sau khi bị Twitter lần đầu ẩn đi tweet vào 27.5, ông Trump sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên mạng xã hội. Sắc lệnh của ông Trump không thể khiến Mục 230 bị thay đổi hay bãi bỏ ngay lập tức bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới thực hiện được.

Bản dự thảo của ông Trump kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Mục 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của ông Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.

co-van-cong-nghe-hang-dau-cua-biden-la-moi-de-doa-voi-facebook-twitter-youtube2.jpg
Jack Dorsey và Mark Zuckerberg phải điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11 vì Twitter và Facebook ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden

Băn khoăn trước quyết định của Twitter, Facebook về những gì cần để lại trên nền tảng và những gì cần gỡ bỏ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ bỏ các biện pháp bảo vệ cho các công ty internet theo luật liên bang có tên Mục 230.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham cho biết ông hy vọng Mục 230 được thay đổi.

Lindsey Graham nói: “Khi bạn có những công ty sở hữu quyền lực của chính phủ, có sức mạnh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thì cái gì đó phải thay đổi”.

Tổng thống đắc cử Biden từng ủng hộ việc bãi bỏ Mục 230. Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Quốc hội thích cải cách luật này hơn.

Mark Zuckerberg (CEO Facebook) và Jack Dorsey (CEO Twitter) cho biết cởi mở với một số cải cách với luật.

Tại một phiên điều trần vào tháng 10.2020, Dorsey nói việc làm xói mòn Mục 230 có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách mọi người giao tiếp trực tuyến. Trong khi Zuckerberg ủng hộ việc thay đổi luật nhưng cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể sẽ kiểm duyệt nhiều hơn để tránh rủi ro pháp lý nếu Mục 230 bị bãi bỏ.

Bài liên quan
TikTok vẫn được hoạt động ở Mỹ khi Trump rối bời, Biden có bỏ lệnh cấm với Huawei?
Bộ Thương mại tuân thủ phán quyết của thẩm phán liên bang ngăn lệnh hành pháp mà lẽ ra sẽ cấm TikTok hoạt động ở Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố vấn công nghệ hàng đầu của Biden là mối đe dọa với Facebook, Twitter, YouTube