“Đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc sẽ bị đốt cháy”, một nhóm người biểu tình ở Myanmar tuần này hô vang trên tuyến đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc.

Người biểu tình trút giận lên doanh nghiệp Trung Quốc vì quân đội Myanmar đảo chính

Nhân Hoàng | 11/03/2021, 18:45

“Đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc sẽ bị đốt cháy”, một nhóm người biểu tình ở Myanmar tuần này hô vang trên tuyến đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc.

Được Trung Quốc ca ngợi là biểu tượng của “sự hợp tác cùng có lợi”, đường ống này đã trở thành mục tiêu cho sự tức giận của công chúng vì cho rằng Bắc Kinh đang hậu thuẫn cho chính quyền quân sự nắm quyền trong cuộc đảo chính ngày 1.2.

Sự gia tăng của tình cảm chống Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi trong giới kinh doanh Myanmar và ở Trung Quốc, không chỉ về sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc những năm gần đây mà còn vì hàng tỉ USD dành cho một nước láng giềng chiến lược trong kế hoạch cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

Doanh nghiệp Trung Quốc rời đi! Rời đi!”, khoảng hơn 10 người biểu tình hò hét ở thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar, tại một điểm trên các tuyến đường ống xuyên Myanmar từ Ấn Độ Dương đến Trung Quốc. Phương tiện truyền thông xã hội mang nhiều mối đe dọa hơn với doanh nghiệp Trung Quốc.

Đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ ngoài khơi của Myanmar được giới thiệu vào năm 2013 khi quân đội nước này đang bắt đầu cải cách chế độ dân chủ. Đường ống dẫn dầu dài 770 km trị giá 1,5 tỉ USD (vận chuyển dầu thô chủ yếu từ Trung Đông) bắt đầu vào năm 2017 dưới thời chính phủ của nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi, người đang bị giam giữ và đối mặt với loạt cáo buộc.

Một quan chức PetroChina giấu tên cho biết không có vấn đề gì với hoạt động của đường ống dẫn dầu này - nguồn cung cấp dầu thô duy nhất cho nhà máy lọc dầu của công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc. PetroChina có trụ sở ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Các cuộc biểu tình phản đối đường ống bùng phát sau khi một tài liệu của Chính phủ Myanmar bị rò rỉ từ cuộc họp ngày 24.2 cho thấy các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền nước này cung cấp an ninh tốt hơn và thông tin tình báo về các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số trên tuyến đường ống.

Reuters đã không thể liên lạc với các quan chức ở Myanmar để bình luận về tài liệu này.

Bảo vệ an ninh cho các dự án hợp tác song phương là trách nhiệm chung của cả Trung Quốc và Myanmar”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trước các câu hỏi về tài liệu này, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi “tất cả các bên ở Myanmar thực hiện bình tĩnh, kiềm chế và giải quyết sự khác biệt”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các hoạt động an toàn của các dự án hợp tác song phương”.

Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức một câu hỏi về tình cảm chống nước này ở Myanmar.

Hàng tỉ USD đã được dành cho các dự án như vậy, bao gồm cả Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar, dự án hạ tầng khổng lồ trị giá hàng tỉ USD với các thỏa thuận về các tuyến đường sắt giúp kết nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Ấn Độ Dương, một cảng nước sâu tại bang Rakhine, một đặc khu kinh tế giáp biên giới hai nước cùng dự án về một thành phố mới nằm trong Yangon (thành phố lớn nhất Myanmar).

Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết: “Dư luận thù địch sẽ gây ra các mối đe dọa lâu dài và thiệt hại cho kế hoạch của Trung Quốc.

Bà Yun Sun chỉ ra những thiệt hại với danh tiếng của Bắc Kinh vì Myitsone, dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD bị đình chỉ vào năm 2011 khi Myanmar còn nằm dưới chính phủ ủng hộ quân đội trước cuộc bầu cử năm 2015, do địa phương phản đối kịch liệt sau nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm thu hút công chúng cũng như các lãnh đạo chính trị.

Bà Yun Sun nói: “Dư luận được coi là ưu tiên với chính sách của Trung Quốc ở Myanmar.

Bắc Kinh nỗ lực nhiều thứ trong vài năm gần đây ở Myanmar từ việc tặng ba lô đi học đến tài trợ các chuyến đi thị sát đến Trung Quốc cho các quan chức, dù một cuộc khảo sát năm 2018 ở Myanmar vẫn cho thấy "sự thiên vị rõ ràng" với các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã cố gắng giữ mối thân tình với bà Suu Kyi, đồng thời duy trì quan hệ với quân đội đã lật đổ bà. Hiện việc cân bằng mối quan hệ lại càng trở nên bấp bênh.

Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính, Trung Quốc chỉ mô tả đó là thay đổi lãnh đạo trong chính quyền Myanmar, phù hợp với mong muốn của các tướng lĩnh.

Lời kêu hai phe quân sự và dân chủ ở Myanmar kiềm chế của Trung Quốc nhận sự khinh miệt từ những người phản đối cuộc đảo chính. Họ chỉ ra cái chết của hơn 60 người biểu tình. Quân đội cho biết một cảnh sát đã thiệt mạng.

Trung Quốc, xấu hổ về bạn. Hãy ngừng ủng hộ hành vi đánh cắp một quốc gia” là biểu ngữ bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar được nhìn thấy, trước khi bị lực lượng an ninh gỡ nó.

nguoi-bieu-tinh-trut-gian-len-dau-doanh-nghiep-trung-quoc-vi-quan-doi-myanmar-dao-chinh.jpg
Đám đông ở thành phố Yangon, Myanmar biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc phản đối cuộc đảo chính quân sự

Cho dù kỳ quặc đến đâu, những cáo buộc về sự tham gia đảo chính của Trung Quốc đã gây xôn xao trên mạng xã hội.

Một số người nói rằng họ đã nhìn thấy những người lính có đặc điểm Trung Quốc hoặc nghe thấy vài người nói tiếng Quan Thoại. Những nghi ngờ gia tăng do việc tăng các chuyến bay vào ban đêm đến từ Trung Quốc. Đây là các chuyến bay mà hãng hàng không nhà nước Myanmar cho biết chở hải sản trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Các tuyên bố không có cơ sở nổi lên rằng các máy bay đang đưa binh lính hoặc kỹ thuật viên đến để cài đặt tường lửa internet - ý tưởng bị chính quyền Myanmar bác bỏ và đại sứ Trung Quốc mô tả là "vô nghĩa".

Những lo ngại rằng tâm lý chống Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước này đã khiến một số người xem xét lại lập trường của họ, đặc biệt là khi các cuộc biểu tình chống đảo chính và đình công bóp nghẹt nền kinh tế Myanmar.

Họ chỉ có thể trút giận lên những người Trung Quốc trên mặt đất”, một doanh nhân Trung Quốc tên Ran cho biết và hiện đang tìm cách thoát khỏi Myanmar dù nói rằng ông chưa phải đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công cá nhân nào.

Myanmar cũng có không ít người gốc Hoa, với những thành viên lớn tuổi còn nhớ các cuộc bạo động chống Trung Quốc vào năm 1967, trong đó ước tính 30 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, một số thành viên gốc Hoa trẻ hơn đã có quan điểm rõ ràng với những người biểu tình.

Những người lớn tuổi của chúng tôi lo lắng về các bài đăng chữ Hán - những thứ trên Facebook như 'người Trung Quốc sẽ là những người đầu tiên bị đánh bại' - nhưng đó chỉ là một số ít người tạo ra", Aung Aung (23 tuổi), người sáng lập của Hiệp hội người Myanmar gốc Hoa.

Mọi người biết chúng tôi đang đứng ở đâu. Chúng tôi muốn lấy lại nền dân chủ”, Aung Aung nói thêm.

Bài liên quan
Cắt giảm mạnh xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, Trung Quốc giờ lo nguồn cung gián đoạn do đảo chính ở Myanmar
Hơn 1 thập kỷ sau khi cắt giảm mạnh xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, Trung Quốc đang nhìn thấy cục diện mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người biểu tình trút giận lên doanh nghiệp Trung Quốc vì quân đội Myanmar đảo chính