Trung Quốc cần Myanmar ổn định để hoàn thành các dự án' Vành đai và Con đường' chiến lược.

‘Tướng lĩnh Myanmar khó chịu vì Trung Quốc thân với bà Suu Kyi, ông Tập không hài lòng về cuộc đảo chính’

Nhân Hoàng | 05/03/2021, 18:40

Trung Quốc cần Myanmar ổn định để hoàn thành các dự án' Vành đai và Con đường' chiến lược.

Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận thận trọng trong phản ứng của họ với cuộc đảo chính tháng trước ở Myanmar, với nhiều người trong giới ngoại giao Đông Nam Á nói rằng chính quyền ông Tập Cận Bình coi tình hình bất ổn là mối đe dọa với khoản đầu tư lớn mà họ đổ vào nước này trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ.

Một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á nói với trang Nikkei rằng có những bước đi ngoại giao thận trọng như vậy xuất phát từ việc Trung Quốc "không hài lòng với cuộc đảo chính".

"Các dấu hiệu xuất hiện sau khi quân đội tiếp quản, vì Trung Quốc có cổ phần kinh tế cao ở Myanmar và có quá nhiều thứ để mất", nguồn tin cho hay.

Các nhà phân tích Trung Quốc tại Hồng Kông đồng ý rằng chính quyền ông Tập Cận Bình có thể không hài lòng với tình trạng hỗn loạn lan rộng khắp Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1.2. Trung Quốc có các khoản đầu tư kinh tế và chiến lược trị giá hàng tỉ USD vào đường ống được phê duyệt bởi các lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, những người kiểm soát chính phủ dân sự trước khi bị quân đội lật đổ.

Theo Enze Han, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hồng Kồng, điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn thấy "là sự thay đổi chế độ mạnh mẽ ở Myanmar sẽ gây bất ổn cho họ".

Enze Han cho biết Chính phủ Trung Quốc cùng các công ty nước này sẽ im ắng và theo đuổi cách tiếp cận chờ đợi với tình hình bất ổn ở Myanmar, nơi Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 51 người biểu tình đã chết do bị lực lượng an ninh đàn áp khi thực hiện các chiến dịch bất tuân dân sự chống đảo chính.

Ông Enze Han, tác giả cuốn sách Các nước láng giềng bất đối xứng: Biên giới giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, cho biết thêm: "Có một sự lo lắng to lớn ở Trung Quốc về những cổ phần khổng lồ mà nước này đang đối mặt ở Myanmar. Quan hệ của Trung Quốc với chính phủ NLD từng rất tốt".

Mối quan hệ bền chặt của Trung Quốc với NLD do nhà lãnh đạo Myanmar trên thực tế - Suu Kyi bắt đầu từ năm 2016, đã được khẳng định hai tuần trước cuộc đảo chính. Các nhà phân tích ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, coi chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị tới nước này vào giữa tháng 1.2021 là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Bắc Kinh với trung tâm quyền lực dân sự.

trung-quoc-khong-hai-long-voi-cuoc-dao-chinh-o-myanmar.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị và cố vấn Nhà nước Myanmar - Aung San Suu Kyi tại Thủ đô Naypyitaw.  Ông Vương Nghị đến Myanmar vào tháng 1.2021 để ký các thỏa thuận liên quan đến Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar

Theo một nhà phân tích, đó là cái gật đầu của Trung Quốc rằng họ muốn ổn định và liên tục phát triển ở Myanmar.

Ông Vương Nghị đã gặp bà Suu Kyi để ký các thỏa thuận song phương cho một dự án quan trọng là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar thay vì đợi chính phủ NLD bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 1.2.2021 sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11.2020.

Hành lang kinh tế, trải dài từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến bờ biển của Myanmar trên Vịnh Bengal, là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và sẽ cung cấp cho hành lang này tiếp cận với thương mại dầu mỏ ở Ấn Độ Dương. Liên doanh này được định giá 100 tỉ USD và bao gồm 38 dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được lên kế hoạch.

Tình thế khó xử về ngoại giao của Trung Quốc đã được giải tỏa trong hai thời điểm quan trọng kể từ cuộc đảo chính: Việc soạn thảo một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng ở Myanmar và một nghị quyết được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Trong cả hai, những người theo dõi Trung Quốc cho rằng nước này đang tìm kiếm ngôn ngữ để tạo sự cân bằng giữa hai phe chính trị chính hiện đang mâu thuẫn ở Myanmar - quân đội và phong trào ủng hộ dân chủ - mà họ đã vun đắp mối quan hệ bền chặt.

Theo một quan chức kỳ cựu của Bộ Ngoại giao ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã sử dụng các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đề cập ngôn ngữ "bất thường" rằng nước này đề cao dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.

Quan chức này nói về các cuộc thảo luận hậu trường Liên Hợp Quốc rằng sự thay đổi như vậy được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm "tạo khoảng cách giữa chính họ và quân đội đảo chính”. Trước đây, Trung Quốc thường phản đối các nghị quyết từ những quốc gia chỉ trích các đồng minh của họ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngược lại, các chính phủ phương Tây đã soạn thảo một tuyên bố ban đầu có giọng điệu mạnh mẽ hơn, chỉ trích quân đội Myanmar và lên án cuộc đảo chính. Các cường quốc phương Tây cũng làm như vậy trong một nghị quyết được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng trước, sau này chỉ trích cuộc đảo chính và yêu cầu quân đội Myanmar thả tất cả các tù nhân.

Những nhà theo dõi dày dạn kinh nghiệm của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận phản ứng của Trung Quốc với cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thay vì công khai phản đối, điều mà Trung Quốc đã thực hiện với các nghị quyết về Myanmar những năm gần đây, nước này đã chọn bỏ phiếu trắng, cho phép văn kiện được đồng thuận thông qua.

Một quan sát viên châu Âu tại các phiên họp của Hội đồng Nhân quyền cho biết: “Trung Quốc đang truyền tải thông điệp tới chính quyền thông qua cách tiếp cận ngoại giao này. Trung Quốc không bỏ phiếu chống lại nghị quyết để nói rằng họ không hài lòng với cuộc đảo chính".

Khó khăn của Trung Quốc bắt nguồn từ việc mở rộng kinh tế ở Myanmar kể từ năm 2011, khi nước này bắt đầu thử nghiệm nền dân chủ sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội. Trong 10 năm này, Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất, nước cho vay lớn nhất và nằm trong số ba nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu cho Myanmar (71 tỉ USD).

Bước đột phá kinh tế của Trung Quốc ở Myanmar trong thập kỷ chuyển đổi chính trị, đầu tiên là với một chính phủ ủng hộ quân đội và sau đó là với chính quyền dân sự do NLD lãnh đạo, cho thấy chiến lược vun đắp đồng minh khắp các vùng chính trị của đất nước.

Nhà phân tích cấp cao tại một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon cho biết Trung Quốc "đã phát triển phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng với tất cả thành phần quan trọng trong nước, bao gồm các lực lượng vũ trang, NLD, các tổ chức quốc tịch dân tộc và các nhóm kinh doanh".

"Rút kinh nghiệm từ hai thập kỷ đầy biến động khi cung cấp hỗ trợ cho đảng Cộng sản Myanmar, Chính phủ Trung Quốc biết rằng đó không phải là một chiến lược thành công nếu chỉ ủng hộ nhóm này hay nhóm khác trong nền chính trị phức tạp của đất nước", nhà phân tích này cho hay.

Chương trình nghị sự mà Trung Quốc thực hiện ở Myanmar diễn ra trong ba giai đoạn, với sự phản đối lớn hơn với các dự án trị giá hàng tỉ USD, bao gồm cả việc đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD khi nước này còn nằm dưới chính phủ ủng hộ quân đội trước cuộc bầu cử năm 2015.

Khin Zaw Win, Giám đốc Viện Tampadipa - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon, nói với trang Nikkei: “Người Trung Quốc trở nên khó chịu sau đó và đã nỗ lực rất lớn để giành lấy chính quyền NLD khi họ lên nắm quyền. Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar khởi động mà không được công bố rộng rãi trong nhiệm kỳ của bà Suu Kyi... Trung Quốc dự kiến nó sẽ phát triển sau cuộc bầu cử năm 2020".

Kobsak Chutikul, một cựu đại sứ Thái Lan, người đã tham gia với các bên tham gia chính trị của Myanmar trong những năm gần đây, cho biết sự thân tình như vậy giữa Trung Quốc và chính phủ NLD đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chỉ huy cấp cao của quân đội.

Theo Kobsak Chutikul, các tướng lĩnh Myanmar tỏ ra khó chịu trước việc Trung Quốc thân tình với chính phủ NLD từ năm 2016 và không còn coi trọng quân đội như trước. "Quân đội cảm thấy bị đe dọa bởi điều này", ông nói.

Kobsak Chutikul nói rằng cuộc chiến hậu trường sau đó thậm chí còn chứng kiến ​​quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi "trở nên quá thân thiết với Trung Quốc".

"Nó đang làm suy yếu những gì quân đội cảm thấy là khu vực kiểm soát và độc quyền của họ - đối phó trực tiếp và giám sát các mối quan hệ với Trung Quốc", Kobsak Chutikul cho hay.

Bài liên quan
Không muốn tấn công người biểu tình chống đảo chính, 19 cảnh sát Myanmar trốn sang Ấn Độ
Hôm 4.3, một quan chức cảnh sát Ấn Độ cho biết rằng ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã đến Ấn Độ để trốn lệnh của quân đội đang cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính và dự kiến rằng ​​sẽ có nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Tướng lĩnh Myanmar khó chịu vì Trung Quốc thân với bà Suu Kyi, ông Tập không hài lòng về cuộc đảo chính’