Người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken tin rằng Tổng thống Donald Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc ngay cả khi không đồng ý với tất cả phương pháp của ông.

Ngoại trưởng Mỹ thời Biden ủng hộ cách Trump chống Trung Quốc và hỗ trợ Đài Loan, e ngại Nga

Nhân Hoàng | 20/01/2021, 16:45

Người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken tin rằng Tổng thống Donald Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc ngay cả khi không đồng ý với tất cả phương pháp của ông.

Ngày 19.1, ông Antony Blinken (58 tuổi) đã có phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để được phê chuẩn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Tại đây, ông Antony Blinken nói rằng không nghi ngờ gì việc Trung Quốc đặt ra thách thức quan trọng nhất với Mỹ và tin rằng có một nền tảng rất vững chắc để xây dựng chính sách lưỡng đảng để chống lại Bắc Kinh.

Biden tiếp nhận một thế giới khác rất nhiều so với thế giới mà ông đã rời đi cách đây 4 năm với tư cách Phó tổng thống dưới thời Barack Obama. Trung Quốc có vai trò toàn cầu lớn hơn, từ các thể chế đa phương đến hỗ trợ phát triển ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã chìm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo Reuters, khi được hỏi liệu ông có đồng ý với đánh giá của Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Mike Pompeo hôm 19.1 rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng với những người Hồi giáo thiểu số hay không, Antony Blinken trả lời: “Đó cũng là nhận định của tôi”.

Tôi nghĩ chúng tôi rất đồng ý. Việc cưỡng bức đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào các trại tập trung; thực tế là cố gắng giáo dục họ trở thành những người tuân theo hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả những điều đó nói lên nỗ lực thực hiện tội ác diệt chủng”, Antony Blinken nhận xét.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền của Mỹ.

Khi được hỏi sẽ phản ứng thế nào như thế nào trong 30 ngày đầu tiên làm Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken trả lời: “Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét để đảm bảo rằng chúng ta không nhập khẩu các sản phẩm được làm bằng lao động cưỡng bức từ Tân Cương... Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta cũng không xuất khẩu các công nghệ và công cụ có thể được sử dụng để tiếp tục đàn áp họ".

ngoai-truong-my-thoi-biden-ung-ho-cach-ong-trump-chong-trung-quoc-va-ho-tro-dai-loan.jpg
Antony J. Blinken phát biểu trong phiên điều trần xác nhận của mình để trở thành Ngoại trưởng Mỹ trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tại Điện Capitol ở Washington ngày 19.1 - ảnh: Reuters

Antony Blinken cho biết Mỹ dưới thời ông Biden, người nhậm chức trưa 20.1 (giờ Mỹ), sẽ duy trì cam kết để đảm bảo rằng Đài Loan, mà Trung Quốc coi là một tỉnh của riêng mình, có khả năng tự vệ.

Bên cạnh đó, ông Antony Blinken cũng muốn thấy Đài Loan đóng vai trò lớn hơn trên toàn thế giới.

Theo Antony Blinken, trong các tổ chức quốc tế không yêu cầu tư cách của một quốc gia, Đài Loan nên trở thành một thành viên, và trong các tổ chức khác "có những cách khác để họ có thể tham gia".

Antony Blinken cho biết ủng hộ việc can dự nhiều hơn vàoĐài Loan và đề cập đến động thái của Pompeo nhằm nới lỏng các hạn chế với các giao dịch chính thức với Đài Bắc.

Tôi muốn xem quá trình đó để đi đến kết luận nếu nó chưa được hoàn tất, để đảm bảo rằng chúng tôi đang hành động theo nhiệm vụ trong đạo luật (Bảo đảm Đài Loan) nhằm tạo thêm không gian cho các liên hệ”, Ngoại trưởng Mỹ tương lai chia sẻ.

Antony Blinken cho biết ông đã tiếp bà Thái Anh Văn tại Bộ Ngoại giao khi bà đang tranh cử và nói chuyện trong một số dịp sau khi bà trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan năm 2016. Ông nói thêm: “Điều đó tự tôi nghĩ là quan trọng”.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự cảm ơn về sự ủng hộ và cho biết sẽ “hợp tác cùng nhau” với nhóm Biden để làm sâu sắc thêm mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa sự hợp tác Đài Loan - Mỹ.

Antony Blinken nói Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ bỏ chính sách ẩn mình chờ thời trong nhiều thập kỷ để khẳng định lợi ích của họ bên ngoài biên giới nước này.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta thấy trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo, là sự ẩn mình và che giấu đã biến mất. Họ quyết đoán hơn nhiều khi nói rõ rằng đang tìm cách trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới, nước đặt ra các chuẩn mực, đặt ra các tiêu chuẩn và đưa ra một mô hình mà họ hy vọng các quốc gia khác và mọi người sẽ ghi nhận đến".

Antony Blinken cho biết nghĩa vụ của Mỹ “phải chứng minh rằng tầm nhìn mà chúng ta có, các chính sách chúng ta theo đuổi và cách chúng ta thực hiện nó, hiệu quả hơn nhiều trong việc thực sự mang lại cho người dân của chúng ta, cũng như cho mọi người trên thế giới, để đảm bảo rằng mô hình của chúng tôi hợp thời đại”.

Ngoài ra, Antony Blinken tiết lộ rằng sẽ làm việc để phục hồi nền ngoại giao bị tổn hại của Mỹ và xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại những thách thức do Nga, Trung Quốc, Iran đặt ra.

Blinken cho biết ông sẽ làm việc với các đồng minh với sự khiêm tốn. “Chúng tôi có một nhiệm vụ lớn phía trước trong việc khôi phục, làm sống lại những mối quan hệ đó. Tôi thực sự nghĩ rằng nó bắt đầu… với việc hiển thị trở lại. Một số đồng minh và đối tác của chúng tôi đặt câu hỏi về tính bền vững của các cam kết của chúng tôi vài năm qua. Đó sẽ là một ngọn đồi khó leo lên”, ông nói.

ngoai-truong-my-thoi-biden-ung-ho-cach-ong-trump-chong-trung-quoc-va-ho-tro-dai-loan2.jpg
Ông Blinken nhận lời khen từ chủ tịch sắp mãn nhiệm và chủ tịch sắp tới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - ảnh: Reuters

Là chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu và thân tín với ông Biden, Blinken tin rằng sự lãnh đạo của Mỹ là quan trọng nhưng cũng nên có lợi cho những người trong nước.

Ông cho hay: “Nếu chúng ta muốn người dân ủng hộ sự lãnh đạo của Mỹ, sự tham gia của người Mỹ trên thế giới thì chúng ta phải chứng minh rằng điều đó đang thực sự cải thiện cuộc sống của họ hoặc ngăn chặn điều gì đó”.

Blinken cho rằng cần phải củng cố nền dân chủ ở quê nhà: “Sự khiêm tốn vì chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm ở quê nhà để nâng cao vị thế của mình ở nước ngoài".

Cách tiếp cận của Blinken hoàn toàn trái ngược với chiến dịch của Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Mike Pompeo để lấy lại “tiếng tăm” cho Bộ Ngoại giao.

Blinken nói thách thức mà Nga đặt ra, vốn bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và một cuộc tấn công mạng trên diện rộng vào Chính phủ Mỹ năm ngoái, là rất cao trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden.

Blinken cho biết chính quyền Biden dự định xem xét cách tiếp cận và chính sách của Mỹ với Triều Tiên, tham khảo ý kiến ​​chặt chẽ với các đồng minh về cách đưa Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Về Iran, Blinken nói Mỹ còn "một chặng đường dài" để tái gia nhập hiệp ước hạt nhân năm 2015, trong đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc bỏ các lệnh trừng phạt. Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận năm 2018, nói rằng nó không đi đủ xa.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Blinken sẽ gặp khó khăn khi được Thượng viện xác nhận. Trong suốt phiên điều trần, Blinken đã nhận được lời khen ngợi của lưỡng đảng từ các thượng nghị sĩ.

Vào cuối phiên điều trần (kéo dài 4 giờ 30 phút), Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ - Bob Menendez, chủ tịch sắp tới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết hy vọng Thượng viện sẽ xác nhận Blinken càng nhanh càng tốt. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa - Jim Risch, chủ tịch sắp mãn nhiệm, cũng khen ngợi Blinken.

Bài liên quan
Tổng thống Trump ra đi: Ai thở phào, ai nuối tiếc?
Tổng thống Trump ra đi sau khi thất cử. Trên thế giới, ai thở phào và ai nuối tiếc. Trang The New York Times đã có một bài bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trưởng Mỹ thời Biden ủng hộ cách Trump chống Trung Quốc và hỗ trợ Đài Loan, e ngại Nga