Liệu Trung Quốc có thể đổi mới và vượt qua Mỹ trong cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ không?
Nhịp đập khoa học

Nghiên cứu từ Mỹ: ‘Sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc mạnh mẽ và đáng lo ngại hơn những gì từng biết’

Sơn Vân 19/09/2024 22:32

Liệu Trung Quốc có thể đổi mới và vượt qua Mỹ trong cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ không?

Cuộc điều tra kéo dài 20 tháng về hiệu suất đổi mới của 44 công ty Trung Quốc trên các công nghệ chính, gồm năng lượng hạt nhân, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô điện và khoa học vật liệu, đã tiết lộ câu trả lời đáng lo ngại cho Mỹ.

Các nhà phân tích từ Information Technology and Innovation Foundation (ITIF), nhóm nghiên cứu tại Washington, đã trình bày những phát hiện của họ tại một sự kiện ở Đồi Capitol, kêu gọi các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách Mỹ giải quyết những thách thức do sự đổi mới của Trung Quốc đặt ra.

"Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng dù hệ thống đổi mới của Trung Quốc không hoàn hảo, nhưng mạnh mẽ hơn nhiều so với sự hiểu biết trước đây. Bằng chứng đến nay cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đứng đầu về tổng thể nhưng đã dẫn đầu trong một số lĩnh vực nhất định. Ở nhiều lĩnh vực khác, các công ty Trung Quốc có khả năng sẽ ngang bằng hoặc vượt qua những hãng phương Tây trong vòng một thập kỷ hoặc lâu hơn", Stephen Ezell, Phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại ITIF, phát biểu tại cuộc họp.

Stephen Ezell cho biết các công ty Trung Quốc đang hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, ô tô điện và pin, song gọi tốc độ đổi mới của họ ở lĩnh vực bán dẫn tiên tiến là khiêm tốn.

Các nhà phân tích đánh giá 44 công ty Trung Quốc dựa trên khoản đầu tư vào R&D (nghiên cứu & phát triển), nhân sự, sự hiện diện của các nhóm đổi mới nội bộ, giải thưởng quốc tế và thị phần, rồi so sánh những yếu tố này với các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tương ứng của họ.

Theo những phát hiện do Robert Atkinson (Chủ tịch ITIF) viết Trung Quốc có khả năng đi trước Mỹ từ 10 đến 15 năm về triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4 ở quy mô lớn.

Trung Quốc đang xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, đã triển khai chúng ở thập kỷ qua nhiều hơn so với Mỹ trong 30 năm qua.

Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ về sản xuất điện hạt nhân, trở thành quốc gia đầu tiên triển khai hoạt động các lò phản ứng thế hệ thứ 4 tiên tiến với thiết kế mới và hệ thống an toàn thụ động.

Hệ thống an toàn thụ động là công nghệ được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân, giúp đảm bảo an toàn ngay cả khi không có nguồn cung cấp năng lượng bên ngoài hoặc sự can thiệp của con người. Khác với hệ thống an toàn chủ động, cần sử dụng máy bơm, van điều khiển hoặc các thiết bị cơ học cần nguồn điện để hoạt động, hệ thống an toàn thụ động chủ yếu dựa vào các quy luật vật lý tự nhiên như lực hấp dẫn, đối lưu nhiệt hoặc áp suất để kiểm soát tình huống.

Về lĩnh vực ô tô, Stephen Ezell mô tả: "Thật đáng kinh ngạc khi Trung Quốc chỉ sản xuất 5.200 xe vào năm 1985 và năm nay dự kiến ​​tạo ra 26,8 triệu chiếc. Con số đó sẽ chiếm 21% thị phần toàn cầu. Dự kiến ​​Trung Quốc sẽ đạt 30% thị phần toàn cầu cuối thập kỷ này".

Hiện tại, Trung Quốc sản xuất 62% ô tô điện và 77% pin ô tô trên thế giới.

Trong lĩnh vực dược phẩm sinh học, cuộc điều tra của ITIF phát hiện rằng dù Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ và các nước phương Tây khác, nhưng đang nhanh chóng bắt kịp. Từ năm 2002 đến 2019, thị phần giá trị gia tăng toàn cầu của Trung Quốc trong ngành dược phẩm sinh học đã tăng gấp 4 lần lên gần 25%.

Thị phần giá trị gia tăng toàn cầu là chỉ số quan trọng để đo lường phần đóng góp của một quốc gia, một ngành hàng hoặc một công ty vào giá trị sản phẩm cuối cùng được bán ra trên thị trường quốc tế.

Ở lĩnh vực robot, Stephen Ezell cho biết: "Chúng tôi thấy rằng các công ty Trung Quốc không sáng tạo bằng những hãng Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản, ngoại trừ Kuka. Tuy nhiên năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai nhiều robot công nghiệp hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ thấy tác động từ robot và tự động hóa thúc đẩy phần còn lại nền kinh tế sản xuất của họ". Kuka là nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức được hãng thiết bị gia dụng Midea Group (Trung Quốc) mua lại vào năm 2016.

Về chất bán dẫn, cuộc điều tra phát hiện rằng công nghệ của Trung Quốc chậm hơn khoảng 2 đến 5 năm so với các nước dẫn đầu toàn cầu, với chip tiên tiến mới nhất do Huawei sản xuất thì chậm hơn 3 năm.

Năm 2020, Huawei phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ nên không thể tiếp cận được nguồn cung cấp chip quan trọng. Song năm ngoái, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã khiến Mỹ bất ngờ khi tung ra dòng smartphone Mate 60 hỗ trợ 5G, sử dụng chip Kirin 9000s tiên tiến do SMIC sản xuất trong nước. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.

Phien-ban-Huawei-Mate-60-Pro-voi-tinh-nang-chong-nghe-len-cuoc-goi-lieu-co-the-bi-hack.jpg
Smartphone Huawei Mate 60 Pro sử dụng chip Kirin 9000s tiên tiến do SMIC sản xuất - Ảnh: SCMP

Tháng 9 này, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới với máy tính lượng tử và những công cụ sản xuất chip tiên tiến để bảo vệ ưu thế về công nghệ của nước này. Điều đó diễn ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh kiểm soát xuất khẩu vào năm 2022 nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip điện toán tiên tiến, cản trở quá trình phát triển, bảo trì siêu máy tính cũng như hạn chế năng lực sản xuất chất bán dẫn của nước này.

Kể từ khi chính phủ Mỹ cấm các hãng chip trong nước xuất khẩu chip tiên tiến đến Trung Quốc, Nvidia, Intel và AMD đã tạo ra các phiên bản cấp thấp của chip mạnh nhất cho thị trường nước này.

Trung Quốc chiếm khoảng 17% doanh thu của Nvidia trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1.2024, giảm so với mức 26% của hai năm trước đó. Huawei đang chứng tỏ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Nvidia về chip AI ở Trung Quốc.

Mate XT, smartphone gập ba phần đầu tiên trên thế giới của Huawei, đang thách thức dòng iPhone 16 ra mắt tuần trước tại Trung Quốc. Mate XT có màu đỏ và đen với màn hình hiển thị 10,2 inch. Với chiều rộng 3,6mm, Mate XT được Huawei quảng cáo là smartphone gập mỏng nhất thế giới và có bàn phím gắn vừa trong túi của bạn.

Nhu cầu mạnh mẽ với Mate XT, vốn đang khan hiếm, đã thúc đẩy các nhà cung cấp thiết bị điện tử tiêu dùng ở chợ Hoa Cường Bắc tăng gấp ba lần giá bán trước khi nó chính thức lên kệ hôm 20.9. Hoa Cường Bắc là chợ bán buôn điện tử lớn nhất thế giới ở quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

huawei-mate-xt-man-hinh-gap-ba-gay-sot-ke-dau-co-day-gia-tu-69-len-348-trieu-dong-3-.jpg
Mate XT là smartphone gập ba phần đầu tiên trên thế giới - Ảnh chụp màn hình

Từng làm việc về chính sách công nghệ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Rick Switzer cảnh báo rằng Trung Quốc đang theo kịp Mỹ về các chip truyền thống được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ máy giặt đến tủ lạnh đến hệ thống quốc phòng.

"Nếu không kiểm soát được các chip truyền thống, bạn sẽ mất quyền kiểm soát toàn bộ nền tảng cơ bản của công nghệ", ông nói.

Rick Switzer khẳng định rằng báo cáo từ ITIF đã phá vỡ một số quan niệm sai lầm về sự đổi mới của Trung Quốc chủ yếu dựa trên công nghệ sao chép từ phương Tây.

Ông đã trích dẫn một chuyến đi gần đây đến Trung Quốc của các lãnh đạo hãng ô tô Ford (Mỹ). Họ thấy rằng ô tô điện Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà còn "sáng tạo hơn".

"Trung Quốc có thể đổi mới. Họ đổi mới mọi lúc. Sự tiến bố và đổi mới công nghệ của Trung Quốc không chỉ dựa vào việc sao chép công nghệ. Họ thực sự làm việc rất chăm chỉ", Rick Switzer bình luận.

Tesla của Elon Musk có thể chứng thực cho thách thức này. Năm 2023, BYD (Trung Quốc) nổi lên là hãng sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới, bán được khoảng 3 triệu chiếc. Cùng năm 2023, Tesla đã bán được 1,81 triệu ô tô điện trên toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, doanh số ô tô điện của Tesla tại Trung Quốc giảm 5%.

nghien-cuu-tu-my-su-doi-moi-cong-nghe-cua-trung-quoc-manh-me-va-dang-lo-ngai-hon-nhung-gi-tung-biet1.jpg
BYD vượt Tesla trở thành hãng ô tô điện bán chạy nhất năm 2023 - Ảnh: Internet

Mỹ đã chú ý đến điều này. Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden áp thuế 100% với ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Ông nói rằng, muốn Mỹ đến năm 2030 sẽ sản xuất pin ô tô điện không phụ thuộc vào đầu vào của Trung Quốc, chẳng hạn khoáng chất quan trọng.

Rick Switzer lưu ý các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu Mỹ đã cùng xuất bản nhiều bài báo với đối tác Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ông nói thêm rằng khoảng 70% sinh viên người Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không ở lại Mỹ sau khi học tại các trường nước này, mà họ trở về quê hương làm việc tại các công ty Trung Quốc và phòng thí nghiệm do nhà nước điều hành.

"Khả năng tận dụng kiến thức và kỹ năng sáng tạo từ những sinh viên mới tốt nghiệp và sau tiến sĩ đang làm việc trong hệ thống của Mỹ là một trong những yếu tố chính giúp Trung Quốc duy trì tính đổi mới và trở thành người theo sau nhanh chóng, ngang hàng hoặc dẫn đầu thực sự trong ngành trên nhiều phương diện", Rick Switzer nhận định.

Phát biểu bế mạc sự kiện ở Đồi Capitol, Dân biểu John Moolenaar (đảng viên đảng Cộng hòa ở bang Michigan và là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ) cho biết kiểm soát vốn ra nước ngoài và xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng với chiến lược phòng thủ của Mỹ chống lại Trung Quốc.

"Các hạn chế về xuất khẩu và vốn ra nước ngoài là điều kiện cần thiết để chúng ta giành chiến thắng trước Trung Quốc. Bằng cách kết hợp các loại công cụ này với những khoản đầu tư vào sự đổi mới của chính mình, chúng ta có thể đạt được chiến thắng", ông tuyên bố.

Tháng 8.2023, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm dòng vốn của Mỹ chảy vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như chip, AI và điện toán lượng tử.

Emily Jin, chuyên gia phân tích của Datenna - công ty nền tảng trí tuệ dữ liệu (ở Hà Lan) tập trung vào Trung Quốc, cảnh báo rằng cường quốc châu Á đang "tiến triển nhanh chóng và thậm chí dẫn đầu trong một số lĩnh vực tiên tiến để biến vị thế hàng đầu về công nghệ thành tăng trưởng kinh tế và quyền lực địa chính trị".

Hơn nữa, Emily Jin tin rằng: “Môi trường ý thức hệ của Trung Quốc ít xảy ra sự bất đồng, tranh cãi hơn so với ở Mỹ ngày nay. Cụ thể hơn, cách tiếp cận của Trung Quốc với chính sách công nghiệp và nâng cấp công nghệ được hỗ trợ bởi sự nhiệt thành ý thức hệ gần như thống nhất mà Mỹ hiện không thể sánh kịp".

Bài liên quan
Mỹ nhắm vào nền tảng thương mại điện tử lớn Trung Quốc, muốn cắt giảm miễn thuế các mặt hàng nhập khẩu giá trị thấp
Chính quyền Biden đã công bố các biện pháp mới, chủ yếu nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein, để giảm phạm vi các mặt hàng nhập khẩu giá trị thấp đủ điều kiện được miễn thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu từ Mỹ: ‘Sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc mạnh mẽ và đáng lo ngại hơn những gì từng biết’