“Với sự ra đời của quy định “luật sư tố giác thân chủ” trong Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua làm cho giới luật sư chưa hết ngỡ ngàng thì dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP như đang “dội thêm gáo nước lạnh” vào giới luật sư”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.

Nghị định 123/2013/NĐ-CP sửa đổi như ‘dội gáo nước lạnh’ vào giới luật sư

Trí Lâm | 04/07/2017, 11:08

“Với sự ra đời của quy định “luật sư tố giác thân chủ” trong Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua làm cho giới luật sư chưa hết ngỡ ngàng thì dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP như đang “dội thêm gáo nước lạnh” vào giới luật sư”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số123/2013/NĐ-CPngày 14.10.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư.

Theo bộ này, tiêu chuẩn, chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư chưa đồng đều, nhất là tiêu chuẩn liên quan đến ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt. Thậm chí có một số trường hợp đã từng có hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật, tước quân hàm, quân hiệu, cách chức… nhưng vẫn có thể trở thành luật sư.

Thêm vào đó, hiện tượng luật sư vi phạm pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có chiều hướng gia tăng làmgiảm sút hình ảnh, uy tín của nghề luật sư trong xã hội. Một số các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật luật sư nhưng hình thức xử phạt chưa đủ răn đe.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về dự thảo này, Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết còn nhiều điều mơ hồ, chưa phù hợp.

- Quan điểm của ông thế nào về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số123/2013/NĐ-CP của Bộ Tư pháp?

Luật sư Kiều Anh Vũ:Với sự ra đời của quy định “luật sư tố giác thân chủ” trong Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua làm cho giới luật sư chưa hết ngỡ ngàng thì dự thảoNghị định sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP có lẽ đang “dội thêm gáo nước lạnh” vào giới luật sư.

Có đồng nghiệp chia sẻ nghề luật sư ngày càng “ngột ngạt”, “bị quản lý gay gắt” và dường như việc hành nghề luật sư đang bị siết chặt hơn bởi “vòng kim cô” vô hình nào đó. Trong bối cảnh nghề luật sư ở Việt Nam còn rất non trẻ, những quy định giới hạn đối với luật sư như những quy định gần đây có vẻ như đang đi ngược với chiến lược cải cách tư pháp, đề án phát triển luật sư, chiến lược phát triển luật sư và vô tình tạo nên những rào cản đối với sự phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam.

Tôi hy vọng ban soạn thảo sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của giới luật sư -đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh trực tiếp - đối với dự thảo lần này để có những quy định phù hợp nhất, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số luật sư và vì sự phát triển của luật sư Việt Nam.

- Xin ông nêu một số ví dụ?

Luật sư Kiều Anh Vũ:Ví dụ như Khoản 3 Điều 2a của dự thảo quy định người có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tính trung thực hoặc bị xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên hoặc bị xử lý kỷ luật do có hành vi liên quan đến nhận thức chính trị thì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt.

Để đánh giá thế nào là “liên quan đến nhận thức chính trị” là rất mơ hồ. Đây là một tiêu chí khó xác định và có vẻ như đã đánh đồng “nhận thức chính trị”, bị xử lý kỷ luật về nhận thức chính trị với việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân.

Tôi cho rằng lấy nhận thức chính trị là tiêu chí để đánh giá việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phẩm chất đạo đức là không được tương xứng vì đó là những vấn đề khác nhau, Hiến pháp là Hiến pháp, pháp luật là pháp luật. Nếu vi phạm vào những điều khoản cụ thể của Hiến pháp, vi phạm những quy phạm pháp luật cụ thể thì đó mới là vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Vi phạm kỷ luật cũng không hẳn là vi phạm Hiến pháp, pháp luật hay phẩm chất đạo đức không tốt. Về mặt lý luận, “tuân thủ pháp luật”, “vi phạm pháp luật” lại là những phạm trù khác nhau.

Về Khoản 5 Điều 2a của dự thảo,với quy định này thì hầu như một vi phạm bất kỳ của luật sư đều có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghềvì phạm vi điều chỉnh ở đây quá rộng.

Việc thu hồi chứng chỉ hành nghề cũng tương đương với việc xử lý luật sư bằng hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất là xóa tên khỏi Đoàn Luật sư. Quy định như vậy là quá nghiêm khắc bởi lẽ nghề luật sư tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, và trong bối cảnh pháp luật còn nhiều bất cập, “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng” thì việc luật sư có vi phạm nào đó nhiều khi cũng không tránh khỏi (vì vậy hành nghề luật sư phải mua bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc).

Việc thu hồi chứng chỉ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với luật sư, ảnh hưởng đến sự nghiệp cả đời của họ nên chỉ những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mới phải xử lý theo hình thức này. Tôi cho rằng cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh của khoản này và phân hóa hành vi, mức độ vi phạm cụ thể đối với trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề chứ không thể gom chung một “rọ” như vậy.

- Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định như Khoản 1, khoản 2 Điều 2a của dự thảovề trường hợp người đã bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt… sau khi chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật, xử phạt, được xóa án tích, nếu có đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì phải đáp ứng quá nhiều điều kiện. Ý kiến của ông thế nào?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Những quy định này đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm rườm rà thêm quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo quy định của pháp luật, sau khi chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt hành chính hoặc được xóa án tích thì coi như chưa bị vi phạm.

Vì vậy, việc yêu cầu phải có thêm văn bản giải trình, văn bản xác nhận, phỏng vấn liệu có cần thiết và hợp lý không khi pháp luật đã coi họ không còn vi phạm? “Những người không vi phạm pháp luật đều tốt như nhau”, liệu cơ quan nào có đủ tư cách để đánh giá phẩm chất đạo đức của người khác là tốt hay không?

Việc xác nhận, phỏng vấn sẽ được thực hiện như thế nào, quy trình ra làm sao, vẫn còn rất mơ hồ! Tôi cho rằng chỉ cần có cam kết của họ là được, nếu phát hiện họ cam kết không trung thực thì sẽ không cấp chứng chỉ hoặc thu hồi chứng chỉ đã cấp.

- Dư luận cũng đang băn khoăn đối với quy định tại Điều 2b, theo đóluật sư “cần có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội theo đúng nguyên tắc hành nghề luật sư được quy định tại Điều 5 của Luật luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư”, “không được có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư, phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác”. Quan điểm của ông thế nào?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Tôi cho rằng cần phân biệt luật sư phát ngôn với tư cách của luật sư trong quá trình hành nghề và luật sư phát ngôn với tư cách cá nhân trên các trang thông tin điện tử cá nhân, trang mạng xã hội cá nhân của họ.

Họ có thể phát ngôn, có quan điểm riêng về vấn đề nào đó, dưới góc độ xã hội hoặc pháp lý, với tư cách cá nhân thì liệu rằng có chịu sự điều chỉnh của quy định này hay không? Và như thế nào là “gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư, phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác”?

Ví dụ luật sư của nguyên đơn có thể thông tin vụ án của họ trên facebook, họ thông tin những tình tiết đã được công khai, đã được khách hàng đồng ý nhưng vì họ là phái nguyên đơn nên sẽ ảnh hưởng đến bị đơn, như vậy có coi là “phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác” hay không?

Việc các luật sư của các bên đối tụng hoặc các luật sư có các quan điểm trái chiều tranh luận trên mạng xã hội có bị coi là “gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư” hay không?,… Nói chung quy định này còn rất mơ hồ và luật sư rất dễ bị coi là vi phạm nếu không thận trọng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: luật sư “không được nhận và thực hiện vụ, việc với mục đích trái pháp luật, trái nguyên tắc hành nghề luật sư; không được tập trung, lôi kéo, kích động người khác nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”. Đây cũng là những quy định rất định tính.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm(thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định 123/2013/NĐ-CP sửa đổi như ‘dội gáo nước lạnh’ vào giới luật sư