Lời xin lỗi của nghệ sĩ đích thực luôn chứa đựng những phản tỉnh và mang tính răn đe đối với chính mình, họ sẽ không cho phép bản thân lặp lại sai lầm cũ.
Hoàng Thùy Linh vừa gửi thư xin lỗi tới người hâm mộ sau loạt ồn ào về phát ngôn. Tuy nhiên, lời xin lỗi của nữ ca sĩ vẫn gây ra phản ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng những lời xin lỗi đó chưa đủ thành ý.
Tuy nhiên, Hoàng Thùy Linh chỉ là một minh chứng gần nhất khi bàn về "văn hoá xin lỗi" đang rất có vấn đề của nghệ sĩ Việt trong thời gian qua. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đã chia sẻ với trên VTC News về vấn đề này.
P.V: Thời gian qua, ồn ào về những phát ngôn của Hoàng Thuỳ Linh trở thành tâm điểm tranh cãi của khán giả. Nhiều người cho rằng nữ ca sĩ có thái độ trịch thượng, xem thường giới truyền thông và khán giả. Với góc nhìn của mình, anh đánh giá vấn đề này thế nào?
Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang: Tôi hơi tiếc cho Linh - một người theo tôi là có năng lực, ý chí vượt qua chính mình. Linh có thể chọn cách trả lời phù hợp, tinh tế trước câu hỏi của phóng viên hơn là phản ứng theo cách “xù lông, xù cánh”.
Ở một khía cạnh nào đó, phản ứng của Linh trước cơ quan báo chí, theo tôi có thể hiểu và lý giải được. Đó là tâm lý đề phòng của một người từng “ngã ngựa” và từng trải qua những biến cố truyền thông. Khi tâm lý này phát triển đến mức mà mọi ánh nhìn hay thái đội của người khác hướng đến mình, dù là đóng góp chân thành cũng đều trở thành sự hoài nghi thì chuyện phản ứng ra mặt cũng là điều dễ hiểu.
Với một nghệ sĩ biểu diễn thì tâm lý trên là điều không nên có. Nó sẽ cản bước Linh đến gần với công chúng, mà sâu xa hơn nó sẽ “thủ tiêu” cá tính sáng tạo trong sản phẩm của người nghệ sĩ.
Tôi cũng đồng ý cho rằng bên cạnh truyền thông nhân văn vẫn sẽ có truyền thông đen cùng tồn tại. Song nếu bạn có thực lực thì chắc chắn không một thế lực truyền thông đen nào có thể bôi xấu. Nếu Linh không có chiêu trò với sản phẩm của mình thì truyền thông cũng khó có thể chiêu trò lại với bạn ấy.
Việc nghệ sĩ không kiểm soát được cái tôi trong lời nói cho thấy họ đang quá tự cao về bản thân hay một lý do nào khác?
- Nghệ sĩ kiểm soát cái tôi được hay không thường nằm ở văn hoá ứng xử. Mà văn hóa ứng xử không tự nhiên có, đó là quá trình tích luỹ không ngừng kiến thức và trải nghiệm thực tế. Người kiểm soát được cái tôi tốt thường là người sẽ có phông văn hoá tốt cho mọi tình huống ứng xử thực tiễn. Nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật, cái tôi là yếu tố cần thiết để sáng tạo nội dung sản phẩm, song nó cũng cần được cất đi khi bước ra khỏi tác phẩm. Sự ngạo nghễ không thể làm người nghệ sĩ tốt lên trong lòng công chúng, ngược lại, nó là yếu tố phản đòn đối với người nghệ sĩ, khiến tác phẩm của họ đang tốt trở thành phản cảm lây trong mắt khán giả.
Hoàng Thuỳ Linh không phải là trường hợp duy nhất có những phát ngôn bị đánh giá là trịch thượng. Gần đây, cũng có rất nhiều nghệ sĩ khác bị chỉ trích vì vấn đề này. Liệu có phải do khán giả quá khắt khe không?
- Đúng như bạn nói, không chỉ Hoàng Thuỳ Linh mà gần đây thường xuyên có hiện tượng các nghệ sĩ có những phát ngôn trịch thượng, coi thường người khác. Chẳng hạn trước đó, chúng ta từng chứng kiến “Cái tát của mẹ” ở Xuân Bắc - cũng trịch thượng, ngạo nghễ không kém. Vì đâu nên nỗi như vậy? Tôi nghĩ khán giả rất công bằng, họ sẵn sàng cho đi tình yêu của mình với nghệ sĩ chuẩn mực, nhưng cũng không ngần ngại đóng cửa trái tim đối với những "nghệ sĩ suy thoái". Vậy hẳn lỗi không thể nằm ở phía công chúng được, chẳng ai tự đóng cửa trái tim mình cả.
Nguyên do nằm ở thái độ tự do thái quá, xem thường khán giả của những “nghệ sĩ suy thoái”. Đó là những người xem thường các quy tắc nghệ thuật, và ở một khía cạnh nào đó, họ cũng tự xem thường chính mình, tự đánh mất mình.
Anh nhận định thế nào về lời xin lỗi mà các nghệ sĩ đưa ra trong thời gian vừa qua? Lời xin lỗi đó đã đủ chân thành chưa hay chỉ mới dừng lại ở động thái xoa dịu dư luận?
- Đa phần lời xin lỗi của những nghệ sĩ trong thời gian vừa qua đều chỉ là phương án "chữa cháy" về truyền thông, chứ không phải là sự hối lỗi hay ăn năn. Bởi vì lời xin lỗi của một nghệ sĩ đích thực luôn chứa đựng những phản tỉnh và mang tính răn đe đối với hành vi của mình. Họ không cho phép mình lặp lại sai lầm cũ.
Trong khi đó, những nghệ sĩ như Hoàng Thuỳ Linh thì lời xin lỗi chỉ là lời nói suông, bởi phía sau hành động xin lỗi vẫn là sự tái lặp cho những sai lầm bản thân. Tôi tin rằng, Hoàng Thuỳ Linh là người thông minh và bạn ấy đủ chín chắn để hiểu rằng ứng xử không phù hợp trước truyền thông đồng nghĩa với việc tự đẩy mình vào những khó khăn. Nhưng tại sao bạn ấy vẫn tái lặp những sai phạm ấy của mình? Đó mới là vấn đề.
Có nhận xét cho rằng, những phát ngôn gần đây của các nghệ sĩ, dường như không chỉ còn là lỡ lời nữa, mà nó đã thể hiện phông văn hóa của họ. Anh nghĩ sao về điều này?
- Phông văn hóa yếu kém chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phía dưới phần nổi ấy là lối sống, thái độ sống bừa bãi, thiếu chừng mực, thiếu rèn luyện. Chính cái phần chìm sâu xa của tảng băng mới “giết chết” phẩm chất của người nghệ sĩ một cách âm thầm, mạnh mẽ, mà chính người nghệ sĩ cũng chưa hẳn đã nhận ra.
Nhưng cũng có người cho rằng, nổi tiếng luôn đi kèm với tai tiếng. Nghệ sĩ khi đứng dưới vầng hào quang tự khắc cũng sẽ bị mọi người soi mói hơn, bàn tán hơn?
- Tôi không cho rằng nổi tiếng luôn đi kèm tai tiếng. Hai phạm trù này hoàn toàn khác biệt và tách rời nhau. Nổi tiếng là giá trị tự thân của sản phẩm nghệ thuật. Tự tác phẩm của người nghệ sĩ có đời sống riêng, làm cho vai trò người nghệ sĩ được nâng cao. Còn tai tiếng rõ ràng là “chiêu trò” chứ không phải là giá trị. Người ta thường sử dụng đến chiêu trò khi mà năng lực thực chất không đủ làm nên giá trị của sản phẩm nghệ thuật.
Một người nghệ sĩ khi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, thường họ đã là một giá trị khó có thể hạ bệ. Dù cho trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của họ sẽ có lúc sẩy chân, lỡ lời nhưng đó chỉ là những tai nạn luôn có trong cuộc sống này. Và nếu nghệ sĩ đến với nghệ thuật bằng cả cuộc sống của mình, thì khán giả sẽ chẳng bao giờ xét nét đến những tai nạn nhỏ đó.
Theo anh nghệ sĩ nên làm thế nào để có thể tránh xa những scandal bất lợi?
- Tôi cho rằng, cách bảo vệ mình tốt nhất có lẽ là đối diện với sự thực. “Thật thà là cha quỷ quái” - sự thực chính là tấm khiên bảo vệ vững chắc nhất đối với sản phẩm của người nghệ sĩ. Truyền thông nếu có suy diễn thì cũng không thể thoát được sự thật. Cho nên việc nghệ sĩ có cái tôi cá tính của mình là cần thiết nhưng nếu không kiểm soát được cái tôi ấy thì lại là bất lợi.
Đã có thời, nghệ sĩ cố tình phát ngôn ngông để được khán giả chú ý, còn hiện nay, dường như điều đó sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Anh nghĩ sao về điều này?
- Để được khán giả chú ý theo tôi có nhiều cách, trong đó việc tạo ra các scandal là cách phổ biến để gây chú ý. Song thái độ của khán giả đằng sau sự gây ra chú ý ấy của nghệ sĩ là gì? Là sự thờ ơ, xem thường hay là cái quay lưng đầy lặng lẽ, mới chính là vấn đề.
Thực tế cho thấy rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đi lên nhờ chiêu trò. Nhưng nổi tiếng là một chuyện, còn có giữ được sự nổi tiếng đó theo thời gian hay không lại là chuyện khác. Khán giả luôn là những “vị quan toà” cho những chọn lọc công bằng đối với nghệ thuật.
Việc khán giả ngày càng phản ứng mạnh với những nghệ sĩ phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu sự khiêm tốn, theo anh nó cho thấy điều gì?
Việc khán giả phản ứng mạnh với nghệ sĩ cho thấy những tiêu chuẩn giá trị nghệ thuật ngày càng được nâng cao. Nghệ sĩ trong con mắt khán giả giờ đây không chỉ là người tạo ra sản phẩm nghệ thuật, mà còn là biểu tượng văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, cái thiện. Vì vậy nếu chỉ có sản phẩm thôi, mà thiếu đi những phẩm chất còn lại thì sớm hay muộn người nghệ sĩ ấy cũng bị khán giả quay lưng hoặc tự đào thải.
Chúng ta cần nhớ rằng, người nghệ sĩ luôn có một vị trí nhất định trong xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vai trò của nghệ thuật, của người nghệ sĩ được đánh giá cao. Vì họ là những người sáng tạo xã hội, sáng tạo hình tượng con người theo tiêu chí của cái đẹp. Một khi cái đẹp trong lòng công chúng bị méo mó, bị siêu vẹo thì chắc chắn vai trò của người nghệ sĩ ấy không còn cao thượng nữa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng từng có những quy tắc về ứng xử, phát ngôn của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên có vẻ như quy tắc chưa "uốn" được ứng xử, phát ngôn lệch lạc của nhiều nghệ sĩ?
- Câu chuyện ban hành quy tắc, với chế tài xử lý ở ta đang bị “kênh”. Văn bản, thông tư hướng dẫn về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ thì nhiều, nhưng quyết tâm xử lý và chế tài xử lý thì lại thiếu, lại yếu.
Chúng ta cứ nhìn sang Trung Quốc thì thấy, nhiều nghệ sĩ tên tuổi thế giới như Trịnh Sảng, Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Lý Dịch Phong.., nếu có lối sống không lành mạnh ngay lập tức, họ bị “phong sát”, cấm diễn trên toàn mặt trận nghệ thuật. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền mà không hành động quyết liệt thì không thể có chỗ cho “môi trường nghệ thuật sạch” tồn tại.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!