Năm 2015, ngành ngân hàng được xem là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những tín hiệu tốt từ công tác tái cơ cấu ngân hàng, tín dụng, chính sách điều hành tỷ giá… Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2016 với nhiều biến động kinh tế cả trong và ngoài nước, ngành ngân hàng VN không thể chủ quan.

Ngành ngân hàng nỗ lực hơn trong năm 2016

Một Thế Giới | 05/03/2016, 10:59

Năm 2015, ngành ngân hàng được xem là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những tín hiệu tốt từ công tác tái cơ cấu ngân hàng, tín dụng, chính sách điều hành tỷ giá… Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2016 với nhiều biến động kinh tế cả trong và ngoài nước, ngành ngân hàng VN không thể chủ quan.

Điểm sáng của nền kinh tế
Nhìn nhận chung của các chuyên gia kinh tế cho thấy trong năm 2015 ngành ngân hàng khá linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). 
Theo đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, vấn đề nợ xấu của hệ thống được xử lý và bước đầu có những chuyển biến tích cực. Nhiều thành tựu mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tiền tệ ngành ngân hàng. Việc tái cơ cấu ngân hàng được xem là thành công nhất trong quá trình tái cơ cấu kinh tế thời gian vừa qua. Ngành ngân hàng gần như đã giải quyết cơ bản xong các ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh toán bằng các hình thức: sáp nhập, tăng vốn, cho liên doanh, cổ phần, mua 0 đồng… 
Những giải pháp được tiến hành đồng bộ, quyết liệt và phù hợp trên cơ sở tận dụng hạn chế mức thấp nhất nguồn lực nhà nước và tối đa nguồn lực từ tư nhân. Do đó, NHNN đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể, tài sản của nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, vì vậy nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt. Bên cạnh đó, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt cùng thị trường ngoại tệ tiếp tục được giữ ổn định. 
ngan hang nha nuoc, lai suat ngan hang, ngan hang cho vay, kinh te thi truong
Điều này góp phần giải quyết tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế. Tổng phương tiện thanh toán tăng 13,55% so với năm 2014, phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành của NHNN. Trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các TCTD trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5 - 6,6%/năm. Dù lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng đến 13,59% so với cuối năm 2014, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 
Thành công tiếp theo là việc cho thị trường vàng tự điều tiết theo quy luật cung cầu, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường. Tình trạng “vàng hóa” tiếp tục được ngăn chặn, góp phần ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam cũng xử lý được những vụ việc điển hình, hàng loạt cán bộ ngân hàng bị xử lý do liên quan đến việc làm mất vốn, tham ô, trục lợi trong hệ thống ngân hàng. Theo ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những nhiệm vụ chủ yếu trong tái cơ cấu kinh tế của năm 2015 là sắp xếp lại hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Trong 3 nhiệm vụ chính này thì công tác sắp xếp lại hệ thống ngân hàng là có tiến bộ nhất, trội nhất và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 
Theo TS Kiêm, cách thức điều hành tỷ giá mới đã thể hiện được tính linh hoạt có lên, có xuống phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong nước và đặc biệt là thị trường quốc tế. Cách thức điều hành này cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính. 
Chủ động trước mọi áp lực trong năm mới
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, NHNN xác định mục tiêu và các giải pháp trọng tâm như sau: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát dưới 5%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Phấn đấu chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18 - 20% so với cuối năm 2015. 
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD cũng được NHNN nhấn mạnh trong nhiệm vụ của năm mới. Rõ ràng, những thành công mà ngành ngân hàng đạt được trong năm 2015 đang là tiền đề để toàn ngành có được những bước tiến trong năm mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Cao Sĩ Kiêm, không dễ để thực hiện một số mục tiêu mà NHNN đề ra, bởi năm tới sẽ có nhiều diễn biến bất lợi cho thị trường tiền tệ. Năm 2016 tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2015, nhất là hệ thống tài chính - ngân hàng, do áp lực của kinh tế thế giới, đặc biệt là việc phát triển không đồng đều, có diễn biến phức tạp giữa các hệ thống tài chính, tiền tệ trên thế giới. 
Ông Kiêm cho hay: “Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ đẩy dòng vốn về Mỹ nhiều hơn, giá trị đồng đô la Mỹ tăng lên sẽ hút thị trường khác, nhất là các thị trường yếu hơn, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ chi phối đến xuất nhập khẩu, lãi suất, tỷ giá… của Việt Nam, bởi đồng tiền Việt Nam neo chặt vào đồng tiền USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng giá đồng nhân dân tệ nên cũng có tác động không nhỏ đến nước ta, vì Việt Nam nhập siêu quá nhiều từ quốc gia này. Vì thế, kinh tế thế giới có biến động thì buộc chúng ta phải điều chỉnh ngay”. 
Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vai trò của các NHTM hiện nay là quá nặng với tỷ trọng lên đến 75% tổng tài sản của toàn hệ thống tài chính. Trong khi đó, vai trò của thị trường vốn còn nhỏ bé (cung cấp vốn trung và dài hạn), điều này đáng lo ngại khi nền kinh tế phải trải qua những biến động của chu kỳ kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu các TCTD mặc dù trong thời gian qua được triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn cần thêm những hỗ trợ, giải pháp từ phía Chính phủ và NHNN để thúc đẩy, nhất là trong công tác tăng vốn. Ông Trần Bắc Hà cho rằng về phía Quốc hội và Chính phủ, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cho tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN. 
Đồng thời, cần đẩy mạnh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cụ thể là đổi mới từ tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào nguồn vốn và tài nguyên sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường quản lý và hỗ trợ hoạt động của thị trường chứng khoán để thị trường chứng khoán thật sự là kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Trí Hinh/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành ngân hàng nỗ lực hơn trong năm 2016