Ngân hàng Á Châu vừa công bố tài liệu trước đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015. Theo đó, ngân hàng ACB sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty Tài chính tổng hợp Ngân hàng Á Châu (Công ty Tài chính ACB).
Lý do được ACB đưa ra là hiện nay, trong số các nghiệp vụ tài chính mà Tập đoàn ACB cung cấp cho khách hàng thì có các nghiệp vụ như tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, và bao thanh toán.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một số dự thảo thông tư có thể sẽ ban hành chính thức trong thời gian tới. Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Khi 2 thông tư trên được ban hành thì sẽ có tác động đến ngân hàng thương mai như việc các nhà băng này có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do NHNN quy định. Mặt khác, Ngân hàng thương mại được thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng.
Do đó, để chuẩn bị cho việc ACB tiếp tục hoạt động kinh doanh về cho vay tiêu dùng sau khi có các thông tư nói trên, ngân hàng Á Châu cần thiết phải thành lập một công ty tài chính ACB.
Mô hình của công ty này là một công ty tài chính tổng hợp thực hiện các hoạt động bao gồm cả Tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán.
Sau khi Công ty tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép Ngân hàng Nhà nước sáp nhập vào đơn vị này.
Hiện nay, Việt Nam đang có 18 Công ty tài chính, trong đó 6 Công ty tài chính nước và 12 Công ty tài chính trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Tuy nhiên, 12 công ty này hiện đang hoạt động kém hiệu quả, bị sức ép lớn trước yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Trên thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng thường thấp hơn so với các Công ty tài chính khá nhiều. Thế nhưng, về thủ tục thì các Công ty tài chính giải quyết nhanh chóng hơn nhiều so với khối ngân hàng thương mại.
Phan Diệu