Chuyến thăm lịch sử của Vua Ả rập Saudi đến Nga được thu xếp đúng lúc, chỉ rõ Nga tăng uy thế quân sự-chính trị ở Trung Đông, theo trang tin National của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Chuyến thăm Nga của Vua Salman sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7.10, là lần đầu tiên một hoàng thân Ả rập Saudi đến Moscow. Ngày 2.10, trợ lý Yury Ushakov của Điện Kremlin xác nhận với hãng thông tấn TASS: Vua Salman sẽ thăm Nga từ ngày 5.10.
Tổng thống Nga tháo bỏ lò hơi bất mãn bằng cách hợp tác với OPEC
Theo AP, chuyến thăm diễn ra một tháng trước khi các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC (Ả rập Saudi là nhà sản xuất lớn nhất) họp với các nước khác (gồm Nga) để bàn việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô nhằm có thể tăng giá bán.
OPEC và các nước đồng minh đã thỏa thuận từ đầu năm 2017: giảm sản lượng xuống còn 1,8 triệu thùng/ngày trong 6 tháng. Dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận đến tháng 3.2018. Thỏa thuận này đã giúp giảm nguồn cung thừa dầu thô vào thị trường, giúp giá leo lên mức giá hiện nay là 55 USD/thùng.
Nga và Ả rập Saudi đều dựa mạnh vào việc xuất khẩu dầu thô, nhưng việc rớt giá dầu thô mạnh từ đầu năm 2014 đã làm nền kinh tế 2 nước bị suy giảm.
Dù tổ chức nghiên cứu Trung tâm Carnegie Moscow mô tả “sự bất tín sâu sắc” giữa Nga với Ả rập Saudi, quan hệ hợp tác giữa hai nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới cùng với các nước thành viên OPEC, đã có thành quả lớn làm tăng giá dầu thô.
Đây là một cách giải toán khéo léo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cần giá dầu thế giới cao hơn, khi kinh tế Nga lệ thuộc nhiều vào nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu. Tăng được giá dầu giúp ông Putin ngăn chặn sự bất mãn của người dân vốn phải chịu đựng một thời gian dài bị giảm chất lượng cuộc sống.
Ả rập Saudi nhận ra uy lực chính trị-quân sự Nga
Trong khi Nga-Ả rập Saudi là đồng minh về thị trường dầu thô toàn cầu, mỗi bên lại đứng về các phe đối đầu ở nội chiến Syria.
Trong tháng 9, ít nhất 3.000 người gồm 955 dân thường bị giết, là tháng chết người nhất trong cuộc nội chiến này, theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria.
Quan hệ Liên Xô-Ả rập Saudi từng đóng băng lạnh trong Chiến tranh Lạnh, đến độ mỗi bên không cử đoàn ngoại giao. Ả rập Saudi cũng từng chống lưng các lực lượng chống Hồng quân Liên Xô ở Afghanistan.
Trong bối cảnh này, chủ đề nói chuyện thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin với Vua Salman sẽ là nội chiến Syria, nơi mà Moscow ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Riyadh ủng hộ phe đối lập chống vị lãnh đạo Syria.
Ngày 30.9.2015, ông Putin đã ra lệnh cho quân Nga đến Syria giúp vực dậy chính phủ Assad, theo đề nghị của lãnh đạo Syria.
Từ cuộc can thiệp quân sự của Nga không chỉ bảo vệ được chế độ Assad mà còn làm thay đổi cán cân quyền lực ở Syria, Ả rập Saudi đang thúc đẩy đối thoại giữa Damascus với các nhóm nổi dậy.
Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng đối ngoại và quốc phòng Nga (tổ chức tư vấn cho Điện Kremlin) nói đây không phải lần đầu tiên Nga-Ả rập Saudi nỗ lực đồng ý về mọi điều trong những năm gần đây.
Ông nói tình hình đã thay đổi vì Ả rập Saudi nhận ra Nga là một thế lực chính trị-quân sự mạnh ở Trung Đông và từ bỏ thái độ tiêu cực, nghi ngờ Nga trước đây.
Chuyến thăm Moscow của Vua Salman đã được chuẩn bị từ ngày 10.9, khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov bay đến Ả rập Saudi, gặp nhà vua và Thái tử Mohammed bin Salman, vị kế ngôi và phụ trách mảng quốc phòng, năng lượng.
Sau cuộc nói chuyện này, ông Lavrov đã nói Ả rập Saudi ủng hộ cái gọi là ‘vùng tránh căng thẳng” ở Syria, một kế hoạch được tuyên bố sau cuộc gặp tháng 5 giữa các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tổng thống Putin nói ‘vùng tránh căng thẳng’ là cần thiết, để kết thúc nội chiến Syria.
Trước đây, Ả rập Saudi từng nghi ngờ kế hoạch này vì phe đối lập mà họ chống lưng đã không chấp nhận Iran làm nhà bảo đảm cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Thực tế chiến trường ở Syria cũng khiến các nước phương tây có quan điểm thực tiễn hơn, từ bỏ điều kiện tiên quyết trước đó là Tổng thống Assad phải ra đi trước khi có thể đạt đến bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Chỉ cần không có thêm lính Nga tử trận ở Syria
Nga có thể không có khả năng trực tiếp đối đầu với Mỹ ở Trung Đông nhưng biện pháp cứng rắn của ông Putin đối với khủng hoảng Syria đã giúp phục hồi vài ảnh hưởng thời Liên Xô tại Trung Đông.
Ông Assad bị quốc tế lên án thảm sát dân thường, nhưng sự ủng hộ của đồng minh Putin đã cho thấy lãnh đạo Nga sẵn lòng ủng hộ đồng minh ở Trung Đông, điều mà lãnh đạo ở khu vực này chắc chắn đã nhận ra.
Mặt khác, vị thế của Điện Kremlin cũng được củng cố mạnh, từ sự bất an đối với những chính sách về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Frolov có quan hệ rộng với Điện Kremlin, nói: “Ả rập Saudi đang đắn đo với khoản cược, không rõ Mỹ có hoàn toàn cam kết bảo vệ an ninh khu vực hay không. Nhưng Nga sẽ không dại chọn phương án 2 là đòi thay thế Mỹ ở khu vực này, bởi lẽ Nga không thể so sánh với Mỹ về nguồn lực đổ vào đây”.
Nhưng dù chiến lược ở Syria của ông Putin đã chứng minh được là một chính sách đối ngoại thành công, giúp tăng vị thế Nga ở Trung Đông, dân Nga lại không thích thú với cuộc chiến ở Syria.
Hồi đầu tháng 9, thăm dò của Trung tâm Levada (độc lập ở Nga) cho biết chỉ có 30 % số người Nga được hỏi đồng ý Nga nên tiếp tục cuộc can thiệp quân sự ở Syria. Tỉ lệ này sẽ còn giảm thấp hơn, nếu như tăng số quân lính Nga tử trận ở Syria, theo ông Frolov.
Hôm 28.9, quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khoe bắt sống 2 lính Nga ở tỉnh Deir Ezzor (đông Syria). Nếu đúng, đó sẽ là lần đầu tiên bọn IS bắt được con tin là quân nhân Nga. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận sự khoe khoang của bọn IS.
Trước đó, Bộ cho biết Trung tướng Valery Asapov - thuộc nhóm cố vấn quân sự Nga hy sinh ở chiến trường Syria khi ông đang ở một vị trí tiền tiêu, giúp quân Syria trong chiến dịch giải phóng thành phố Deir Ezzor.
TASS cho biết vị tướng bị trúng đạn cối của bọn IS, bị trọng thương và sau đó qua đời. Cho đến nay, có tổng cộng 37 lính Nga tử trận ở Syria, tính cả cái chết của tướng Asapov.
Khôn khéo gìn giữ uy lực, Nga không muốn tỏ ra ‘về phe’
Việc Moscow tái chú ý Trung Đông cũng khiến Ngoại trưởng Lavrov bay đến Vùng Vịnh, vào lúc căng thẳng tiếp tục giữa Qatar với các nước Vùng Vịnh.
Hồi tháng 8, ông gặp lãnh đạo Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Qatar. Giới truyền thông nhà nước Nga nói chuyến đi này chứng minh Nga là “trưởng đàm phán ở Trung Đông”.
Gần đây, Qatar tăng cường quan hệ với Nga, thông qua một thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD, mua lại một cổ phần của tập đoàn dầu khí Rosneft (thuộc nhà nước Nga).
Nga khôn khéo không để bị xem là thiên vị bên nào trong cuộc tranh chấp này. Tổng thống Putin từng hủy chuyến thăm Ả rập Saudi và Kuwait hồi mùa hè vì ngại các chuyến thăm này sẽ bị xem là Nga ‘về phe’.
Nga cũng không lên tiếng về chuyện người Kurd trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi Iraq. Rosneft vừa tuyên bố một thỏa thuận không quá 1 tỉ USD giúp người Kurd ở Iraq phát triển công nghiệp khí tự nhiên. Tính từ khi bắt đầu làm ăn ở Kurdistan, Rosneft đã có được những hợp đồng trị giá tổng cộng 4 tỉ USD.
Theo một nguồn tin cấp cao ở Erbil, thủ phủ của Kurdistan, “Moscow đã lấp chỗ trống của Mỹ một cách hiệu quả, khi Mỹ rút khỏi Iraq”.
Dù Nga không phản đối cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, Moscow cũng cẩn thận không làm hỏng quan hệ với Iraq, kêu gọi “một đất nước Iraq thống nhất” và đề nghị người Kurd có được một quốc gia độc lập thông qua đàm phán, thay vì đơn phương tuyên bố độc lập.
Đấy là những hành động đầy cân nhắc và tinh tế, thể hiện khả năng của Moscow ngày càng giỏi nắm lấy quyền lợi ở Trung Đông.
Vĩnh Thụy (theo AP, The National)