Moscow đang tìm cách giải quyết mối lo về "lính đánh thuê" từ Albania, Kosovo và Bosnia đang chiến đấu bên phía Ukraine chống lại quân ly khai thân Nga

Nga kiếm đồng minh từ Serbia, ngăn chặn lính đánh thuê Kosovo, Bosnia đến giúp Ukraine

A.T | 22/02/2022, 06:54

Moscow đang tìm cách giải quyết mối lo về "lính đánh thuê" từ Albania, Kosovo và Bosnia đang chiến đấu bên phía Ukraine chống lại quân ly khai thân Nga

Theo AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cử đặc phái viên an ninh hàng đầu của mình tới vùng Balkan, nơi Moscow đang cố gắng duy trì ảnh hưởng chủ yếu thông qua đồng minh Serbia.

Truyền thông chính thống của Serbia hôm 21.2 cho biết Nikolai Patrushev, thư ký của Hội đồng An ninh Điện Kremlin, sẽ đến Belgrade trong những ngày tới để hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Hiện Moscow chưa đưa ra thông báo về chuyến đi của Patrushev.

Các cuộc đàm phán được cho là tập trung vào tuyên bố của Moscow rằng "lính đánh thuê" từ Albania, Kosovo và Bosnia đang được gửi từ các quốc gia Balkan đó để chiến đấu bên phía Ukraine chống lại quân ly khai thân Nga trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công của Nga.

Những tuyên bố về lính đánh thuê do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra vào tuần trước. Trên hãng thông tấn Nga TASS, ông Lavrov cho biết: "Có thông tin rằng lính đánh thuê đang được tuyển dụng ở Kosovo, Albania và Bosnia và Herzegovina để đánh bật Nga và gửi họ đến những nơi gồm cả Donbass. Chúng tôi hiện đang kiểm tra kỹ điều đó". Các quan chức từ Albania, Kosovo và Bosnia đã bác bỏ điều này.

Hôm 21.2, Tổng thống Vucic đã triệu tập một cuộc họp của các quan chức an ninh hàng đầu của Serbia để thảo luận về các báo cáo về "lính đánh thuê" từ Balkan sẽ đến Ukraine. Trong quá khứ, hàng chục chiến binh người Serb đã từng chiến đấu ở miền đông Ukraine, nhưng theo phe quân ly khai thân Nga.

Serbia đã chính thức tuyên bố trung lập trong mối quan hệ Nga- Ukraine. Tuy nhiên, truyền thông do nhà nước kiểm soát của Serbia luôn ủng hộ Moscow trong cuộc khủng hoảng, mang nội dung theo hướng ủng hộ Nga mà không có bất kỳ hoài nghi.

Mặc dù chính thức xin trở thành thành viên Liên minh châu Âu, Serbia đã từ chối điều chỉnh các chính sách đối ngoại của mình với khối 27 quốc gia. Thay vào đó, Belgrade đã tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Nga và Trung Quốc.

Vucic vào cuối tuần qua đã tuyên bố rằng miễn là còn nắm quyền, Serbia sẽ không bao giờ gia nhập NATO và sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow và Bắc Kinh.

Minh họa mối quan hệ ngày càng tăng giữa hai đồng minh Slav, Serbia và Nga gần đây đã thành lập một "nhóm công tác" có nhiệm vụ chống lại các cuộc nổi dậy được gọi là "cuộc cách mạng màu" mà các quan chức an ninh hàng đầu của hai nước mô tả là công cụ của phương Tây để gây bất ổn cho "các quốc gia tự do”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dự báo khả quan về tăng trưởng GDP năm 2024
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 6,4% và sẽ tăng lên mức 6,6% năm 2025, nhờ các yếu tố nội tại mạnh mẽ và nhiều cải thiện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga kiếm đồng minh từ Serbia, ngăn chặn lính đánh thuê Kosovo, Bosnia đến giúp Ukraine