NASA đã khởi động một kế hoạch dài hơi để chế tạo trạm vũ trụ từ các mảnh rác không gian đang trôi nổi trên quỹ đạo.

NASA nghiên cứu tái chế rác không gian thành trạm vũ trụ

18/06/2017, 06:54

NASA đã khởi động một kế hoạch dài hơi để chế tạo trạm vũ trụ từ các mảnh rác không gian đang trôi nổi trên quỹ đạo.

Nếu thành công, nhiều modul của trạm không gian trong tương lai sẽ được chế tạo từ rác không gian

Cụ thể, NASA đã ký hợp đồng trị giá 10 triệu USD để các công ty tên lửa nghiên cứu khả năng biến các bộ phận của tên lửa đẩy trở thành những phòng thí nghiệm mới cho trạm không gian, với sự hỗ trợ của các phi hành gia.

Thông thường các bộ phận của tên lửa đẩy sau khi sử dụng sẽ rơi lại trái đất và bị đốt cháy trong khí quyển. Tuy nhiên một số mảnh thành rác vũ trụ trong một thời gian dài trước khi rơi vào khí quyển.

Ý tưởng tái chế các tầng của tên lửa đẩy thành trạm không gian không phải là mới. Hồi những năm 1970, NASA đã lên kế hoạch sử dụng ý tưởng này để chế tạo Skylab, trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ.

Nhà khoa học Wernher von Braun khi đó đã đề xuất tách phi hành đoàn và các bộ phận của trạm không gian ra trên hai tên lửa đẩy Saturn IB được phóng lên cùng một ngày. Quyết định táo bạo này được đưa ra để giải quyết việc tên lửa đẩy của Mỹ khi đó không đủ sức mạnh để đưa các thiết bị và phi hành đoàn lên không gian trong một lần.

Khi hai tên lửa bay vào quỹ đạo, các phi hành gia sẽ xả hết nhiên liệu còn lại trong buồng chứa hydrogen của tên lửa, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ sự sống và biến nó thành một phần của trạm không gian. Hành động này đã tái sử dụng một buồng nhiên liệu vốn sẽ bị loại bỏ.

Dù vậy, ý tưởng của nhà khoa học von Braun bị gác lại do sự nghi ngại về việc hành động này quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, giờ đây NASA lại muốn sử dụng ý tưởng đã 50 năm tuổi này vì tính tiết kiệm của nó khiến các nhà khoa học cảm thấy bị hấp dẫn.

Tiết kiệm tài nguyên

Nhóm 3 công ty NanoRacks, United Launch Alliance và Space Systems Loral đã ký hợp đồng với NASA trong việc nghiên cứu chế tạo trạm không gian từ những phần đáng ra sẽ bị bỏ của tên lửa đẩy.

United Launch Alliance sẽ tìm cách tái chế giai đoạn 2 của tên lửa Atlas V với các thiết bị để chế tạo không gian sống và phòng thí nghiệm của NanoRacks, còn Space Systems Loral sẽ trang bị hệ thống robot hoạt động.

Giống như đề xuất của von Braun trước đây, NASA sẽ sử dụng 2 tên lửa đẩy cho kế hoạch đầy tham vọng này và buồng nhiên liệu của Atlas V sẽ được trưng dụng để làm modul của trạm vũ trụ.

"Cách tiếp cận đầy sáng tạo ấy tạo ra một con đường giúp giảm chi phí và độ rủi ro so với việc chế tạo các modul trên mặt đất rồi mới đưa chúng vào quỹ đạo. Các bộ phận của tên lửa Atlas V hiện nay bị bỏ đi chỉ sau một lần dùng, do đó biến chúng thành các trạm không gian mini có thể là cách tiết kiệm tiền tốt", nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành NanoRacks Jeff Manber tuyên bố.

Dù rủi ro tài chính thấp hơn, nhưng vấn đề lại nằm ở con người. Việc chuyển đổi các buồng nhiên liệu đã qua sử dụng của tàu vũ trụ thành môi trường mà các phi hành gia có thể sống và làm các thí nghiệm là một thách thức lớn. Các phi hành gia cũng khó có thể tự tay lắp ráp được một trạm vũ trụ ngay trong vũ trụ.

Tuy nhiên, nếu NASA thành công với kế hoạch của mình, việc xây dựng các trạm vũ trụ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay.

Thiên Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NASA nghiên cứu tái chế rác không gian thành trạm vũ trụ