Để bảo vệ loài thú săn mồi này khỏi bị tuyệt chủng, Mỹ sắp ra lệnh cấm mua bán vi cá mập.

Mỹ sẽ cấm bán vi cá mập

Bảo Vĩnh | 16/12/2022, 15:15

Để bảo vệ loài thú săn mồi này khỏi bị tuyệt chủng, Mỹ sắp ra lệnh cấm mua bán vi cá mập.

Cuối ngày 15.12, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt luật mang nội dung mua - bán vi cá mập là hành vi trái phép, ngoại trừ vài ngoại lệ. Luật cấm này sẽ được trình để Tổng thống Joe Biden phê duyệt.

cites-ap-2.jpeg
Vi cá mập có giá 1.000 USD/kg - Ảnh: AP

Các nhà lập pháp Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn nạn buôn bán vi cá mập trên toàn thế giới. Số cá mập trên toàn cầu đã suy giảm, khoảng 100 triệu con chết mỗi năm do nạn đánh bắt để lấy vây, theo AP.

Luật cấm mua bán vi cá mập được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 25.1 của 184 quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về Mua bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), qua đó phê chuẩn kế hoạch bảo vệ hơn 90 loài cá mập, một động thái được cho là sẽ giúp kéo giảm mạnh việc buôn bán vi cá mập tuy béo bở nhưng tàn bạo.

Ngư dân nước ngoài thường chặt vây cá mập khi con vật vẫn còn sống và ném xác xuống biển. Kiểu chặt vây này khiến cá không thể bơi và sống sót.

Nhưng những người đánh bắt cá mập Mỹ cảnh báo, việc cấm bán vi cá mập ở Mỹ sẽ dẫn đến việc ngư dân vứt bỏ vây, và luật không làm được gì để hạn chế tình trạng đánh bắt quá mức ở các vùng biển nước ngoài vốn không được quản lý tốt như nghề cá của Mỹ.

Một số thành viên của các cộng đồng châu Á, nơi súp vi cá mập được phục vụ trong các bữa tiệc lớn của giới nhà giàu, đã chỉ trích những giới hạn trong quá khứ về việc mua bán vi cá mập là không công bằng.

Vây là bộ phận có giá trị nhất của cá mập. Đó cũng thành phần chính trong món súp vi cá mập, một món ngon ở Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong nhiều thế kỷ, món nước dùng này thường được phục vụ trong các đám cưới và các sự kiện lớn khác.

Thị trường vây cá mập được cho đạt giá trị khoảng 500 triệu USD/năm, và một kg vây cá mập có giá khoảng 1.000 USD.

vi-ca-map-reuters.jpg
Nhân công phơi khô vi cá mập ở Hồng Kông - Ảnh: Reuters

10 năm trước, khi bang California ban lệnh cấm chặt vây cá mập, nhiều người Mỹ gốc Á và ngay cả những người ủng hộ lệnh cấm cũng bị bất ngờ. Nhưng với các đại dương của Trái đất, kẻ săn mồi đáng sợ nhất này được đánh giá cao vì một lý do khác.

Trong trí tưởng tượng phổ biến, cá mập từ lâu là một loài cá nguy hiểm đối với những người bơi lội trên các vùng biển. Nhưng gần đây cá mập đã trở thành một loài cần được bảo tồn khi có vai trò điều hòa các hệ sinh thái biển.

Tuy nhiên, cá mập có xu hướng phát triển chậm và đối với một số loài, sinh sản ít con mỗi lứa. Một phần ba số cá mập, cá đuối và các loài cá sụn khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, khiến nhóm loài này nằm trong số những loài động vật có xương sống bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới.

Theo tổ chức môi trường WildAid, hàng chục bang ở Mỹ đã cấm bán vi cá mập. Việc chặt vây cá mập đã bị xếp là bất hợp pháp trong vùng biển Mỹ. Các tàu đánh bắt cá mập ở Vịnh Mexico và dọc bờ biển phía đông nước Mỹ đều được yêu cầu đưa toàn bộ con cá vào bờ.

Ngư dân Mỹ vẫn có thể đánh bắt cá mập và bán phần thịt còn lại của chúng. Sau khi bang New Jersey ban hành lệnh cấm bán vây trên toàn tiểu bang, ngư dân Kevin Wark nói ông ta phải cắt và vứt bỏ vây để mang phần còn lại của con cá mập ra thị trường. Ông nói lệnh cấm không hiệu quả và lãng phí, giống như bắt nhà nông phải bỏ phí một nửa con bò hoặc một nửa con gà.

Shaun Gehan, một luật sư đại diện cho những người đánh cá thương mại, cho biết ngành này đã bị ảnh hưởng nặng nề do doanh số sụt giảm và đại dịch COVID-19 đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường châu Á. Ông nói thêm lệnh cấm địa phương không giúp giải quyết được nhiều hoạt động đánh bắt cá không bền vững ở nước ngoài.

Gib Brogan, người quản lý chiến dịch của nhóm vận động Oceana, tổ chức ủng hộ lệnh cấm bán vi cá mập, cho biết: “Luật cấm buôn bán vi cá mập sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ từ Mỹ, rằng việc buôn bán vi cá mập là không bền vững và Mỹ sẽ không tham gia”.

Lệnh cấm của Mỹ đi kèm với một vài ngoại lệ, gồm cả việc cho phép bán vây của một số loài cá nhám chó. Đạo luật ủy quyền quốc phòng cũng sẽ ủy quyền lại các chương trình hỗ trợ bảo tồn các rạn san hô và phục hồi các loài động vật có vú ở biển.

“Đây sẽ là một điều rất tốt cho các đại dương, không chỉ cho cá mập”, Brogan nói.

Bài liên quan
Cá mập voi dài gần 6 mét mắc cạn trên bãi biển Indonesia
Đoạn video quay bằng máy bay không người lái hôm 25.5 cho thấy một con cá mập voi bị mắc cạn ở bãi biển phía tây Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ sẽ cấm bán vi cá mập